Bị coi là nghề tạm bợ, nay người thất nghiệp vội làm hướng dẫn viên du lịch

Huy Hoàng

(Dân trí) - Con số thống kê cho thấy, tỷ lệ thanh niên Trung Quốc trong năm 2024 đăng ký thi cấp chứng chỉ làm hướng dẫn viên du lịch thường niên đã tăng 45% so với năm 2023 và đạt mức kỷ lục ở nhiều tỉnh thành.

Theo nhận định của bài viết đăng tải trên tờ Japan Times, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc đổ xô đi đăng ký thi cấp chứng chỉ làm hướng dẫn viên du lịch thường niên.

Một trong những nguyên nhân đó là triển vọng tìm việc trong các văn phòng không khả quan và nhiều người trẻ hy vọng ngành du lịch nước này sẽ bùng nổ. Qua đó họ sẽ có mức lương ổn định hơn.

Chỉ trong năm nay, khoảng 320.000 người Trung Quốc đã đăng ký thi cấp chứng chỉ làm hướng dẫn viên du lịch. Con số này tăng 45% so với năm 2023 và đạt mức kỷ lục tại nhiều tỉnh thành. Trong đó, ngày càng nhiều ứng viên có bằng đại học và chuyên ngành ngoại ngữ.

Bị coi là nghề tạm bợ, nay người thất nghiệp vội làm hướng dẫn viên du lịch - 1
Các hướng dẫn viên đón đoàn du lịch từ Hong Kong (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg).

Nghề hướng dẫn viên du lịch đang trở thành lựa chọn phổ biến của giới trẻ Trung Quốc thời điểm hiện tại khi nền kinh tế chậm lại.

Việc sa thải hàng loạt nhân sự trong lĩnh vực công nghệ và tài chính làm gia tăng lượng người tìm việc văn phòng. Trong khi đó mỗi năm lại có thêm hàng triệu sinh viên tốt nghiệp tiếp tục bước vào cuộc đua cạnh tranh.

Chuyện tìm kiếm công việc ổn định ngày càng khó khăn ngay cả với những người có trình độ học vấn cao. Tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ dao động ở mức 17% khiến nhiều người chấp nhận làm cả những việc bán thời gian hoặc làm theo hợp đồng, thậm chí nhận công việc chân tay từng bị coi là thấp kém hơn vị trí của họ.

"Trước kia nghề hướng dẫn viên du lịch ở Trung Quốc từng bị coi là làm tạm bợ hoặc chỉ làm thời vụ, nhưng quá trình du lịch nước này phục hồi sau đại dịch đã khiến nhiều người thay đổi nhận thức", ông Subramania Bhatt, nhà sáng lập công ty nghiên cứu và tiếp thị kỹ thuật số China Trading Desk, công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu du lịch, cho biết.

Trong năm qua, Trung Quốc chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong ngành du lịch nội địa. Nhiều người chọn những chuyến nghỉ dưỡng ngay tại địa phương với giá phải chăng hoặc tìm kiếm thêm trải nghiệm mới được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội.

Bị coi là nghề tạm bợ, nay người thất nghiệp vội làm hướng dẫn viên du lịch - 2
Tỷ lệ người trẻ ở Trung Quốc chuyển hướng làm hướng dẫn viên du lịch tăng vọt trong năm nay (Ảnh: News).

Dù chi tiêu cho bình quân du lịch đầu người vẫn còn ở mức thấp, nhưng nghề hướng dẫn viên du lịch được coi là dễ tiếp cận, nhanh kiếm tiền từ du khách đặc biệt ở những điểm du lịch nóng. Nghề này chỉ cần ứng viên vượt qua kỳ thi kiểm tra để lấy chứng nhận hành nghề.

So với trước kia, khách quốc tế tới Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi dù tốc độ còn chậm. Việc quốc gia này miễn thị thực cho du khách của 38 quốc gia, tới nay lượng khách nước ngoài trong 9 tháng đầu năm nay tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Hướng dẫn viên dẫn đoàn nói tiếng Anh thường kiếm được nhiều tiền hơn so với các ngôn ngữ còn lại. Ông Bhatt cho biết, vào mùa cao điểm, hướng dẫn viên thị trường này thường kiếm từ 500 đến 600 tệ/ngày (1,7 triệu đồng - 2 triệu đồng).

Chris Men đã làm hướng dẫn viên du lịch toàn thời gian cho du khách nước ngoài đến Bắc Kinh trong nhiều năm. Khi du lịch bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, anh chuyển nghề.

Sau đó, vì cơ duyên nên anh vẫn quay lại làm nghề. Mỗi chuyến dẫn đoàn khách nói tiếng Anh kéo dài 2 ngày vào cuối tuần, anh kiếm trung bình 3.500 tệ (12,2 triệu đồng). Vào đợt du lịch cao điểm, lương tháng của nam hướng dẫn viên này khoảng 30.000 tệ (105 triệu đồng).

Bị coi là nghề tạm bợ, nay người thất nghiệp vội làm hướng dẫn viên du lịch - 3
Hướng dẫn viên sử dụng tiếng Anh có mức thu nhập tốt nhất so với các ngôn ngữ khác (Ảnh minh họa: Travel).

"Bất cứ lúc nào có khách tôi luôn sẵn sàng đi làm. Nhu cầu hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh rất cao đặc biệt ở hai thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải", anh nói.

Tuy nhiên nghề này không phải dành cho tất cả. Có nhiều khó khăn về thể chất khi phải đi bộ hàng giờ, vật lộn chăm sóc hàng chục khách. Ngoài ra mỗi cá nhân cần có kiến thức sâu rộng về văn hóa Trung Quốc, xây dựng nhiều mối quan hệ...  

Điều này không ngăn cản được Alice Ma, 34 tuổi, bị sa thải khỏi ngành tiếp thị phụ tùng ô tô gần một năm nay. Không tìm được việc mới, cô đang nỗ lực trở thành hướng dẫn viên du lịch để trang trải cuộc sống.

"Nếu không kiếm được việc phù hợp, đây sẽ là nghề mới của tôi", cô nói.