Biển Sầm Sơn quá tải dịp nghỉ lễ
(Dân trí) - Trong khi một số địa phương đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi môi trường biển thì du khách đến Sầm Sơn tăng đột biến. Có những thời điểm, bãi biển Sầm Sơn gần như không còn một chỗ trống, dọc từ chân đền Độc Cước đến các bãi biển đông nghịt người.
Trong những ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng du khách đổ về bãi biển Sầm Sơn tăng đột biến. Mùa du lịch năm nay, thị xã Sầm Sơn đã chuẩn bị 20.000 phòng nghỉ. Cùng với dự án cải tạo không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương và một số dự án khác đã góp phần làm thay đổi diện mạo du lịch Sầm Sơn.
Từ chiều ngày 30/4, lượng du khách bắt đầu đổ về bãi biển Sầm Sơn ngày một đông, có những thời điểm dưới khu vực bãi biển cũng như trên bờ đặc ken người dân và du khách đi tắm biển, tham quan không gian du lịch Sầm Sơn.
Liên quan đến những tác động, ảnh hưởng từ vấn đề môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua, trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Vương Thị Hải Yến - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: “Ngành du lịch phải phối hợp cùng các ngành nghiên cứu xem có bị ảnh hưởng không. Đối với Thanh Hóa xác định chắc chắn khách du lịch sẽ quay về rất nhiều, đặc biệt là dịp 30/4 và 1/5 này. Ngành du lịch không chủ quan đến mức căn cứ vào mắt thường để nói với khách du lịch là không hoàn toàn bị ảnh hưởng”.
Để đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách hết công suất trong mùa du lịch năm 2016, tại các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Tĩnh Gia) và các khu du lịch biển khác, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh.
“Du khách hoàn toàn có thể yên tâm, mặc dù Sầm Sơn hiện tại là tăng đột biến, cùng với việc cải tạo không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương, cùng với nhiều dự án đầu tư ưu tiên cho Sầm Sơn để làm sao tạo nên một không gian biển hoàn toàn mới, hiện đại, phù hợp với nguồn khách, phân khúc khách cao cấp”, bà Yến cho biết.
Cũng theo bà Yến thì: “Đến Sầm Sơn, du khách vẫn lo nguồn hải sản đấy liệu có phải của Sầm Sơn không, bởi vì thuyền đánh cá đi cả vùng biển rộng lớn chứ có phải mình đây đâu. Chúng tôi sẽ có văn bản để khuyến cáo, đặc biệt là cho các cơ sở ăn uống ở ngoài cũng như là trong khách sạn là phải quản lý được cái thực phẩm, quản lý được chắc chắn nguồn đảm bảo thực phẩm an toàn cho khách du lịch”.
Ngành văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường thêm nữa để đảm bảo cho du khách có mùa du lịch thực sự an toàn. “Một số địa phương miền Trung bị như thế thì mình cũng bị ảnh hưởng, ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp, người ta cũng rất do dự, không biết nguồn cung cấp thực phẩm ấy ở đâu, có phải ở vùng biển mình không, sao vùng biển mình có đủ mà cung cấp cho khách du lịch vào mùa cao điểm. Cho nên những vấn đề trên đặt ra là phải chuẩn bị điều kiện để đón hết công suất sử dụng; thứ hai là phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngành phải phối hợp với y tế để kiểm tra và khuyến cáo cho các doanh nghiệp phục vụ khách du lịch, đặc biệt là cơ sở ăn uống và nhà hàng khách sạn phải có nguồn chắc chắn”, bà Yến cho biết.
Để tránh trường hợp tăng giá, ép giá trong xu hướng được dự báo du khách tăng đột biến tại Sầm Sơn và một số khu du lịch biển trên địa bàn, ngành du lịch Thanh Hóa cũng đã có khuyến cáo và có đoàn kiểm tra một số cơ sở điểm tại các khu du lịch.
Trong khi các nguồn cung cấp dịch vụ ăn uống từ nhiều nơi cho nên cần có nhiều ngành chức năng phải vào cuộc. Về phía ngành du lịch, theo bà Yến thì ngành chỉ có khuyến cáo và kiểm tra, còn đề xuất các ngành khác. Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thị xã Sầm Sơn sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin đến người dân, du khách kết quả thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó, công khai tên các cơ sở cung cấp các sản phẩm rau, thịt không đảm bảo an toàn.
Để du khách có thêm những thông tin về vấn đề thị trường tại khu vực bãi biển thị xã Sầm Sơn, đặc biệt là nguồn hải sản phục vụ du khách, ông Hoàng Sỹ Quang - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Thanh Hóa cho biết: “Vấn đề mà phóng viên đặt ra, tôi cho rằng hết sức thiết thực đối với tình hình hiện nay. Về phía Chi cục cũng đã triển khai cho đội là lưu ý nguồn nhập hải sản về địa bàn thị xã. Tới đây du khách sẽ đông, cầu sẽ tăng đột biến, đương nhiên sẽ phải có cung và nguồn hải sản nhập về đây phải lưu ý các phương tiện vận chuyển và các thứ khác. Khi nhập vào các cơ sở, chúng tôi phải có chức năng giám sát”.
“Còn bây giờ, biết đâu đó do sự hám lợi, cá miền trung đang như thế, liệu rằng có trường hợp nó ra đây hay chưa, tôi đang có suy nghĩ và cho đến bây giờ khẳng định là chưa có”, ông Quang khẳng định.
Duy Tuyên