Bản sắc du lịch Việt là đâu?

Nhắc du lịch Mỹ là chất lượng, Nhật Bản là sự tôn trọng, tỉ mỉ kỹ lưỡng, nước Ý là khao khát, lãng mạn và sang trọng. Việt Nam thì sao? Câu hỏi này được ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch nêu ra tại Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội 2016.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Vịnh Hạ Long. Ảnh: Hồng Vĩnh.

"Chưa bao giờ du lịch Việt chạm tới trái tim con người như Thái Lan”, ông Lê Quốc Vinh, TGĐ Tập đoàn truyền thông Lê Bros nói. Dẫn chứng clip quảng bá du lịch Thái Lan theo phong cách hiện đại ihatethailand (Tôi ghét Thái Lan) thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội, ông Vinh cho rằng điều quan trọng là phải “tìm ra linh hồn thương hiệu” chứ không chỉ tập trung phát triển uy tín của thương hiệu và truyền thông về nó. Lâu nay các hoạt động quảng bá của du lịch Việt thường chăm chăm nói đến cảnh đẹp “mà quên đi yếu tố cốt lõi, cao nhất của thương hiệu là cảm xúc”.

Trong đề án chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt nam 2025, định hướng đến 2030, bộ logo và slogan du lịch Việt Nam vẫn được giữ nguyên. “Vấn đề không phải ở logo, slogan bởi bản thân chúng không tạo ra giá trị. Phải chuyển tải được giá trị của thương hiệu”, ông Lê Tuấn Anh lí luận.

Có chuyên gia cho rằng, không phải bỗng dưng du lịch Việt bị cho là hồn nhiên, “có gì bán nấy”. “Đâu đâu cũng phát triển du lịch sinh thái, nhưng du khách đến thì thấy không phải vậy, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch, tâm lý du khách”, bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nói. Thương hiệu du lịch Việt Nam định hình đến 2020, theo bà Hoa không gì khác ngoài du lịch biển đảo. Chủ đề Hội chợ Du lịch Quốc tế năm nay cũng là “Việt Nam, thiên đường du lịch biển đảo”. “So sánh với các nước đã có thương hiệu biển khác trong khu vực, Việt Nam vẫn có lợi thế nhờ hệ thống bãi biển đẹp, nước biển và cát thuộc loại đẹp”, bà Hoa nói. Tuy thế, đại diện một công ty du lịch nêu thực trạng nơi nào có biển cũng muốn phát triển, nhưng nhiều bãi biển “ngập rác” mà chưa có giải pháp hiệu quả, đòi hỏi sự liên kết mạnh mẽ hơn của nhiều ngành ngoài du lịch.

Du lịch thành phố vốn không được nhắc đến nhiều trước, bởi khó cạnh tranh với các thành phố lớn, phát triển du lịch mua sắm của Malaysia, Singapore, Indonesia. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là một trong bốn sản phẩm tiêu biểu của du lịch nước nhà trong tương lai. “Yếu tố quan trọng nhất là sắc thái, đó là yếu tố khiến Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng luôn là ba thành phố lớn hút khách quốc tế”, ông Lê Tuấn Anh nói.

Nhiều ý kiến cho rằng du khách quốc tế đánh giá cao văn hóa, ẩm thực, con người thân thiện, tính trải nghiệm và đời sống. Ẩm thực đường phố như phở, nem rán, bánh mì nổi tiếng toàn cầu, trở thành điểm khác biệt và có tính cạnh tranh cao. Báo chí Mỹ còn đặt câu hỏi trước khi lên thảm đỏ nhận Oscar, Brie Larson ăn gì? Câu trả lời là bánh mì Việt Nam. Nhiều tờ báo, tạp chí du lịch hàng đầu thế giới cũng nhắc Việt Nam với thế mạnh ẩm thực, thậm chí còn dùng từ “siêu cường”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh từng nói “không quảng bá ẩm thực Việt Nam là rất dở”.

Việt Nam có nhiều điểm khác biệt

Ông Colin Pine, TGĐ khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng cần nghiên cứu, làm rõ thương hiệu du lịch hơn nữa. “Việt Nam có nhiều cái đặc biệt. Sự khác biệt về khí hậu, văn hoá của ba miền cũng là lợi thế, hấp dẫn khách Âu, Mỹ. Riêng tôi chọn sống ở Việt Nam hơn 20 năm nay vì con người thân thiện”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm