Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Cao Bằng gắn bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số với phát triển du lịch
(Dân trí) - Vô tình nhìn thấy rừng trúc trên mạng khiến Minh ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên nên anh nhanh chóng sắp xếp công việc bay từ TPHCM ra Hà Nội rồi bắt xe lên Cao Bằng để khám phá.
Huyện Nguyên Bình là một huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố chừng 40km. Huyện Nguyên bình là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Ngái, Kinh, Mường...
Là nơi được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh và thảm động thực vật phong phú, chính quyền địa phương trong những năm qua đã triển khai nhiều giải phát hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của huyện.
Trong đó, Nguyên Bình ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Việc phát triển du lịch theo hướng này nhằm thực hiện dự án 6 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Rừng trúc Nguyên Bình trong vài năm trở lại đây đang trở thành điểm du lịch mới nổi của huyện.
Hiện đang là nhân viên văn phòng ở TPHCM nhưng Jesse Minh tự nhận bản thân thuộc "chủ nghĩa xê dịch". Chỉ cần sắp xếp được công việc, anh lại lên đường.
Sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng anh đặc biệt mê phong cảnh ở miền Bắc. Anh thường chọn những điểm đến vốn ít người biết, còn giữ được nét bình yên mà hoang sơ.
Một lần vô tình bắt gặp hình ảnh rừng trúc đẹp như phim cổ trang trên mạng, chàng trai đến từ TPHCM còn tưởng rằng ảnh chụp ở nước ngoài. Khi biết đó là một địa danh ở Cao Bằng, anh vội lên mạng tìm kiếm nhưng thông tin rất ít và mơ hồ. Vốn mê những nơi lạ được ít người biết tới, vào giữa tháng 10 vừa qua, anh tranh thủ xin nghỉ phép vài ngày để đi luôn.
Từ TPHCM, anh bay ra Hà Nội vào tối thứ 5 rồi bắt xe khách trong đêm lên Cao Bằng. Chuyến đi chỉ diễn ra vài ngày ngắn ngủi bởi tối chủ nhật Minh phải quay về cho kịp công việc tuần tiếp theo.
Xuất phát từ thành phố Cao Bằng, Minh thuê xe máy đi theo Quốc lộ 34 tới chợ Nguyên Bình khoảng 40km. Sau đó, anh đi thêm 10km tới ngã ba DT212, rẽ trái rồi chạy thêm 25km là tới.
"Tổng quãng đường di chuyển khoảng 75km sẽ đến nơi. Nghe có vẻ xa nhưng đường rất đẹp, dễ di chuyển. Thậm chí mọi người có thể lái xe tới thẳng rừng trúc", Minh mô tả.
Rừng trúc nằm ở xóm Bản Phường thuộc xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, càng đi sâu vào trong, không gian càng trong lành mát mẻ
"Tôi gần như vỡ òa trong ngạc nhiên vì không nghĩ ở Việt Nam lại có một cánh rừng trúc tuyệt vời như vậy. Ở ngoài đời, khu rừng thậm chí còn đẹp hơn những tấm ảnh trên mạng rất nhiều, không khác gì những thước phim cổ trang. Hai bên trồng hàng trúc xanh cao chót vót quá tầm mắt, còn ở giữa là một con đường lót từng miếng bê tông nhỏ", Minh chia sẻ.
Khu vực này gần như chưa bị bàn tay con người can thiệp nhiều, vẫn giữ những nét nguyên sơ ban đầu nên càng khiến lòng người thêm thư thái.
Thời điểm Minh tới, khu vực này khá vắng khách. Anh dành khoảng một tiếng trong rừng để thăm thú, trải nghiệm. Vị khách đến từ TPHCM thấy khá đáng tiếc vì một nơi đẹp như vậy nhưng chưa được nhiều khách du lịch biết tới.
"Nếu nơi này được khai thác du lịch đúng với tiềm năng sẵn có sẽ nổi tiếng chẳng kém gì rừng trúc ở Nhật Bản. Với những người muốn đi để chữa lành tâm hồn, đây cũng là nơi rất đáng ghé qua", anh gợi ý.
Tranh thủ những ngày còn lại, Minh còn tới thăm thác Bản Giốc, thác Cò Lả và núi Thủng. Ngoài ra, anh tranh thủ đi trải nghiệm thu hoạch lúa nếp, hái hạt dẻ và xem cách làm miến dong - đặc sản nổi tiếng ở Cao Bằng.
Chuyến đi còn khiến anh ấm lòng từ những điều rất giản dị. Khi thấy anh về giữa mưa lạnh, chị chủ homestay còn pha tặng tách trà gừng, được một bà cụ quan tâm hỏi han vị khách phương xa có nơi nghỉ chưa, nếu không về nhà bà ở tạm...
"Những điều nhỏ bé ấy cũng đủ mang lại một chuyến đi Cao Bằng quá nhiều cảm xúc đặc biệt. Chắc chắn tôi sẽ quay lại mảnh đất này vì còn nhiều nơi chưa khám phá hết", vị khách đến từ TPHCM tâm sự.
Ảnh: Nhân vật cung cấp