Quảng Nam:
Xuân ấm về với đồng bào vùng biên
(Dân trí) - Còn vài tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, công tác chuẩn bị hàng Tết đã và đang được các cấp, ngành của huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) triển khai một cách khẩn trương nhằm tạo điều kiện cho đồng bào vùng cao đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc.
Những cuối đông, tranh thủ thời tiết nắng ráo, đường sá đi lại thuận tiện, các ngành chức năng huyện phối hợp với các tư thương vận chuyển hàng hóa, lương thực lên 3 xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang như Gari, Chơm, Axan phục vụ bà con trong dịp tết.
Ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, lãnh đạo huyện cũng đã họp và phân công cụ thể các thành viên Ban Chỉ đạo Tết 2015 phối hợp với các tư thương buôn bán trên địa bàn tìm mọi cách đảm bảo phục vụ cho nhân dân vui xuân đón Tết, không để xảy ra tình trạng dân thiếu hàng, thiếu lương thực, thực phẩm.
Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện đã triển khai cấp 110 tấn gạo cho nhân dân 10/10 xã và cho các trường học nội trú, bán trú trên địa bàn huyện. Ngoài ra, huyện còn trích 10 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân các bản giáp ranh thuộc huyện Càlừm (tỉnh Sê Kông, Lào). Số tiền 313 triệu đồng của Chủ tịch nước trao tặng và 469 triệu đồng của UBND tỉnh cũng được huyện cấp phát cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn huyện.
Tết này, UBND huyện cũng đã trích hơn 11 triệu đồng để mua quà thăm các gia đình chính sách, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồn biên phòng đóng chân, viếng hương nghĩa trang liệt sĩ...
Ông Hồ Minh Long, Phó Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Tây Giang cho biết: Được sự chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã triển khai một số nội dung chuẩn bị Tết tương đối kịp thời. Cụ thể, chúng tôi đang phân bổ 110 tấn gạo của UBND tỉnh đến 6 xã vùng thấp và đang thuê các phương tiện vận chuyển lên 4 xã vùng cao với phương châm "phải cấp phát xong cho nhân dân trước ngày 25/12 âm lịch".
Ngoài ra, Phòng cũng đang lập danh sách phân phát các xuất quà của Chủ tịch nước, UBND tỉnh, UBND huyện tới 10 xã. Từ số tiền vận động của Quỹ Vì người nghèo tỉnh, UBMT tỉnh cũng đã tặng 70 xuất quà, trị giá mỗi xuất 500 nghìn đến các hộ nghèo.
Ông Lê Văn Bút, Trưởng Phòng hạ tầng - kinh tế huyện cho biết thêm: “Do Tây Giang không có công ty thương mại như nhiều huyện miền núi khác nên các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm phục vụ Tết chủ yếu dựa vào nguồn cung cấp từ các đại lý, các cửa hàng tư thương tại địa phương.
“Chúng tôi thường xuyên đến các điểm này kiểm tra số lượng, chất lượng, giá cả hàng hóa và khuyến khích các tư thương dự trữ hàng phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó Phòng hạ tầng - kinh tế huyện phối hợp với các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các con đường hư hỏng như Tr'hy đi Axan, Axan đi Gari, Ch'ơm, tuyến từ xã Atiêng đi xã Dang... để phục vụ việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Đến nay, các tuyến đường này cơ bản khắc phục xong.
Những ngày cuối năm, công tác chuẩn bị Tết càng thêm nhôn nhịp. Nhiều xe tư thương đã chở hàng đến trung tâm huyện, rồi từ huyện rẽ đi các xã phục vụ nhu cầu mua sắm hằng ngày của người dân. Hàng tươi sống cũng đến tận các thôn bản.
Anh Bình một chủ tạp hóa của xã Gari (xã xa nhất huyện) cho biết: “Tranh thủ thời tiết nắng ráo, tôi đã đưa xe tải vận chuyển hàng hóa lên tận nơi để phục vụ cho bà con địa phương và cho cả nhân dân các bản giáp ranh, huyện Kàlừm, tỉnh Sêkông (Lào). Hàng hóa chở lên cũng dồi dào như dầu ăn, mì chính, gạo, mì tôm, bánh keo, hạt dưa... đảm bảo cho việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt là giá bán không cao, lời “chút đỉnh”, có khi bằng giá bán tại trung tâm huyện”.
Trao đổi với PV, ông Alăng Hưng – Chủ tịch UBND xã Ch'ơm - cho biết: “Hiện nay, UBND xã đã chỉ đạo cho các ban ngành xã vận động nhân dân chi tiêu tiết kiệm trong dịp Tết. Xã đã trích số gạo trong kho để cấp phát cho bà con. Riêng các chế độ chính sách đối với người có công cách mạng đều phải thanh toán hết trước Tết cho nhân dân vui xuân, đón Tết. Riêng lương của anh em cán bộ xã sẽ cho nhận đủ 2 tháng 2 và 3 để trang trãi trong những ngày Tết. Xã đã chỉ đạo các hộ dân cắm cờ Tổ quốc tại trước cổng nhà, dọc theo các con đường chính. Cái vui nữa là năm nay, một số thôn đã có điện sử dụng từ nguồn thủy điện tại xã Gari kéo sang”.
Để việc vui xuân đón Tết của bà con thêm phần vui tươi, phấn khởi, Trung tâm VH-TT huyện đã lên kế hoạch phục vụ văn nghệ dài ngày tại các xã với chủ đề “Mừng Đảng đón Xuân". Ngoài các tiết mục văn nghệ, đơn vị còn phối hợp với các xã tổ chức múa trống chiêng phục vụ bà con. Huyện đoàn Tây Giang tổ chức chương trình thanh niên tình nguyện với chủ đề "Xuân biên cương"; tặng quà và giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Axan, Anông, Gari. Đoàn viên thanh niên 10 xã cũng đã tổ chức ra quân dọn dẹp đường giao thông nông thôn, khu dân cư cho xanh sạch đẹp và treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền. Tất cả hoạt động đều hướng về một cái tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc. Thôn có điều kiện thì sẽ tổ chức đâm trâu, không có điều kiện thì làm heo, gà.
Nói về phong tục đón Tết âm lịch cổ truyền của đồng bào Cơtu mình, Già làng Blúp Ứ (thôn Rbượp, xã Atiêng) tâm sự: Đối với người Cơtu, đầu tiên là bà con ăn Tết chung cả làng, sau đó mới ăn Tết riêng từng gia đình. Ngày xưa không có điều kiện thì ăn Tết đơn giản, nay có điều kiện thì làm to một chút nhưng nói chung là không được lãng phí, tốn kém.
Cũng như gia đình già làng Blúp Ứ, nhiều gia đình vùng cao Tây Giang cũng chuẩn bị một con lợn, vài con gà, con vịt để mổ, mời bạn bè, anh em cùng đến vui Tết. Vui nhất là con cháu đi học, đi làm ăn xa về đoàn tụ cùng gia đình.
Xuân vùng cao Tây Giang càng thêm ấm ấp hơn bởi sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Cơtu nơi đây.
Đ.Hiệp-C.Bính