Bún tôm, rạm nức tiếng Phù Mỹ có gì đặc biệt mà ăn lúc 2-3 tô vẫn thòm thèm
(Dân trí) - Bún tôm, bún rạm nức tiếng Phù Mỹ rất đơn giản nhưng nó hội tụ tinh hoa đất trời, sông nước của miền quê ở Bình Định, khiến thực khách một lần thưởng thức đều nhớ mãi.
Bình Định đang là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Đến với vùng đất võ trời văn Bình Định, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vùng biển, núi rừng và được cảm nhận cái gió cái nắng của vùng đất dọc dải miền Trung.
Đặc biệt, xứ Nẫu Bình Định còn hấp dẫn du khách với các món đặc sản độc đáo, trong đó phải kể đến bún tôm, bún rạm Phù Mỹ ngon nức tiếng.
Tô bún tuy đơn giản nhưng nó hội tụ tinh hoa đất trời, sông nước Phù Mỹ khiến du khách phải thương nhớ dù chỉ một lần thưởng thức.
Món bún đậm đà hương vị làng quê này giờ đã có mặt tại nhiều tuyến phố ở Quy Nhơn. Tuy nhiên, cảm giác sẽ đặc biệt hơn nếu du khách thưởng thức ngay tại vùng đất sản sinh ra món đặc sản này.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 60-70km, hai bên đoạn quốc lộ qua thị trấn Bình Dương (huyện Phù Mỹ), du khách sẽ bắt gặp nhiều quán bún nhỏ ven đường, nhìn lụp xụp nhưng đúng vị quê.
Để có tô bún nóng hổi, cô Lê Thị Lập (61 tuổi, ở khu phố Dương Liễu, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ) phải thức dậy từ 4h sáng để nhóm bếp lửa luộc bún, đến khoảng 5h30 có bún bán cho người dân ăn đi làm và du khách vãng lai.
Theo bà Lập, để có được tô bún ngon, những con tôm, rạm phải được đánh bắt từ đầm Châu Trúc (còn gọi là đầm Trà Ổ). Đây là một đầm nước lợ tự nhiên, nằm giáp với ba xã Mỹ Châu, Mỹ Thắng và Mỹ Lợi.
Con tôm đất, rạm trên đầm Châu Trúc ở Phù Mỹ có điểm đặc biệt là ngọt nước, thơm đậm đà rất đặc trưng. Những con tôm đất còn tươi rói, được làm sạch để cả vỏ giã nhuyễn hoặc xay rồi nêm một ít gia vị cho thấm.
Khi ăn lấy một thìa nhỏ tôm cho vào tô, chan nước luộc bún rồi dùng đũa đánh tơi thịt tôm. Khi tôm chín tới bỏ bún vào, rắc thêm chút hành, ngò thơm vào. Tô bún nóng hổi, đúng nghĩa vừa ăn vừa thổi.
"Quán chỉ bán khoảng 5h sáng đến 10h trưa, khách ăn chủ yếu là người lao động ở thôn quê, còn lại là khách vãng lai. Thường khách ghé quán ăn một tô chưa đủ, phải ăn hai tô, mỗi loại ít nhất một tô. Không ít người vô quán ăn 2-3 tô, miệng nói no mà vẫn chưa đã thèm", cô Lập chia sẻ.
Với bún rạm thì kỳ công hơn chút. Rạm cũng được bắt ở đầm Châu Trúc rồi làm sạch, tách vỏ lấy thịt, gạch rồi giã nhỏ, gạn lấy nước rồi nấu lên, nêm nếm dầu hành gia vị. Khi nấu thì phải để lửa liu riu cho đến khi nước rạm nổi mở óng ánh, dậy mùi thơm ngậy.
Nồi nước lúc nào cũng được đặt trên bếp để nước rạm luôn nóng. Lúc ăn, cho bún vào tô rồi chan nước rạm lên trên, vậy là xong. Tô bún rạm có thêm ít rau sống, chút xoài xanh dưa leo xắt sợi, ít đậu phộng (lạc) rang nguyên hạt thơm phức ăn kèm là ngon tuyệt.