Bí mật sau hiệu ứng cầu kính đột ngột nứt toác làm khách "tim đập chân run"

Tuệ Minh

(Dân trí) - Để tạo ra hiệu ứng kính vỡ, dưới mặt kính cường lực của cầu sẽ có màn hình LCD trong suốt. Cảm biến phát hiện bước chân du khách rồi bắt đầu phát ra hình ảnh kèm âm thanh kính nứt giả tạo.

Trên thế giới, có nhiều cầu kính được xây dựng tại các địa điểm du lịch nhằm thu hút du khách. Cảm giác được đi trên mặt cầu bằng kính, nhìn xuyên thấu cảnh quan bên dưới quả thực độc đáo, thú vị, song không phải ai cũng dám thử.

Với tính chất như vậy, cầu kính đòi hỏi kỹ thuật xây dựng đảm bảo an toàn rất nghiêm ngặt. 

Bên cạnh đó, nắm bắt được tâm lý của khách, nhiều địa điểm du lịch có cầu kính cũng tự tạo hiệu ứng đang đi thì kính dưới chân tự nứt vỡ. Khách được phen hốt hoảng và la hét.

Trang Trueblueglass của Australia cho biết, để tạo hiệu ứng kính nứt vỡ, ngay từ khi xây dựng, đơn vị thiết kế và thi công đã đặt các màn hình LCD dưới mặt cầu. Các màn hình này sẽ có nhiệm vụ hiển thị hình ảnh vết nứt giả dưới chân khi khách đi qua. Không chỉ có hình ảnh mà các màn hình này còn phát ra cả âm thanh hệt như kính bị nứt vỡ thật để tăng thêm sự kịch tính khi khách trải nghiệm.

Bí mật sau hiệu ứng cầu kính đột ngột nứt toác làm khách tim đập chân run - 1

Những cây cầu kính nằm trên núi, thử thách du khách khi đi qua. (Ảnh: Trueblueglass).

Những hiệu ứng kính vỡ này được sử dụng rất nhiều tại các cây cầu kính ở Trung Quốc. Theo tờ Nhân Dân Nhật Báo, cảm biến hồng ngoại được dùng để phát hiện bước chân của du khách đang đi sau đó sẽ kích hoạt hiệu ứng kính vỡ ở mặt cầu.

Tuy nhiên, không phải vị trí nào cũng có hiệu ứng kính vỡ. Tại cây cầu kính East Taihang ở Hà Bắc, Trung Quốc, tính năng này được lắp đặt ở phía cuối cây cầu.

Bí mật sau hiệu ứng cầu kính đột ngột nứt toác làm khách tim đập chân run - 2

Hình ảnh tạo hiệu ứng kính vỡ tại một cây cầu kính ở Trung Quốc. (Ảnh: CGTN).

Mặc dù, trải nghiệm này thú vị nhưng thời điểm năm 2017, một số cư dân mạng cho rằng, điều này có thể dẫn đến cơn đau tim cho những du khách... có vấn đề sức khỏe. Sau đó, phía quản lý cây cầu kính đã lên tiếng xin lỗi và cho rằng đó chỉ là hiệu ứng để hút du khách.

Trước đó hồi năm 2016, Trung Quốc khánh thành cây cầu kính dài 430 m và ở độ cao hơn 300 m. Thời điểm đó, nhiều người lên tiếng bày tỏ nghi ngại về độ an toàn của công trình này. 

Để chứng minh cây cầu xây dựng đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, cơ quan chức năng đã phải tổ chức kiểm tra thực tế bằng thí nghiệm. Theo đó, một tấm kính là mặt cầu bị đập bằng búa tạ rồi họ tiến hành lái xe chở du khách đi qua. 

Các tấm kính được dùng trong những cây cầu kiểu này là cường lực và dày 3 lớp. Trước khi xây cầu, quá trình khảo sát địa chất cũng được tiến hành kỹ lưỡng, tránh xây dựng ở nơi có nền móng, địa chất yếu.

Theo True Glass, Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm