Chàng trai đam mê cắm trại một mình mỗi tuần
(Dân trí) - 3 năm nay, cứ khoảng một tuần, Lư Hoàng Thông, 30 tuổi lại đi cắm trại một mình. Lúc vào rừng sâu, lúc thì xuống biển với lều bạt, nệm ngủ, dụng cụ nấu ăn… nâng cấp lên đến gần 30 triệu đồng.
Một chiều cuối tháng 8, Thông chất hành trang cắm trại lên xe máy của mình, đi hơn 100 km xuống Đồi Nhái, Vũng Tàu. Khi trời nhá nhem tối, anh chạy xe một vòng men theo bãi biển, cắm trại cạnh một cây thông lớn, sau lưng là đồi cát và có biển trước mặt.
Chàng trai bắt đầu dựng lều, trải bạt và châm dầu hỏa thắp đèn chiếu sáng. Trong tiếng sóng vỗ rì rào và những làn gió biển mát rượi, anh bắt đầu chuẩn bị bữa tối.
Ngoài món mì xào trứng, thịt bò đã được chế biến trong chiếc nồi nhỏ tỏa khói thơm trên bếp gas. Nhấp ngụm bia lạnh chàng trai làm nghề quay phim cảm thấy bình yên sau những ngày bộn bề với công việc.
Cắm trại mỗi tuần
"Từ nhỏ mình đã thích những trò chơi, hoạt động ngoài trời gần gũi với thiên nhiên. Khi rời thành phố tìm đến những nơi vắng vẻ để cắm trại, mình có cảm giác những ký ức tuổi thơ ùa về, còn tâm hồn thì rất nhẹ nhõm", Thông chia sẻ.
Chàng trai 30 tuổi có gần 3 năm tự đi cắm trại một mình. Trước đó, anh vẫn thường xuyên đi cùng bạn bè.
"Lên kế hoạch và thực hiện có khi mất cả tháng. Nhiều cuộc đã phải hủy vào phút chót khiến mình hụt hẫng", Thông nói.
Do làm nghề quay phim, chụp ảnh tự do, nên những ngày nghỉ anh thường kín lịch. Ngày thường Thông rảnh thì bạn bè lại bận đi làm. "Cắm trại một mình thì hứng lên là đi, không phụ thuộc ai", Thông lý giải cho sở thích của mình.
Những điểm cắm trại anh ưu tiên thường chỉ cách TPHCM khoảng 100 km, xa nhất cũng chỉ dưới 500 km để tiện di chuyển bằng xe máy. Ngoài những điểm như Hồ Trị An ở Đồng Nai hay hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh có thể chạy xe máy, cứ vài tháng anh lại thử sức bằng những chuyến khó khăn hơn với việc đi bộ, leo núi hàng giờ.
Để có những chuyến đi liên tục như thế, Thông luôn đến phòng gym để chuẩn bị cho mình một sức khỏe thật tốt.
Ngoài ra, chàng trai còn chuẩn bị bộ đồ nghề "xịn sò" phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân trong quá trình cắm trại. Ban đầu, Thông chỉ sắm lều, tấm lót cách nhiệt, bếp, nồi để nấu ăn với giá vài triệu đồng. Sau ba năm, anh nâng cấp số lượng, chất lượng đồ lên đến gần 30 triệu.
"Lúc trước ngủ trên tấm lót cách nhiệt rất đau lưng nhưng giờ mình đã sắm thêm chiếc nệm xốp. Nồi, chảo lúc đầu mua chất liệu inox hay nhôm sau đổi qua vật liệu titan cho vừa bền vừa nhẹ", Thông hào hứng nói và cho biết thêm đã đầu tư chiếc lều tốt với lớp chống mưa bên ngoài, lớp chống côn trùng bên trong.
Nói về những lần đi cắm trại của mình, Hoàng Thông cho biết sẽ đi hai ngày một đêm để ngắm trọn hoàng hôn và đón bình minh ở nơi xa vào sáng hôm sau.
Nếu trời không mưa Thông sẽ đi kiếm củi để nhóm bếp nấu ăn. Thức ăn anh chọn thường là mì xào với tôm, thịt hoặc trứng mang theo từ nhà. Còn ở vùng biển, chàng trai với thân hình rắn giỏi sẽ ưu tiên mua hải sản ở địa phương để chế biến.
Hồi tưởng về những lần đi cắm trại một mình, Thông cho biết khi đến những nơi có sóng, việc đầu tiên anh làm là gọi điện về cho gia đình để họ yên tâm. Thi thoảng, anh livestream đêm trại của mình lên mạng xã hội để chia sẻ những khoảnh khắc yên bình đến với mọi người.
"Một mình nhưng không cô đơn"
Thông thường, chàng trai 30 tuổi luôn chọn những điểm mới để khám phá và trải nghiệm. Đôi khi chỉ vừa xem xong video giới thiệu một điểm thú vị là anh có thể xách ba đi vào hôm sau.
Tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra nhưng Thông bảo may mắn anh chưa gặp khó khăn nào đáng kể. Những loại thuốc như hạ sốt, đau đầu, đau bụng và kem chống muỗi cũng luôn là những vật bất ly thân với anh trong mỗi chuyến đi.
Trước đây, chàng trai thường chọn thời tiết đẹp để đi nhưng 3 năm trở lại đây có khi anh chọn trời mưa để đi nhằm trải nghiệm những cung bậc cảm xúc khác nhau.
"Vừa rồi nghe dự báo Đà Lạt sẽ có mưa nên háo hức đi ngay. Tuy nhiên, khi đến thì trời không mưa nên tôi đã phải ở lại chờ thêm 4 ngày nữa mới thỏa ước nguyện", Thông kể.
Nói về điều ấn tượng nhất trong những lần đi cắm trại, anh bảo có lẽ là chuyến đi vào tháng 10/2021 ở núi Chứa Chan. Đây là khoảng thời gian hết giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Lần đó, thay vì mất 3 giờ để lên đỉnh núi, Thông đã phải dùng thời gian gấp đôi để chụp thật nhiều hình và ngắm mọi thứ xung quanh trên đường.
20h hôm đó, Hoàng Thông mới leo lên đỉnh núi và tìm được chỗ dựng trại. Với món bò nhúng giấm tự chế biến, anh vừa ngồi nhâm nhi uống vừa nhìn thành phố phía dưới với những ánh đèn lung linh đầy huyền ảo.
Nhiều người nghĩ đi một mình sẽ cô đơn nhưng với Thông thì khác. Anh cho rằng đây là quãng thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm và tận hưởng nhiều điều.
"Đêm nằm một mình trong lều nghe tiếng mưa rơi, mình tìm thấy sự yên bình trong tâm hồn. Điều này giúp mình lấy lại năng lượng, hứng khởi để tiếp tục làm việc sau những chuyến đi", Thông tâm sự và cho rằng sau mỗi lần đi xa về, anh lại có thêm nhiều am hiểu về nơi mình đến.
Với mỗi chuyến đi, Thông đều quay video để chia sẻ lên mạng xã hội. Những bài đăng của anh trong các hội nhóm cắm trại thu hút hàng nghìn lượt tương tác.
Chàng trai cũng có lời khuyên dành cho những người yêu thích cắm trại và đặc biệt là có ý định đi một mình rằng hãy đi điểm gần, dễ di chuyển trước. Ngoài ra, nên sắm những món đồ cần thiết nhất cho chuyến đi, tránh mua chúng vì thấy thích, thấy đẹp nhưng công năng không đáng kể.
"Mình muốn gửi một thông điệp đến mọi người rằng, đi cắm trại để trở về với thiên nhiên. Vì vậy đừng làm hại thiên nhiên nếu để bất cứ mẩu rác nào ở lại", Thông tâm niệm.
Diệp Phan
Ảnh, video: Lư Hoàng Thông