"Chú bé đứng tè" từng lãng phí hàng nghìn lít nước sạch mỗi năm

Huy Hoàng

(Dân trí) - Nếu mỗi ngày, bức tượng này thải ra ngoài khoảng 1.500 lít nước, thì trong vòng 168 năm, nó lãng phí tới gần 92 triệu lít nước.

Nếu đến Brussels, Bỉ, điểm dừng chân đầu tiên du khách thường tới chiêm ngưỡng chắc chắn là bức tượng nổi tiếng "Chú bé đứng tè" Manneken Pis nằm ở phía tây nam của tòa thị chính thành phố.

Đó là bức tượng kiêm đài phun nước có kích thước nhỏ, chỉ cao khoảng 61 cm, đối lập với những công trình kiến trúc đồ sộ xung quanh. Tượng mang hình ảnh của một cậu bé trần truồng, đang đi tè vào bồn nước của đài phun. Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Jérome Duquesnoy, hoàn thành vào năm 1619. Nhưng tới năm 1817, tượng được thay chất liệu bằng đồng. Tính đến nay, bức tượng đã hơn 400 năm tuổi.

Chú bé đứng tè từng lãng phí hàng nghìn lít nước sạch mỗi năm - 1

Bức tượng nhỏ bằng đồng "Chú bé đứng tè" đã trở thành biểu tượng của thành phố Brussels (Ảnh cắt từ clip).

Với đường nét khắc họa chân thực, sống động, ngay cả những người khó tính nhất cũng thấy thích thú khi lần đầu chiêm ngưỡng "Chú bé đứng tè".

Dĩ nhiên, bức tượng không thể được coi là kiệt tác nghệ thuật, nhưng những câu chuyện truyền miệng xung quanh nó theo lời kể của người dân địa phương càng khiến du khách thấy thích thú. Kể từ đó, bức tượng trở nên nổi tiếng khắp thế giới, trở thành một trong những biểu tượng của thành phố.

Từ những câu chuyện thú vị xung quanh "Chú bé đứng tè"

Có rất nhiều giai thoại xung quanh bức tượng nhỏ này và nhiều ý kiến tranh luận về lý do tại sao nó được dựng lên. Nhưng dưới đây là một số câu chuyện nổi tiếng hơn cả.

"Chú bé đứng tè" - Bức tượng mang tính biểu tượng của Bỉ

Câu chuyện thứ nhất là một truyền thuyết được người dân thành phố Brussels kể lại từ rất lâu, liên quan tới việc một mụ phù thủy già đã giáng hình phạt cho cậu bé "trót dại" đứng tè trước cửa nhà. Mụ đã biến hóa cậu bé thành tượng đá. Nhưng may mắn, một ông lão tốt bụng xuất hiện đúng thời điểm với bức tượng đá khá giống cậu bé trên tay, đã nhanh chóng đánh tráo để cứu được cậu nhóc.

Một giải thuyết khác lại liên quan tới chuyện khi quân đội Tây Ban Nha rút quân khỏi Brussels, họ dự định đốt toàn bộ thành phố bằng thuốc nổ khổng lồ. Thấy vậy, một cậu bé người địa phương đã đứng tè vào đường dây cháy chậm khiến xịt ngòi, qua đó cứu cả thành phố không bị phá sập.

Ngày nay, người dân địa phương không còn để ý tới việc đâu là câu chuyện thực sự phía sau bức tượng. Với họ, đây còn là biểu tượng và là niềm tự hào.

Chú bé đứng tè từng lãng phí hàng nghìn lít nước sạch mỗi năm - 2
"Chú bé đứng tè" trong trang phục truyền thống của Việt Nam (Ảnh: Erasmusu).

Ngoài ra, "Chú bé đứng tè" còn sở hữu tới gần một nghìn bộ trang phục các loại, được nhiều nơi trên thế giới gửi về. Mỗi năm, bức tượng được thay đổi khoảng 30 bộ đồ.

Tới sự thật lãng phí lượng nước sạch ngoài sức tưởng tượng

Vào thế kỷ 15, rất nhiều đài phun nước ở Brussels, nhiều loại trong số đó có chức năng phân phối nước cho người dân thành phố. Nhưng từ giữa thế kỷ 19, "Chú bé đứng tè" chỉ còn là bức tượng để trang trí.

Điều ít ai ngờ đến, một bức tượng bé như vậy lại tiêu tốn lượng nước sạch khổng lồ ngoài sức tưởng tượng. Các quan chức thành phố rất bất ngờ khi biết bức tượng từng sử dụng 1.000 đến 2.500 lít nước sạch. Lượng nước này đủ dùng cho 10 hộ gia đình, thậm chí có thể uống được nhưng lại chảy trực tiếp xuống hệ thống ống nước thải thành phố.

Chú bé đứng tè từng lãng phí hàng nghìn lít nước sạch mỗi năm - 3
Từng "ngốn" lượng nước khổng lồ mỗi năm, nhưng đến nay, chính quyền thành phố đã khiến bức tượng không "tè" ra nước sạch nữa (Ảnh: Tour).

Vốn dĩ từ trước tới nay chẳng ai để ý tới chuyện này. Bởi Manneken Pis chỉ là một trong hàng trăm bức tượng ở đây. Câu chuyện chỉ bị phát hiện vào cuối năm 2018 khi một kỹ thuật viên năng lượng của thành phố lắp đặt đồng hồ đo nước trên đầu bức tượng. "Chúng tôi từng cho rằng đây là hệ thống nước khép kín và bức tượng nhỏ này chẳng tốn kém mấy", nhân viên kỹ thuật cho biết.

Sau khi sự việc được phát hiện, chính quyền thành phố đã có điều chỉnh để tránh lãng phí nước sạch. Hiện tại, Manneken Pis không còn "tè" ra nước sạch nữa. Nguồn nước sạch sẽ đi vào hệ thống khép kín để tất cả được tuần hoàn.

Đồng thời, thành phố cũng kiểm tra tất cả các đài phun trong khu vực trung tâm, tránh việc lãng phí tương tự. Giới chức địa phương cũng hi vọng người dân và du khách cùng nâng cao ý thức tiết kiệm tài nguyên nước.