Cổ động viên Việt đi xem World Cup 2022: Ngủ lều, tự nấu ăn vẫn vui
(Dân trí) - Trong khi CĐV nước ngoài tỏ ra phàn nàn về chỗ ăn, ở và thời tiết nhưng khách Việt tới Qatar xem World Cup lại cảm thấy dễ thích nghi và hòa mình vào không khí bóng đá sôi động nơi đây.
Hơn một tuần trôi qua ở Qatar xem World Cup 2022, Vũ Duy Thái (24 tuổi, đến từ TPHCM) cảm thấy vui vẻ, phấn khích trong bầu không khí sôi động tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh.
Lần đầu đặt chân tới Qatar, lại du lịch nước ngoài tự túc và một mình nhưng Thái không gặp nhiều khó khăn. 9X cho hay, thủ tục nhập cảnh và nhận phòng đều nhanh chóng.
Về chỗ ở, chia sẻ với PV Dân trí, Thái cho biết đã chủ động đặt trước vài tháng. Anh chọn nghỉ tại 5 khu làng cổ động viên khác nhau do quá đông người đặt phòng nên không nơi nào có thể cung cấp phòng liên tục trong 23 ngày.
Việc đặt phòng không khó khăn song không có nhiều lựa chọn về giá, chủ yếu đều là những nơi ở đắt tiền.
Bốn ngày đầu tiên, Thái ở làng cổ động viên thuộc Caravan City, Doha. Phòng nghỉ tại đây thiết kế khép kín, diện tích khá rộng, sạch sẽ và an toàn, có đủ tiện nghi cơ bản như ghế sofa, TV, tủ lạnh, điều hòa, tủ đựng đồ. Giá phòng là 111 USD/đêm (hơn 2,7 triệu đồng).
"So với các khu nghỉ khác thì giá phòng ở đây rẻ bằng một nửa và mình thấy hài lòng vì phòng có đủ những thứ cần thiết, không quá tệ như những gì mọi người vẫn nói", Thái kể lại.
Ba ngày tiếp theo, 9X chuyển sang làng cổ động viên khác ở Qetaifan Island với chi phí gấp đôi, khoảng 207 USD/đêm (hơn 5,1 triệu đồng). Phòng ở đây thực chất là những chiếc lều vải khá nhỏ được dựng lên để phục vụ mùa giải World Cup. Các du khách phải dùng chung nhà tắm, vệ sinh ở khu vực bên ngoài.
Thái cho hay, phòng ở Qetaifan Island được bố trí hai giường đơn, một quạt, một gương, tuy giá cao nhưng thiếu nhiều tiện nghi như không có tủ đồ, TV, điều hòa, móc treo đồ. Chưa kể phòng chỉ là lều vải, khóa cửa lỏng lẻo, còn công tác quản lý ở khu vực này cũng chưa thật sự nghiêm ngặt.
Điều này khiến anh lo lắng vì không biết cất máy tính xách tay ở đâu vì sân vận động quy định không cho cổ động viên mang thiết bị này vào, còn chỗ nghỉ lại không đảm bảo an toàn như mong muốn.
Chàng trai trẻ tiết lộ, một lều chứa tối đa hai khách nhưng vẫn có thể dẫn thêm bạn bè vào ở cùng mà không bị ai để ý. Vấn đề duy nhất là lều và giường quá bé, nếu ở đông người thì rất chật chội.
"Khu làng này có phục vụ cả bữa sáng nhưng suất ăn khá sơ sài và không ngon. Giá phòng và giá các dịch vụ xung quanh cũng cao, không tương xứng với những gì khách nhận được. Điểm cộng duy nhất là nơi này gần biển, du khách có thể bơi lội và tận hưởng khung cảnh lãng mạn, mát mẻ sau hoàng hôn", Thái nói.
Những khu nghỉ còn lại, 9X chưa qua nên chưa biết thiết kế, nội thất ra sao. Anh thừa nhận, bản thân thích nghi nhanh nên cảm thấy mọi thứ ở Qatar không quá tệ.
Về ăn uống, Thái nhận xét ẩm thực Qatar khá dễ ăn. Ngoài tới các hàng quán địa phương để thưởng thức đặc sản, anh còn tự đi siêu thị và nấu ăn cùng hai cổ động viên Việt mới quen.
"Họ là những người đi du lịch chuyên nghiệp nên chuẩn bị đầy đủ dụng cụ nấu nướng để mang theo. Mình cùng họ đi siêu thị mua hải sản, tự nấu nướng nên thấy hợp khẩu vị hơn mà lại tiết kiệm chi phí", 9X kể.
Ở Qatar, Thái chủ yếu đi bộ hoặc đi tàu điện ngầm. Anh có thẻ Hayya Card nên thuận tiện đi tàu xe miễn phí trong thời gian diễn ra World Cup 2022. Những nơi xa hơn hoặc không tiện đi bộ thì anh đặt xe qua ứng dụng công nghệ.
Anh Ngô Trần Hải An (blogger du lịch sống tại TPHCM) cũng sang Qatar tác nghiệp về WC 2022 được 8 ngày. Lần đầu tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, anh rất phấn khích với không khí sôi động, đầy màu sắc tại đây.
Tuy không đặt được phòng khách sạn hay tại các khu lều cổ động viên nhưng anh may mắn được một người Việt hỗ trợ, cho đến ở nhờ tại nhà của họ ở gần trung tâm thủ đô Doha, Qatar.
Anh An cho biết, quốc gia này yêu cầu cổ động viên đến xem World Cup phải đặt phòng ở những khách sạn được chính phủ chỉ định, không được phép ở nhà dân hay những nơi chưa đăng ký.
"Nếu muốn ở nhà người thân như tôi thì bắt buộc phải làm đơn gửi chính phủ. Sau khi được xét duyệt và cho phép, du khách mới được đến ở mà không bị phạt tiền", anh nói.
Dù không gặp nhiều khó khăn khi sang Qatar song anh An thừa nhận, chi phí ăn uống và di chuyển ở quốc gia này khá đắt đỏ và tốn kém. Trung bình mỗi ngày, anh tốn khoảng 600.000 đồng/2 chiều, di chuyển từ chỗ nghỉ tới trung tâm báo chí và ngược lại.
Những ngày có nhiều lịch trình riêng, chi phí đi lại giữa các điểm đến của anh An lên tới 2 triệu đồng. "Ở đây mới 8 ngày mà tôi đã tốn mười mấy triệu đồng cho việc di chuyển", anh tiết lộ.
Về ăn uống, chàng blogger du lịch nhận xét chi phí khá cao nếu mua đồ ăn bên ngoài. Anh từng mua một chiếc hamburger với giá 400.000 - 500.000 đồng ở Qatar.
Theo anh An, đồ ăn trong các cửa hàng tiện lợi thì rẻ hơn nhưng không có nhiều chỗ như vậy nên du khách khó tìm mua và thường đi một lần nhưng mua nhiều đồ về sử dụng dần.
Cả Thái và anh An đều nhận xét, các quy định về ăn mặc hay không sử dụng đồ uống có cồn ở Qatar dịp này không phải chuyện đáng lo ngại đối với họ. Vấn đề duy nhất chỉ là thời tiết nóng gay gắt vào ban ngày, "chỉ đứng tầm 5 phút ngoài trời đã thấy rát hết mặt".
"Ở Qatar, ban ngày nóng như vậy nhưng ban đêm, nhiệt độ xuống thấp nên trời lạnh, không khí mát mẻ như Đà Lạt", Thái cho hay.
Những ngày ở Qatar, ngoài xem bóng đá, Thái cũng tranh thủ thời gian đi khám phá nhiều nơi như chợ Souq Waqif, trung tâm thương mại Villaggio Mall,…
Còn anh An, ngoài ghé các khu downtown, chợ cổ, khu lấn biển có dịch vụ sang trọng, anh dự tính sẽ đi các vùng khác như bảo tàng Qatar, FIFA hay trải nghiệm tour sa mạc,...