Vợ chồng bán cơm tấm Sài Gòn chi 100 triệu đồng xuyên Việt cùng con cháu
(Dân trí) - Vợ chồng ông Thành phượt xuyên Việt trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi 3.450km trong 20 ngày cùng con cháu, trên đường đi họ liên lạc với nhau qua bộ đàm.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thành, 60 tuổi và bà Lê Viết Chính, 57 tuổi ở quận 12 (TPHCM) cùng con trai, vợ chồng con gái và cháu ngoại 11 tuổi hoàn thành chuyến xuyên Việt bằng xe máy hôm 22/7.
Theo quốc lộ 1A, gia đình ông Thành đi từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi lên một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai...
Vợ chồng ông Thành bán cơm tấm, các con đều buôn bán tự do nên chủ động thời gian. Đại gia đình 6 người chi khoảng 100 triệu đồng cho toàn bộ chuyến đi đã ấp ủ hơn 5 năm nay. Thành Lộc, 21 tuổi - con trai ông Thành cho biết ba mẹ mình chỉ thích đi du lịch cùng con cái.
Để khởi động cho lần phượt xuyên Việt đầu tiên này, gia đình ông Thành đã từng "bỏ túi" nhiều chuyến du lịch ngắn bằng xe máy trước đây. Trung bình mỗi năm, gia đình ông đi khoảng 3 - 4 chuyến lên Đà Lạt, về miền Tây… Đầu năm nay, họ đã đi ra đến Quy Nhơn bằng xe máy, đây là điểm xa nhất gia đình từng phượt cùng nhau.
Ông Thành chia sẻ, dù từng đi nhiều nơi nhưng từ lâu ông đã mong có thể thực hiện một chuyến xuyên Việt để khám phá, tận mắt nhìn hết những cảnh đẹp đất nước. Hơn nữa, người đàn ông 60 tuổi sợ cứ chần chừ thì vài năm nữa sức khỏe không cho phép ông thực hiện giấc mơ của mình.
Ban đầu, ý nghĩ của ông không được Thành Lộc đồng ý. Từng là một nhân viên giao hàng bưu điện, chàng trai nhiều lần theo xe tải đi từ Sài Gòn ra Hà Nội. "Em thấy quãng đường rất xa, ba mẹ lớn tuổi nếu tự lái xe đi rất nguy hiểm. Em từng ngỏ ý rằng ba mẹ nên đi máy bay ra Hà Nội, sau đó phượt Tây Bắc bằng xe máy nhưng ba muốn đi hết quãng đường bằng xe máy", Lộc nói.
Thấy cha quyết tâm, Lộc lên kế hoạch rủ gia đình chị gái cùng đi. Với kinh nghiệm nhiều lần đi du lịch, gia đình ông Thành chỉ mang theo những bộ quần áo đơn giản, gọn nhẹ nhất. Ngoài ra, một bộ đồ nghề sửa xe, thuốc men đủ loại và máy đo huyết áp là vật bất li thân của cả gia đình.
4 giờ ngày 2/7, gia đình 6 người của ông Thành lên đường. Đi trước là Thành Lộc, cậu có nhiệm vụ là người xem bản đồ, dẫn đường. Ở giữa là xe của vợ chồng ông Thành, nối đuôi là xe của gia đình cô con gái và cháu ngoại.
Dọc đường 3 chiếc xe liên lạc với nhau qua bộ đàm. Lộc đi trước dò đường, hễ có những đoạn cua nguy hiểm, đường xấu hay đông xe cộ anh sẽ báo để cả nhà cùng biết, chủ động giảm tốc độ.
Từ Sài Gòn, gia đình đi theo quốc lộ 1A bằng bản đồ. Hôm đầu tiên cả nhà chạy một mạch gần 400km ra đến Nha Trang thì trời tối, cả nhà thuê một khách sạn và nghỉ qua đêm ở đó. Cũng hôm đầu tiên, cả nhà gặp mưa lớn. Xem dự báo thời tiết, Thành Lộc thấy những ngày sắp tới miền Trung sẽ có mưa, bão nên đã báo với gia đình sẵn sàng tâm lý quay về Sài Gòn.
Tuy nhiên, sau đó trời dịu mát, họ tiếp tục hành trình khá suôn sẻ. Mỗi ngày di chuyển khoảng 200km, cố gắng nghỉ chân buổi tối ở những thành phố hay thị trấn đông đúc.
Ước tính thời gian di chuyển, Lộc chủ động đặt phòng khách sạn trước khi đến nơi. Tranh thủ lúc nghỉ chân qua đêm, cả nhà thưởng thức những món đặc sản của từng nơi mình đi qua như chè bột lọc heo quay Huế, kẹo cu đơ Hà Tĩnh, dê Ninh Bình, gà đen Sa Pa… Tuy nhiên trên đường đi, họ ăn uống đơn giản và thường chọn những món như cơm rang, phở, mì xào… Ngoài tiền xăng, ăn uống, chi phí giặt ủi ở khách sạn cũng khá tốn kém.
"Gia đình tôi luôn ưu tiên mướn phòng lớn để cả nhà ở cùng nhau. Nếu hết phòng thì mới chịu tách riêng", bà Chính cho biết.
Từ Sài Gòn ra đến Hà Nội, gia đình ông Thành dừng chân ở Nha Trang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình... để thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh trên đường đi.
"Động Thiên Đường ở Quảng Bình nằm cách xa quốc lộ 1A chừng hơn 50km, ban đầu gia đình tính không ghé nhưng nghĩ biết khi nào có cơ hội nên đã quyết đến để tham quan", ông Thành nói. Ông cũng cho biết, đó là quyết định sáng suốt của gia đình vì cảnh ở đó rất đẹp.
Ngoài ra, tiếng địa phương của các tỉnh miền Trung cũng khiến gia đình ông Chính thấy ấn tượng. Tự nhận mình là dân buôn bán, có thể nghe được giọng của nhiều vùng miền nhưng khi ra đến Hà Tĩnh, bà Chính hỏi xin một cái bịch nilon đựng đồ nhưng người ở đây không hiểu.
"Thử hỏi là cái bao, cái bọc nhưng người ta vẫn không biết mình muốn xin cái gì, tôi phải nói là cái bị thì họ mới hiểu", bà Chính chia sẻ.
Đi qua hết các tỉnh từ Nam ra Bắc nhưng chỉ khi đến Hà Giang, gia đình ông Thành mới thực sự vỡ òa trước nhiều cảnh đẹp, ấn tượng nhất với thắng cảnh nơi đây.
"Phải nhìn ngắm bằng mắt mình mới biết đất nước thật sự đẹp đến nhường nào", ông Thành háo hức kể lại.
Đây cũng là nơi cả gia đình ở lại tham quan lâu nhất với gần 4 ngày. Họ dành thời gian khám phá đèo Mã Pí Lèng, ngủ lại ở Đồng Văn và Mèo Vạc. Gia đình may mắn thuê được một homestay với không gian ấm cúng để nghỉ ngơi và sinh hoạt cùng nhau. Đêm đến, cả nhà quây quần nói chuyện về những nơi từng đi qua và bàn bạc với nhau khám phá những điểm mới vào hôm sau.
Chạy xe suốt nhiều ngày nhưng vợ chồng U60 không cảm thấy mệt mỏi hay đau lưng. Ngược lại, họ còn thấy tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn khi đặt chân đến vùng đất mới. Tuy nhiên, vì phải đi bộ một đoạn đường núi hiểm trở để xuống sông Nho Quế, gia đình ông Thành mới cảm nhận "đây có lẽ là quãng đường vất vả nhất chuyến đi".
Đặc biệt, việc lái xe lên dốc, ông Thành đã bị ngã do không chủ động lên số chiếc xe từ sớm. Sự cố không gây chấn thương nhưng đó là một bài học cho người đàn ông rút kinh nghiệm cho những chuyến phượt lần sau.
"Đường lên Hà Giang, gia đình tôi có gặp một vụ tai nạn kinh hoàng nên có chút lo lắng. Dù tự tin vào tay lái, nhưng tôi nghĩ mình cũng cần có may mắn mới hoàn thành chuyến đi suôn sẻ", ông Thành cho hay.
Thời gian ở lại Hà Giang lâu, gia đình ông bà cũng có dịp tiếp xúc với những đứa trẻ ở đây. Thấy những đứa trẻ vô tư, hồn nhiên đang đi trên đường, gia đình ông bà mua bánh kẹo, sữa tặng cho chúng.
Gia đình ông Thành có ý định sẽ đến hang Pác Pó ở Cao Bằng, tuy nhiên Thành Lộc phản đối vì đoạn đường từ Hà Giang đến đó đang sửa chữa rất nguy hiểm. Có cơ hội dừng chân ở Lào Cai, thưởng thức món bánh hạt dẻ thấy ngon, cả nhà đã đặt thêm nhiều phần giao đến Sài Gòn để tặng bà con sau khi trở về.
Khám phá Hà Giang xong, gia đình về lại Hà Nội ở thêm 4 ngày nữa trước khi về Sài Gòn. Thời tiết Thủ Đô những hôm đó khá nóng, gia đình ông bà chủ yếu đi dạo vào ban đêm đến một số nơi như Hồ Gươm, Văn Miếu, Lăng Bác…
"Điều tiếc nuối nhất của tôi trong cả chuyến đi có lẽ là chưa được vào Lăng Bác vì đang đóng cửa" - ông Thành nói vẻ buồn hiu.
Những ngày này, Thành Lộc ngỏ ý muốn ba mẹ đi máy bay về trước nhưng ông Thành không đồng ý vì muốn trở về cùng con cháu.
Ngày 20/7, cả gia đình lên tàu đến sáng 22/7 thì tới ga Sài Gòn. Họ đã cùng nhau ăn sáng, uống ly cà phê đá mà theo ông Thành chia sẻ đó là thứ ông nhớ nhất khi phải xa Sài Gòn.
"Chỉ khi về đến nhà an toàn, khỏe mạnh, em mới tin chuyến đi đã thành công, bất ngờ vì ba mẹ khỏe hơn em nghĩ", cậu út Thành Lộc cười, nói.
Sắp tới, cả nhà dự định sẽ thực hiện thêm một chuyến phượt các tỉnh Tây Bắc nữa bằng xe máy. Dự định sẽ gửi xe máy ra Hà Nội trước rồi đi máy bay ra để đỡ mất sức hơn.
Về nhà ít hôm, vợ chồng ông Thành lại tiếp tục công việc bán cơm tấm của mình. Ông Thành bật mí, chính vì quen lao động, thức khuya dậy sớm buôn bán nhiều năm khiến sức khỏe của họ rất tốt.
"Tôi sẽ cố gắng đi chuyến sau thật sớm vì sợ cứ chần chừ thì không còn cơ hội nữa vì sức khỏe tuổi già không cho phép. Ban đầu sợ rằng đi về sẽ mệt nhưng không phải, càng đi tôi lại càng tinh thần mình phấn chấn hơn rất nhiều, làm không biết mệt", ông Thành vui vẻ khoe.