An toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm du lịch vẫn còn bị bỏ ngỏ

An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là vấn đề nóng mỗi khi bước vào mùa lễ hội. Tết Nguyên đán năm nay thời tiết nắng ấm là điều kiện dễ phát sinh nấm mốc, mất ATVSTP nếu thực phẩm không được bảo quản kỹ.

Mặc dù trước Tết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP đã có kế hoạch chỉ đạo các tỉnh, thành phố có tổ chức lễ hội phải tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhưng qua một số lễ hội ở Hà Nội, tình trạng mất VSATTP vẫn diễn ra.

Dù đêm 30 Tết ở Phủ Tây Hồ hàng ăn hai bên đường vào phủ được bố trí ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng qua vài ngày Tết, khi lượng khách đổ về đây luôn ở mức quá tải thì nơi đây gần như biến thành “bãi chiến trường” với vô số rác, giấy ăn xả trắng cả nền đất. Do quá đông nên các hàng bún ốc, bánh tôm, xúc xích, bánh đúc… không kịp bán cho khách.


Một hàng kẹo kéo bán trên đường đi vào đền Voi Phục.

Một hàng kẹo kéo bán trên đường đi vào đền Voi Phục.

Năm nay, UBND phường Quảng An đã tổ chức tuyên truyền các hộ kinh doanh thực hiện cam kết đảm bảo VSATTP trong mùa lễ hội diễn ra, nhiều hộ đã có tủ kính để bày thực phẩm, nhưng khi khách đông thì bánh tôm, bún ốc bày lộ thiên ngay bên đường đi nườm nượp người qua. Vào sâu phía trong, các rổ bánh đúc, xúc xích bày bán đầy đường đi bụi bẩn. Vào một hàng bún ốc, chúng tôi không khỏi choáng khi nhân viên vừa dùng tay quét rác, vừa bốc rau, bún cho khách. Từng chồng bát bẩn bày la liệt ở khu rửa, bát rửa xong để ngay ở nền đất, nhân viên vô tư bước qua.

Mấy ngày Tết nắng ấm càng khiến cho việc mất vệ sinh càng thêm trầm trọng. Mỗi ngày, có trên một vạn lượt khách vào Phủ Tây Hồ, vì thế vài chục hàng ăn quanh Phủ lúc nào cũng đông khách. Tình trạng mất VSATTP càng làm cho nhiều người ái ngại, nhưng một số người vì mệt mỏi nên vẫn vào ăn. Một đoàn khách đến từ Quảng Ninh sau khi làm lễ ở phủ, lúc quay ra đã trưa, vẻ mệt mỏi hiện rõ. Một người trong đoàn cho biết: “Giờ này đi tìm hàng ăn bên ngoài cũng khó, cả đoàn ăn luôn tại đây. Đông thế này thì làm sao bảo họ giữ vệ sinh an toàn thực phẩm được. Thôi cứ ăn vậy”.

Hàng ăn rong ở quanh khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám những ngày nắng ấm cũng bày lộ thiên ra nơi đông người qua lại. Nhiều hàng rong bày ngay sát mặt đất, nơi người xe tấp nập ra vào. Bên trong Văn Miếu, hàng ăn không kịp phục vụ khách. Anh Nguyễn Văn Nam, một người bán kẹo kéo ở đây cho biết: “Năm nay khách đến Văn Miếu đông nên tương đối đắt hàng”. Dù kẹo kéo được để lộ thiên ngay vỉa hè bụi bẩn, nhiều người lắc đầu không dám ăn nhưng trẻ nhỏ năn nỉ nên bố mẹ đành chiều con mua. Ở đền Voi Phục, hai bên đường vào đền là hàng dãy người bán kẹo kéo.

Chị Hà, một người bán hàng ở đây cho biết: “Kẹo kéo này lấy từ làng An Phú, phường Nghĩa Đô, một làng nghề truyền thống làm kẹo kéo của đất Hà Thành”. 10.000đ/chiếc kẹo kéo, người bán bày sạp hàng ngay xuống nền đất, kẹo được kéo dài trước mỗi bước chân của du khách thập phương. Hàng ăn rong ở ven hồ Tây phục vụ khách đi lễ chùa Trấn Quốc và đền Quán Thánh cũng đông khách. Một gánh bún ốc rong chỉ có chiếc xô nhựa đựng nước rửa bát, thế nhưng người ăn cũng vây quanh. Do đầu năm hàng ăn mở cửa ít nên đa số khách sau khi đi lễ đói và mệt đều tiện đâu ăn đấy. Và dù không đảm bảo vệ sinh nhưng những hàng ăn rong này vẫn có đất sống.

Mất ATVSTP tại nhiều lễ hội, đặc biệt là những lễ hội thu hút đông khách thập phương như lễ hội chùa Hương, đền Sóc… khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao. Thế nhưng, việc tuyên truyền, ký cam kết chỉ diễn ra trước lễ hội, còn kiểm tra trong những ngày đầu xuân mới thường bị bỏ ngỏ khiến cho vi phạm vẫn tồn tại.

Theo Trần Hằng

CAND