Đưa “bếp không khói” đến miền quê nghèo, nữ sinh nhận học bổng Mỹ 5,7 tỷ đồng
(Dân trí) - Câu chuyện cô học trò xinh xắn trường Ams Nguyễn Lan Chi vừa đỗ đại học Vanderbilt (Hoa Kỳ) với học bổng toàn phần trị giá 245.000 USD gắn liền với hành trình em gây quỹ cộng đồng nhằm quyên góp sản phẩm "bếp không khói" tới những hộ dân nghèo ở miền quê Việt nhằm giảm thiểu tác hại của khói bếp đến sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Ý tưởng từ bếp củi rơm nhiều khói ở các vùng quê
Nguyễn Lan Chi (sinh năm 2001) đang là học sinh lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Mỗi lần có dịp đi xa, đến các vùng ngoại thành, Lan Chi nhận thấy bà con ở quê sử dụng bếp than củi đốt gây khói ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe và môi trường sống.
Từng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong nước và ngoài nước, Lan Chi lập tức nảy ra ngay ý tưởng cải thiện tình trạng này. Nghĩ là làm, Chi sáng lập dự án “Cleen”. Mục tiêu xuyên suốt của dự án chính là đem sản phẩm bếp không khói đến với mọi người.
Ban đầu, cô học trò đã thử tự làm một cái bếp sinh học (bếp không khói) dựa theo mô hình của trường đại học MIT (Mỹ), nhưng lại thất bại. Lí do là vì mô hình bếp mẫu này làm bằng gốm nên chi phí khá đắt, Lan Chi thay thế bằng đất sét và một số nguyên liệu khác nhưng khi thành mẫu thì bếp không chịu được nhiệt.
Thất bại nhiều lần, Chi có phần áp lực nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm giải pháp và thấy một mô hình bếp sinh học khá hay. Lúc này, em tự túc bay vào Đà Nẵng để gặp chú giám đốc của công ty này nhằm xem xét sản phẩm bếp sinh học phù hợp với người dân nông thôn.
Khi đã ưng ý, Lan Chi quyết định hỗ trợ đưa sản phẩm bếp sạch đến với thị trường các tỉnh thành miền Bắc và qua đó, thúc đẩy bà con sử dụng sản phẩm này thay cho bếp than cũ. Thế nhưng, cô gái 18 tuổi lại gặp phải một vấn đề lớn hơn: không có quỹ để thực hiện dự án.
“Lúc đó, mọi người trong dự án cũng đã dần mất niềm tin nhưng đến cuối cùng em đã đề xuất ý tưởng gây quỹ bằng việc bán túi tote-bag bằng vải: vừa có thể gây quỹ cho hoạt động phân phát bếp; vừa có thể khuyến khích mọi người sử dụng túi vải thay vì núi nilon. Cleen đã gây quỹ được 26 triệu đồng và em dùng toàn bộ số tiền đó để mua bếp và trao tặng cho người dân”, Chi kể lại.
Lan Chi cho hay, giá thành một chiếc sinh học này khá rẻ (250.000 đồng). Sau khi Chi hỗ trợ những người dân nghèo thay thế dùng loại bếp cũ bằng bếp sinh học đã nhận được phản hồi rất tích cực. Nhiều người dân đã tự ý thức thay đổi và thậm chí mua bếp tặng người thân, bạn bè dùng.
Chi và nhóm trong buổi tặng bếp sinh học đến bà con ở Phủ Lý, Hà Nam.
Trong bài luận ứng tuyển vào Đại học Vanderbilt, Lan Chi kể về cuộc gặp mặt của em với chú Bích - Tổng giám đốc của công ty bếp sinh học tại Đà Nẵng. Em kể về trải nghiệm của mình khi phải tự mình đi đến một vùng đất xa lạ ở cuối đất nước, cũng như cuộc nói chuyện của em với chú Bích đã thay đổi góc nhìn của mình về một người lãnh đạo và về hoạt động cộng đồng như thế nào.
“Chú Bích là chủ một công ty quy mô tương đối lớn nhưng vẫn xuống chế tạo những bếp sinh học với mọi người công nhân. Em có một góc nhìn khác về tinh thần lãnh đạo, sự thân thiện và gây cảm hứng với nhân viên từ chú.
Hầu hết nhân viên ở đây đều là người khuyết tật, công ty ra đời ngoài mục đích kinh doanh còn tạo ý nghĩa khi giải quyết công ăn việc làm cho những người khuyết tật vốn rất khó tìm việc…”, Lan Chi chia sẻ.
Kể cho vị giám đốc nghe về thất bại khi chế tạo bếp sinh học của mình, Lan Chi nhận được lời khuyên hữu ích cho hướng đi của mình.
“Việc chế tạo bếp có thể chưa phải là việc con cần làm ngay bây giờ. Quan trọng và cần hơn, con nên bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của mọi người.
Sau này khi còn đã học được kiến thức tiên tiến ở trường đại học Mỹ, con có thể quay về rồi tự sáng chế những chiếc bếp sinh học của mình” – lời của chú Bích vẫn còn nguyên trong tâm trí Lan Chi.
Lan Chi xinh xắn, đáng yêu đời thường.
Và ước mơ chế tạo những chiếc bếp cũng như những sản phẩm vì cộng đồng của cô gái Việt sẽ được viết tiếp ở Đại học Vanderbilt – nơi em vừa giành học bổng toàn phần ở đợt nộp đơn sớm.
Trao đổi với PV Dân trí, không giấu nổi vui mừng, Lan Chi tâm sự: “Em thật sự rất bất ngờ và xúc động khi nhận được thư chấp nhận của trường, bởi Vanderbilt vẫn luôn là một ngôi trường có tỉ lệ chấp thuận thấp trong bảng xếp hạng các trường đại học tại Mỹ”.
Từ khi còn là một học sinh cấp 2, Lan Chi đã ấp ủ niềm đam mê với Toán học và các môn tự nhiên. Được biết Vanderbilt là một ngôi trường có thế mạnh về các lĩnh vực khoa học cùng những nghiên cứu và dự án chuyên sâu, em đã mạnh dạn nộp hồ sơ vào trường Kỹ Thuật (School of Engineering).
Năng lực, cá tính và nỗ lực vì cộng đồng của Lan Chi đã lay động được trái tim của hội đồng tuyển sinh. Không những giành vé trúng tuyển, nữ sinh Việt còn xuất sắc nhận được học bổng trị giá 245.000 USD (khoảng 5.7 tỷ đồng) cho 4 năm học tại Vanderbilt.
Thế mạnh từ hoạt động ngoại khóa
Kể lại quá trình nộp hồ sơ du học Mỹ, Chi cho hay em đã chuẩn bị cho ước mơ này từ năm lớp 10. Với em, khâu chuẩn bị khó khăn nhất có lẽ là khi em phải cân bằng giữa việc học tập và các hoạt động ngoại khóa trong ba năm cấp ba.
Theo nữ sinh Ams, trong hồ sơ, điểm số không phải là yếu tố quyết định nhất mà là sự kết hợp của các chứng chỉ, bài luận và hoạt động ngoại khóa.
Lan Chi luôn coi việc làm các hoạt động ngoại khóa là niềm vui, bởi em thích tiếp xúc với mọi người và em cảm thấy tự hào khi có thể góp sức thay đổi cuộc sống của mọi người xung quanh bằng những việc làm bé nhỏ của mình. Và Chi nghĩ rằng, thế mạnh của em chính là hoạt động ngoại khóa.
Cô gái Việt và bạn bè quốc tế tham dự trại hè khoa học ở Nhật Bản.
Cô học trò tâm sự: “Em yêu thích việc đi đây đó cũng như thực hiện các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là môi trường và khoa học, nên trong ba năm học cấp 3 em đã tích lũy cho mình một lượng lớn các dự án lớn nhỏ trong và ngoài nước.
Trong các bài luận phụ của trường Vanderbilt, em đều có nhắc đến những trải nghiệm và những bài học mà em đã học được trong suốt quá trình tham gia các hoạt động cộng đồng. Em nghĩ đam mê của em đã chạm đến những nhà tuyển sinh và giúp em giành được tấm vé vào trường Vanderbilt tại Mĩ”.
Lan Chi sắp xếp thời gian hợp lý để vừa học tập tốt, vừa phát triển bản thân qua hoạt động ngoại khóa.
Chuẩn bị hồ sơ sớm, toàn diện và phát triển hồ sơ theo hướng nổi bật cá tính bản thân, Nguyễn Lan Chi đã hoàn thành mục tiêu chinh phục ngôi trường đại học mơ ước ở đất Mỹ.
Hiện tại, Lan Chi dự định theo đuổi ngành Kỹ thuật Xây dựng tại Đại học Vanderbilt. “Em hi vọng mình có thể tiếp tục ước mơ khoa học tại Mỹ và thay đổi môi trường xung quanh em một cách tốt đẹp hơn bằng chính sức của mình”, nữ sinh xinh xắn nói.
Thành tích của Nguyễn Lan Chi
- Học bổng 245.000 USD tại đại học Vanderbilt (top 14 National University).
- Điểm SAT 1: 1530/1600, SAT 2 Toán: 800/800; SAT 2 Hóa: 800/800; GPA lớp 11 đạt 9.6; TOEFL 113/120.
- Giải Ba Thành phố môn Tiếng Anh năm lớp 11 và 12.
- Người sáng lập dự án Cleen: một dự án gây quỹ cộng đồng và quyên góp sản phẩm bếp sinh học tới những hộ dân nghèo nhằm giảm thiểu tác hại của khói bếp đến sức khỏe và bảo vệ môi trường.
- Đồng sáng lập dự án The Unifier: một dự án hướng tới giảm thiểu stress và nâng cao sức khỏe tâm lý cho các học sinh, sinh viên tại Hà Nội.
- Đồng sáng lập dự án Cherrity Project: dự án phát triển ứng dụng điện thoại chuyên dụng cho các sản phẩm từ thiện hoặc phi lợi nhuận.
- Tham gia chương trình Global Leadership Conference tại Đài Loan .
- Tham gia chương trình International School of Science Japan (ISSJ) của Manai Institute of Science and Technology.
Lệ Thu