Ám ảnh đau lòng vụ nữ phượt thủ tử vong ở cung đường Tà Năng – Phan Dũng

(Dân trí) - Tà Năng – Phan Dũng được mệnh danh là một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam dành cho những bạn trẻ ưa khám phá, mạo hiểm. Chính vì thế, vụ việc nữ phượt thủ bị nước cuốn trôi khiến không ít người đau xót, bàng hoàng.

Mới đây, một nữ phượt thủ tử vong trên hành trình khám phá Tà Năng – Phan Dũng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam hiện nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự đau xót, thương cảm dành cho nữ phượt thủ xấu số thì nhiều dân phượt chuyên nghiệp cho rằng, vụ tai nạn thể hiện kỹ năng sinh tồn, du lịch mạo hiểm còn kém.

Anh Lê Phương Nam (SN 1993, Tp. Hồ Chí Minh) một thành viên có mặt trong đoàn cùng nữ phượt thủ vừa tử vong thừa nhận, vụ tai nạn để lại nhiều day dứt và nằm ngoài dự đoán của mọi người.

“Vụ việc một phần là do yếu tố thời tiết bất ngờ, một phần do chúng tôi chưa lường trước được nguy hiểm để có kỹ năng ứng phó, chuẩn bị. Đây là một bài học sâu sắc, đắt giá không chỉ cho đoàn chúng tôi mà cho tất cả những phượt thủ trong việc khám phá các cung đường sau này”.

Hiện trường con suối nơi nữ phượt thủ gặp tai nạn. Ảnh: Lê Nam
Hiện trường con suối nơi nữ phượt thủ gặp tai nạn. Ảnh: Lê Nam

Theo anh Nam, trước khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng, đoàn của anh có 15 người và đã lên kế hoạch rất cụ thể. Theo đó, hành trình sẽ kéo dài 3 ngày, 2 đêm, để đảm bảo an toàn, đoàn thuê 3 người dẫn đường chuyên nghiệp. Vụ tai nạn xảy ra vào ngày thứ 2, khi đoàn đang di chuyển về nơi tập kết cuối ngày. Anh Nam kể:

“Lúc đó vào khoảng 15h, trước mắt cả đoàn là một con suối khá rộng nhưng nước chỉ cao ngang đầu gối. Q. thuộc nhóm 5 người đầu tiên đã đi sang được gần bờ bên kia. Khi nhóm chúng tôi bước xuống chuẩn bị di chuyển thì một người dẫn đường hô to: Nước lũ về, khẩn trương lên bờ. Trong nháy mắt, nước bỗng dâng cao, chuyển màu đục và chảy khá xiết. Lúc này, Q. bỗng tách biệt ra khỏi đoàn, khi vừa xoay người, ném chiếc gậy để chuẩn bị lên bờ thì Q. bị mất đà và ngã nhào xuống dòng nước lũ…”.

Anh Nam xúc động cho biết, vụ tai nạn diễn ra quá bất ngờ, thời điểm đó nhiều thành viên trong đoàn đã định lao xuống dòng nước để cứu Q. nhưng bị ngăn lại bởi nước lũ lên rất cao. “Ba người dẫn đường, lao chạy trên bờ suối tìm cách giải cứu Q. Trong khi đó những thành viên còn lại gọi điện cho cứu hộ và thông báo cho các cơ quan chức năng địa phương nhờ giúp đỡ”.

Đêm đó theo Nam là một đêm trắng với các thành viên trong đoàn, nhóm cứu hộ địa phương chia nhau tìm kiếm khắp các ngả rừng, con suối và đến trưa ngày hôm sau thì thi thể Q. đã được tìm thấy.

Theo anh Nam, trước khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng, đoàn của anh có 15 người và đã lên kế hoạch rất cụ thể. Ảnh: Lê Nam
Theo anh Nam, trước khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng, đoàn của anh có 15 người và đã lên kế hoạch rất cụ thể. Ảnh: Lê Nam

Nam cho biết, Q. là một người đam mê du lịch và đã khám phá nhiều cung đường mạo hiểm trước đó như: Fansipan, Nam Cát Tiên hay Núi Bà Đen… Trước khi vào hành trình Tà Năng – Phan Dũng, Q. cũng đã mất một năm để chuẩn bị sức khỏe cũng như các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, sự việc đáng tiếc đã khiến cho dự định chinh phục cung đường này của nữ phượt thủ dang dở, để lại nhiều day dứt cho người ở lại.

“Trước khi lên đường, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc khám phá các cảnh đẹp, cung đường hoang sơ mà không lường trước được các tình huống có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một bài học quá đắt giá và đau lòng. Để khám phá các cung đường mạo hiểm thì tình yêu, nhiệt huyết và dũng cảm thôi chưa đủ, quan trọng hơn đó là sức khỏe, kỹ năng và hiểu biết”, Nam trầm ngâm nói.

Cung đường Tà Năng – Phan Dũng thời gian gần đây thu hút rất đông các nhóm du lịch bụi khám phá, chinh phục. Đây cũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, theo các dân phượt chuyên nghiệp, bên cạnh những hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp như tranh vẽ được đăng tải trên mạng hầu hết mọi người chưa lường hết được những khó khăn, thách thức khi khám phá cung đường này.

Anh Hải, một phượt thủ từng nhiều lần chinh phục Tà Năng – Phan Dũng cho biết, đây là một cung đường đẹp nhưng nguy hiểm nếu không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng, kiến thức. “Vào mùa lũ, kể cả những người đi rừng chuyên nghiệp cũng khó có thể biết được chính xác thời điểm nào lũ về, bởi mưa lớn, nước lên cao thường ở thượng nguồn. Vì thế, khi thấy màu nước chuyển đục, nước chảy xiết phải ngay lập tức lên bờ”.

Phượt thủ này cũng cho biết, có lẽ bạn nữ trong tình huống này đã bị mất bình tĩnh, không kịp phản xạ dẫn đến sự cố đau lòng. “Khi đi rừng, bạn phải luôn trang bị các dụng cụ bảo hộ, cứu hộ cần thiết. Trước mỗi cung đường khám phá nên có kế hoạch, kỹ năng ứng phó cụ thể. Bạn phải luôn đặt ra các câu hỏi, tình huống có thể xảy ra và cách mình giải quyết các tình huống ấy như thế nào. Trong nhiều trường hợp , vấn đề của bạn gặp phải không chỉ riêng nước lũ mà có thể là rắn độc, thú dữ, mưa lũ lớn… Vì thế, trước khi đi phượt phải có kiến thức, kỹ năng và sự chuẩn bị tốt”, phượt thủ này bày tỏ.

Cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng chiều dài gần 60km. Cung đường này được các phượt thủ đặt tên là cung đường đẹp nhất Việt Nam nhưng cũng là hành trình "cực hình", đầy gian khó.

Để khám phá nơi đây, phượt thủ phải đi 60km đường rừng với dốc cao và nhiều con suối. Vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên xảy ra lũ quét do nước từ thượng nguồn đổ về.

Hà Trang