Choáng ngợp trước Kim tự tháp Giza

(Dân trí) - Từ lúc học tiểu học, tôi đã nghe đến Kim tự tháp Ai Cập. Thế rồi qua hàng chục năm được đọc, được xem qua sách vở, phim ảnh,… tôi cũng hình dung được phần nào về kỳ quan hàng đầu thế giới cổ đại. Vậy mà khi được đến Ai Cập, đứng trước quần thể Kim tự tháp Giza thì thật sự tôi choáng ngợp.

Đường đến Kim tự tháp Giza
Đường đến Kim tự tháp Giza

1. Khufu – công trình kiến trúc cổ đại có độ cao cao nhất thế giới suốt 3871 năm

Tôi nhớ cũng đã lâu rồi, khi lần đầu tiên được đặt chân lên Vạn Lý Trường Thành ở Bắc Kinh, tôi cũng có cảm giác “choáng” trước một công trình kỳ vĩ do bàn tay con người tạo dựng từ 2500 năm trước.

Nhưng dù Vạn Lý Trường Thành có dài đến 21.196km, vượt qua bao vực sâu, đèo cao thì tôi vẫn hình dung ra được những người phu đào đất, nung gạch, xây thành ra sao. Còn bây giờ đến Ai Cập, được sờ tận tay, được đo đếm, được chui xuống hầm mộ của các công trình trong khu vực Kim tự tháp Giza thì càng không thể hiểu nổi vì sao, bằng cách nào mà con người cách đây gần 4500 năm đã xây dựng được những công trình kỳ vĩ đến vậy.

Đoàn du lịch Migola Vietnam trước Kim tự tháp Kheops
Đoàn du lịch Migola Vietnam trước Kim tự tháp Kheops

Quần thể Kim tự tháp Giza chỉ cách Thủ đô Cairo nửa giờ đi xe ô tô. Trong quần thể có 3 kim tự tháp nối tiếp. Cao nhất là Kim tự tháp Khufu, hay còn gọi là Đại kim tự tháp hoặc Kim tự tháp Cheops. Độ cao kim tự tháp này trước đây là 146,5m nhưng giờ đây chỉ còn 138,75m. Với độ cao này, có tài liệu nói đây là kim tự tháp đã 3871 năm chiếm độ cao cao nhất thế giới trong các công trình do con người tạo dựng.

Tiếp đó là Kim tự tháp Khafre hay Chephren, thứ ba là Kim tự tháp Menkhaure hay Mykerinius. Cùng đó, có 4 kim tự tháp nhỏ dành cho các hoàng hậu và tượng nhân sư. Tính đến thời điểm này, pho tượng Nhân sư mình sư tử mặt người vẫn giữ kỷ lục là pho tượng đá nguyên khối lớn nhất thế giới.

Chúng tôi trèo lên một đường dẫn để chụp cho được tấm hình Nhân sư ưng ý nhất, nhưng cũng rất vất vả vì lúc nào cũng đầy người tham quan. Theo tài liệu thì mặt người của tượng nhân sư chính là mặt Pharaon Khafra. Nhân sư là tượng thần bảo vệ. Tôi có liên tưởng như bên Á Đông ta trước cửa đền chùa, miếu mạo thường có đắp hình con hổ hay sư tử đứng canh vậy. Đến Sakkhara vẫn gặp tượng nhân sư nhưng nhỏ hơn nhiều tượng nhân sư ở Giza.

Tương nhân sư ở Giza
Tương nhân sư ở Giza
Và tượng nhân sư ở Menphis
Và tượng nhân sư ở Menphis

Trong đoàn chúng tôi, nhiều người đã từng đến Dubai để chiêm nghiệm Tòa nhà Burj Khalifa cao tới 828m – là tòa nhà cao nhất thế giới. Đứng trước công trình này, chúng ta đều có thể lý giải bây giờ với trực thăng, cần cẩu, thang máy... thì xây dựng tới độ cao mấy trăm mét không có gì lạ. Nhưng ngày ấy, 4500 năm trước, con người thời đại "đồ đá" làm sao có thể vận chuyển những khối đá hoa cương nặng 60-80 tấn từ Aswan (cách Giza gần ngàn cây số) và ngay cả những khối đá vôi từ 2,5- 8 tấn từ bên kia sông Nile về Giza? Rồi làm sao mà có thể nâng lên đến độ cao gấp cả trăm lần độ cao con người?

Ước tính, người ta phải dùng tới 2,4 triệu khối đá với tổng trọng lượng lên tới gần 6 triệu tấn để xây dựng tháp Giza. Có một giả thuyết mà lúc đầu đưa ra thế giới chẳng ai tin, đó là người Ai Cập cổ đại đã "đúc" bột đá với "chất kết dính" kiểu ciment để tạo ra các khối đá vuông thành sắc cạnh... Người ta căn cứ vào kết cấu đá để tranh luận, nhưng giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết.

Choáng ngợp trước Kim tự tháp Giza - 5
Lớp áo đá vôi trắng bên ngoài đã bị phá bật trơ các khối đá xếp sit vào nhau

Khi đã không thể lý giải được cách làm, thì làm sao có thể tính toán được ngày ấy người ta đã sử dụng bao nhiêu nhân công để xây dựng và xây dựng trong bao năm. Bởi vậy đã hàng trăm năm qua, nhiều giả thuyết tính toán số lượng nhân công quá chênh lệch. Người thì nêu con số 300.000 người, kẻ thì nêu con số 100.000, nhưng cũng có người chỉ nêu mấy chục ngàn. Người lao động ngày trước thường được cho là bắt nô lệ làm việc, nhưng gần đây người ta chứng minh rằng lao động là những người có tay nghề được tổ chức, được trả lương..

Tìm hiểu về cách xây dựng Kim tự tháp, người ta thấy có sự thay đổi. Từ Kim tự tháp ra đời sớm nhất là Kim tự tháp Djoser xây dựng vào khoảng thế kỷ 27 trước công nguyên theo kiểu bậc thang, đến những kim tự tháp sau này là những mặt nghiêng phẳng. Cho đến nay, người ta đã phát hiện được 138 Kim tự tháp khắp nước Ai Cập.

Kim tự tháp Bậc thang Djoser
Kim tự tháp Bậc thang Djoser

Từ trung tâm Cairo đến cụm tháp đầu tiên này cũng không xa nên chúng tôi đã đến Djoser tham quan kim tự tháp bậc thang và đến Menphis – thành phố Kinh đô đầu tiên của Ai Cập được tạo dựng từ 3300 năm trước Công nguyên. Ở đây còn giữ gìn được nhiều di tích của một thời vàng son cổ đại. Chỉ ngắm nhìn các trụ đá hiện hữu, chúng ta có thể hình dung ra được sự hoành tráng của các công trình cách đây hơn 5500 năm .


Với nhiều di tích cho thấy hẹ thống cung điện 5500 năm trước hết sức tráng lệ

Với nhiều di tích cho thấy hẹ thống cung điện 5500 năm trước hết sức tráng lệ

Choáng ngợp trước Kim tự tháp Giza - 7

2. “Ngợp” vì độ kỳ vĩ và “ngợp” về độ chính xác

Ba Kim tự tháp chính ở Giza không xa nhau lắm cho nên chúng tôi có đủ thời gian để đi một lượt rồi trở lại xem kỹ Kim tự tháp Kheops. Kim tự tháp được xây dựng theo cách chồng các khối đá vuông thành sắc cạnh lên nhau, không có mạch vữa liên kết. Có thể nói, chính trọng lượng các tảng đá tạo ra sức kết nối chống chọi với thời gian.

Minh Tân – hướng dẫn viên du lịch Migola VietNam vừa được Bộ Du lịch Ai Cập trao bằng chứng nhận hướng dẫn viên du lịch quốc tế - khá quen thuộc với nơi này. Anh hướng dẫn tôi tìm hiểu khe hở giữa các khối đá.

Sự chính xác sít sao đến ngỡ ngàng! Những khối đá cao, to, nặng hàng tấn được chế tác, cắt gọt bằng cách nào để tạo ra những mặt phẳng như vậy?

Bên trong lòng kim tự tháp ở Giza
Bên trong lòng kim tự tháp ở Giza

Và đây, các cánh cửa đá hoa cương nặng đến mấy mươi tấn mà lắp đặt chính xác qua hàng ngàn năm, một người mở vẫn trơn tru nhẹ nhàng.

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, đứng trước kim tự tháp Kheops, chúng tôi còn được biết rằng chiều cao chênh lệch giữa hai cạnh đối diện ở mức dưới 2cm. Có người phải thốt lên: độ chính xác đến kinh hoàng. Bây giờ, với biết bao máy móc đo đạc điện tử nhưng chẳng mấy ai dám mơ đến những con số chính xác như vậy.

3. Ngỡ ngàng với những bí ẩn

Khi đến tham quan các kim tự tháp, chúng ta sẽ mang một cảm giác choáng ngợp không chỉ vì sự vĩ đại, sự chính xác mà còn cả bởi những bí ẩn vẫn chưa có lời giải đáp.

Chẳng hạn như nếu ta lấy chiều cao 146,5m của Đại kim tự tháp nhân với 1 tỷ thì tương đương với khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời. Thêm vào đó, người Ai Cập có trình độ thiên văn, toán học rất cao, bởi nếu lấy 2 lần chiều cao tháp chia cho diện tích đáy tháp sẽ ra số Pi (3,14159)…

Ba kim tự tháp Khufu, Khafre và Menkaure nằm thẳng hàng với ba ngôi sao tạo nên chòm sao Thắt lưng của Orion. Lối đi xuống lòng Kim tự tháp Kheops đi đúng theo hướng Sao Bắc đẩu có tên là Alpha Draconis.

Choáng ngợp trước Kim tự tháp Giza - 9

Mặt bắc Kim tự tháp Giza quay về đúng hướng Bắc một cách chính xác. Ngày nay người ta phát hiện có lệch, nhưng đó là do Quả đất có sự xê dịch so với mấy ngàn năm trước chứ không phải do kim tự tháp xây lệch.

Còn nhiều điều làm cho khách tham quan phải hết sức trầm trồ thán phục. Chẳng hạn như tuy là công trình kiến trúc trên sa mạc nhưng nhiệt độ bên trong Kim tự tháp chỉ khoảng 20 độ C và độ ẩm cũng không cao.

Gần đây, khi đem những đồng tiền hoen rỉ vào bên trong kim tự tháp, người ta phát hiện thêm những điều kỳ lạ khác. Sau hơn một tháng, những đồng tiền đó lại sáng loáng trở lại. Họ cũng đem một cốc sữa tươi bỏ vào kim tự tháp, sau một tháng vẫn không thay đổi màu sắc, mùi vị. Hoa quả đem vào đó để nửa tháng vẫn còn tươi, không hề bị mất nước hay khô héo.

Có lẽ còn lâu và rất lâu nữa, khoa học mới có thể làm sáng tỏ được những gì mà nền văn minh bốn năm ngàn năm trước đã có. Nhưng chắc chắn, sẽ có thêm nhiều phát hiện mới xung quanh những Kim tự tháp kỳ vĩ và đầy bí ẩn này.

Nguyễn Lương Phán