Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi!

(Dân trí) - Cầu đường sắt Đồn Cả được xây dựng chủ yếu bằng đá, dạng cầu vòm, bắc qua một dòng suối từ trên núi chảy xuống biển, in dáng trên nền trời xanh thẳm giữa rừng vắng, thật cổ kính và hùng vĩ.

Trên tuyến đường sắt xuyên Việt, những đoàn tàu hỏa phải vượt qua nhiều đèo dốc ở khu vực miền Trung, mà đèo Hải Vân là con đèo dài nhất và hiểm trở nhất. Để hạ bớt độ cao cho đoàn tàu có thể an toàn vượt qua đèo, người ta đã phải làm nhiều hầm xuyên núi, và bên cạnh đó là những cây cầu vượt qua các khe suối, hẻm núi trên đèo.

Một trong số những cây cầu đường sắt hùng vĩ trên đường đèo Hải Vân là cầu Đồn Cả, nằm ngay sát ga Hải Vân Bắc, chếch một chút về phía Nam của nhà ga.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 1

Cầu vòm Đồn Cả nhìn từ trên đường đèo Hải Vân.

Cầu đường sắt Đồn Cả là cây cầu được xây dựng chủ yếu bằng đá, dạng cầu vòm, bắc qua một dòng suối từ trên núi chảy xuống biển. 4 vòm cuốn lớn dựa trên các trụ đá cao vút, như những vòm cổng sừng sững in dáng trên nền trời xanh thẳm giữa rừng vắng, thật cổ kính và hùng vĩ. Cây cầu nằm đúng trên một khúc cua đường sắt, đường vừa cong, vừa dốc nên tại một số đoạn đường cong, người ta phải lắp thêm ray phụ ép sát thanh ray chính để chống trật bánh tàu.

Từ đỉnh đèo Hải Vân xuôi về phía Lăng Cô, qua khúc cua chữ Z nổi tiếng, qua cửa thông gió của hầm đường bộ Hải Vân và cầu Đồn Nhì khoảng vài trăm mét, bên phải đường đèo có một con đường nhỏ bằng bê tông chạy vào rừng, dốc xuống phía biển. Đường rất dốc và nhỏ hẹp – chỉ rộng chừng hơn 1 mét – đi ngoằn ngoèo xuyên rừng khoảng hơn 1km thì xuống tới đường sắt. Xe máy phải để lại ở đây (có thể khóa xe để ở đây hoặc chạy thêm một đoạn ngắn gửi ở ga Hải Vân Bắc ngay cạnh đó). Sau đó là chặng đi bộ dọc theo đường tàu ngược về phía Đà Nẵng khoảng gần 1km nữa thì đến cầu vòm Đồn Cả.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 2

Di tích lô cốt Đồn Cả ở đầu cầu phía Bắc đã bị cây rừng phủ gần kín hết

Đường sắt cong cong chạy lọt giữa rừng cây xanh ngắt, biển ngay bên cạnh ở phía dưới, tuy khuất cây rừng không thể nhìn thấy, nhưng nghe trong gió có tiếng sóng rì rào, có hơi biển mặn mòi, khiến cho việc đi bộ giữa cái nắng miền Trung dọc theo đường tàu cũng trở nên nhẹ nhàng hơn phần nào. Tuy nhiên việc đi bộ dưới ánh nắng gay gắt trên con đường sắt lổn nhổn những đá sẽ sớm làm bước chân trở nên mỏi mệt. Vừa may, tới một khúc cong thì cây cầu hiện ra với hàng lan can hai bên đã cũ kỹ đến mức một số đoạn đã bị ăn mòn hết.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 3

Một dòng suối chảy qua dưới cây cầu, từ phía biển nhìn lại, Hải Vân Quan bé tí nơi 2 triền núi trũng xuống – phí dưới vòm cầu ở giữa.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 4

Cây cầu vòm bằng đá cổ kính in bóng trên nền trời với hàng lan can cũ kỹ theo thời gian.

Biển lại hiện ra ngay bên cạnh, chắc cao độ mặt cầu chỉ hơn trăm mét so với mực nước biển, một con suối nhỏ chảy bên dưới cây cầu, đổ nước từ trên núi xuống biển tại một bãi biển nhỏ và khuất phía dưới, mà Tí (anh bạn thổ địa) gọi là bãi Suối Kỵ. Dòng suối mát bên dưới, dù mới chỉ nhìn thấy, đã đánh tan cái mệt mỏi nóng nực dọc đường đi. Dưới suối, một nhóm bạn trẻ đã đến trước đang tụ tập chụp ảnh, những tiếng “chỉ đạo” tạo dáng và tiếng cười trong trẻo vang lên giữa không gian núi rừng.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 5

Dòng suối mát lạnh chảy từ trên núi xuống biển, phía dưới cây cầu.

Chúng tôi kiếm được bóng mát của một lùm cây nhỏ ven bờ suối, bày trái cây ra tảng đá, ngâm đôi chân dưới dòng nước mát rượi của con suối, lắng nghe tiếng cười của các bạn trẻ phía xa xa dưới kia, tiếng chim chóc hót vang rừng, và thấy trong lòng thật thư thái. Nghỉ ngơi một lát cho ráo mồ hôi, chúng tôi ngâm mình xuống dòng suối luôn róc rách chảy, và thưởng thức cảm giác được mát xa bởi dòng nước mát lạnh chảy xiết qua khe đá.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 6

Nhóm bạn trẻ sau khi chụp ảnh, đã nhào xuống dòng nước mát lạnh của con suối.

Rồi có tiếng ồn đặc trưng của tàu hỏa vang lên lớn dần, và kìa, đoàn tàu như một con rắn khổng lồ từ từ xuất hiện, “bò” qua cây cầu vòm. Từ dưới suối nhìn lên, cảm giác đoàn tàu chạy trên cầu thật chênh vênh, cheo leo làm sao. Cây cầu cổ kính và đoàn tàu hiện đại hòa quện vào nhau, vắt ngang trên nền trời xanh thẳm – thật là một hình ảnh tuyệt vời của chuyến đi chơi ngắn trong ngày đầu hè.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 7

Đoàn tàu chầm chậm “bò” qua cây cầu.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 8

Sau vài giờ chơi dưới suối, mọi người lác đác ra về.

Cầu đường sắt Đồn Cả: Cheo leo tàu vượt núi! - 9

Lại gặp tàu xuôi Nam, tất cẩ đều lo giữ khoảng cách an toàn.

Ngược con đường bê tông nhỏ lên đèo Hải Vân để trở về Đà Nẵng, tới khúc cua chữ Z trên đèo, nhìn trở lại thấy cầu Đồn Cả bé tẹo, gần như khuất dưới màu xanh của cây rừng. Zoom ống kính hết cỡ mới thấy được cây cầu và khúc đường sắt cong cong giữa rừng núi.

Nếu có chút thời gian, bạn hãy đến đây để cảm nhận không cảnh tuyệt vời này nhé.

Bài, ảnh: Ngô Hoà Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm