Ăn bánh cuốn chờ trả lại 2.000 đồng tiền lẻ, khách bức xúc vì bị chê ky bo
(Dân trí) - Suất ăn hết 38.000 đồng gồm một đĩa bánh cuốn 35.000 đồng và 3.000 đồng tiền trà đá, anh C. đưa chủ quán 40.000 đồng và đứng chờ trả lại 2.000 đồng tiền lẻ, nhưng nhận phải thái độ không mấy dễ chịu.
Sau khi bài viết Đi ăn phở, khách bị chủ quán làm tròn thêm 5.000 đồng đăng tải, báo Dân trí đã nhận về nhiều bình luận, tranh cãi trái chiều của độc giả. Nhiều người tiết lộ, họ cũng từng gặp phải tình huống tương tự.
Anh C., một thực khách đến từ Hà Nam kể, 2 tháng trước anh lên Hà Nội giải quyết công việc nên đã ghé vào một quán bánh cuốn trong ngõ khu vực Giải Phóng ăn trưa. Tuy nhiên, khi thanh toán, chủ quán đã tự động làm tròn tiền mà không hỏi ý kiến của mình.
"Suất ăn hết 38.000 đồng gồm một đĩa bánh cuốn nhân thịt giá 35.000 đồng và 3.000 đồng tiền trà đá. Tôi trả chủ quán 40.000 đồng và chờ trả lại tiền thừa. Nhưng đứng một lúc không thấy chủ quán nói gì, tôi gặng hỏi lại thì người chủ mới nói hết sạch tiền lẻ", anh C. nói.
Điều khiến anh C. kém vui là thái độ không mấy dễ chịu của chủ quán. Khi anh quay xe bước đi vẫn còn loáng thoáng nghe thấy vài câu nói phía sau "đàn ông ky bo, có 2.000 đồng cũng phải chờ bằng được".
Theo quan điểm của anh C., dù còn 1.000 đồng hay 2.000 đồng cũng là tiền của mình và cần được trả lại sòng phẳng. Còn chủ quán không được quyền tự ý làm tròn số tiền khi chưa hề hỏi ý kiến.
"Chẳng lẽ tôi lấy lại 2.000 đồng tiền của mình cũng bị coi là ky bo hay sao?", anh C. băn khoăn.
Trên thực tế, những tình huống như anh C. gặp phải không còn hiếm thấy ở cuộc sống đời thường.
Chị Linh Chi ở quận Long Biên, cũng bức xúc vì câu chuyện tiền lẻ - tiền chẵn.
"Trên đường đi làm về, tôi dừng ở một siêu thị gần nhà mua ít đồ. Lúc ra thanh toán, hóa đơn hết 197.300 đồng. Tôi đưa cho cô thu ngân tờ 200.000 đồng và nhận về 3 cái kẹo. Nhân viên này nói vì cuối ngày, lượng tiền lẻ không đủ dùng nên siêu thị sẽ gửi kẹo cho khách thay tiền lẻ.
Không tiếc vài đồng, nhưng lý do đó khó chấp nhận được nên tôi nói lần sau nếu thiếu tiền sẽ trả lại siêu thị 3 cái kẹo. Nghe thấy vậy, quản lý siêu thị vội nhắc nhân viên chạy ra ngoài đổi thêm tiền lẻ để trả đủ cho khách", chị Chi kể.
Nhận định về những tình huống này, nhiều ý kiến cho rằng "chuyện tưởng nhỏ mà không nhỏ" thậm chí gây ra tranh cãi chỉ vì chủ quán cư xử chưa đủ khéo léo, làm khách hàng cảm giác thiếu sự tôn trọng cần thiết.
Còn nhớ vào thời điểm tháng 5/2023, cộng đồng mạng từng xôn xao trước vụ việc nhân viên giao hàng bị khóa tài khoản và mất việc do khách tố tự ý làm tròn thêm 1.000 đồng.
Sau đó, người giao hàng có tên Đ.H. thừa nhận do thời tiết nắng nóng và không có tiền lẻ trả lại nên đã tự ý làm tròn đơn hàng từ 139.000 đồng thành 140.000 đồng. Vụ việc tạo ra nhiều luồng ý kiến trái chiều, một phía bênh vực người giao hàng vì cho rằng con số 1.000 đồng không đáng là bao.
Trong khi đó, có một số luồng quan điểm ngược lại, cho rằng khách hàng làm không sai. Nếu nhân viên muốn làm tròn tiền, con số dù lớn dù nhỏ cũng cần hỏi trước ý kiến của khách.
Ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng, "về nguyên tắc nếu muốn làm tròn, chủ quán cần xin phép khách hàng, nếu không kể cả thừa 1.000 đồng cũng phải thanh toán đầy đủ".
"Chỉ trừ một vài trường hợp bất khả kháng hoặc hy hữu, còn việc này không nên lặp lại. Về lâu dài, nếu tình trạng cứ tiếp diễn, khách sẽ nảy sinh tâm lý khó chịu, không muốn quay lại quán. Còn quán hàng sẽ mất lượng khách đáng kể", ông Tùng phân tích.
Trong khi đó, anh Đoàn Phước Trường, một du khách đến từ TPHCM, có cơ hội đặt chân tới hàng chục quốc gia trên thế giới, nhận định, cách hàng quán ở nước ngoài ứng xử với chuyện tiền lẻ rất văn minh.
"Ở các nước tôi tới đều không có khái niệm tự ý làm tròn tiền. Khi thanh toán hóa đơn, khách được trả tiền đầy đủ vì hệ thống tiền tệ của họ còn có cả tiền xu. Ví dụ như mua một món đồ lưu niệm ở châu Âu hết 99 xu, nếu nhân viên không có tiền lẻ một xu trả lại sẽ hỏi trước xem ý kiến của khách thế nào.
Hoặc họ sẽ mời khách mua thêm hàng, thậm chí nhận phần thiệt vài xu về mình để khách hài lòng. Tại siêu thị một số nước châu Á, ở quầy thanh toán có bày sẵn những món đồ có giá trị nhỏ. Nếu không còn tiền lẻ trả khách, họ sẽ hỏi khách muốn chọn những món đồ nào trên kệ, chứ không có hiện tượng ép khách nhận kẹo", anh Trường kể.
Bản thân vị khách đến từ TPHCM cũng gặp phải những tình huống làm tròn tiền tương tự khi tới một số điểm du lịch trong nước. Nhưng theo anh, cách tốt nhất để tránh trường hợp này là chuyển tiền online.
Còn với anh Phúc Đỗ, một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn đoàn khách đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha, do thường xuyên đưa khách đi ăn ở các quán quen, nên chưa gặp phải tình huống bị chủ quán làm tròn tiền lẻ.
"Đứng dưới góc độ là khách hàng, tôi có thể hiểu được tâm lý của người tiêu dùng tại sao cảm thấy bức xúc. Dù chỉ là số tiền lẻ không đáng kể, nhưng chủ quán muốn làm tròn cũng cần tôn trọng khách và hỏi ý kiến trước, tránh những mâu thuẫn không đáng có. Nếu gặp phải những quán ăn thường xuyên xảy ra hiện tượng này, cho dù ngon đến mấy, tôi cũng không muốn quay lại", anh Phúc cho biết.
Theo nam hướng dẫn viên du lịch này, hiện nay cách thanh toán không cần tiền mặt đã rất phổ biến ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Để tránh chuyện này, thực khách có thể chuyển khoản để thuận tiện.