Gia Lai

Xuân ấm ấp tại "làng cô đơn"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ngôi làng Bluk, nơi có những người bị bệnh phong được mệnh danh như làng cô đơn. Những năm trở lại đây, làng Bluk đã hồi sinh, khép lại những chuỗi ngày cô đơn, cùng cực.

Bị đánh đuổi như con "ma rừng"

Từ xa xưa, những người bị bệnh phong trong làng đều bị bà con đồng bào bản địa hắt hủi, đánh đuổi vào trong rừng sống. Họ lầm lũi sống trong giữa cánh rừng già để kiếm cái ăn qua ngày. Sau này, chính quyền địa phương đã tạo nên những ngôi làng với nhà cửa kiên cố để quy tụ những người bị bệnh phong cùng chung sống.

Theo chân chị Rơ Châm H'Ken (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai) chúng tôi tìm đến làng Bluk Blui (xã Ia Ka) để tìm hiểu về cuộc sống của ngôi làng được mệnh danh là "làng cô đơn" này.

Cuộc sống vui tươi bà con bị bệnh phong ở làng Bluk

Nơi đây đang có khoảng 30 phận người cùng chung sống với nhau. Theo chị H'Ken giới thiệu, làng Bluk Blui ngày xưa vẫn hay được người ta gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, người thì gọi là 'làng phong', 'làng cùi', 'làng cô đơn', mấy người xấu miệng lại thao thao bất tuyệt đây là 'làng ma, làng quỷ'.

Thời điểm đông nhất, làng Bluk Blui có tận hơn 120 bệnh nhân chen chúc nhau sinh sống, quê quán khắp trong Nam ngoài Bắc. Và dù không họ hàng thân thích nhưng họ đều có điểm chung là từng bị con vi khuẩn Hansen 'tuyên án tử', biến những đôi chân, đôi tay lành lặn thành quắt queo, từng ngón cứ thế rơi rụng dần.

Xuân ấm ấp tại làng cô đơn - 1
Ngôi "làng cô đơn" nơi có những hoàn cảnh đặc biệt cùng che chở nhau

Ông Rơ Châm Krong (80 tuổi) là một trong những người được cứu về làng phong đầu tiên. Gần 60 năm, ông Krong cảm nhận đủ bi kịch, đau thương cùng những bệnh nhân khác. Nhắc nhớ về những ngày bị kỳ thị, hắt hủi, tự thu mình rời xa cộng đồng, ông Krong vẫn chưa thôi xót xa. Cả làng đều coi ông như con "ma rừng", đánh đuổi ông lên rẫy để sống.

"Tôi nghĩ, thôi cứ ở trong rừng rồi chết lúc nào thì chết. Tuy nhiên, một thời gian sau đã được những cán bộ đưa về làng này để chăm sóc, băng bó vết thương, cho uống thuốc nên mới sống đến tận bây giờ. Về đây, mọi người nương tựa vào nhau để chung sống. Trồng cây sắn, cây lúa đều chia sẻ nhau vì mọi người đều chung bệnh tật nên ai cũng thấu hiểu", ông Krong nhớ lại.

Bà Rơ Châm Gir (72 tuổi), người về làng phong được hơn 53 năm, bồi hồi kể về những ngày tháng từng trốn chui trốn nhủi ở trong rừng, bà nói: "Trước đây, khi mà người dân sống chung quanh biết tôi bị phong, người ta cách ly, đẩy chúng tôi ra ngoài rừng, ngoài rẫy ở, không cho ở cùng khu dân cư. Chỉ cần thấy chúng tôi lui tới là người ta đuổi, có người còn nói với con cháu họ chúng tôi là ma quỷ.

Xuân ấm ấp tại làng cô đơn - 2
Từ xưa, họ đã bị đánh đuổi ra hỏi làng và sống trong những cánh rừng già. Tuy nhiên, chính quyền đã quy tụ giúp họ có ngôi làng riêng biệt, sống trong tình yêu thương, chăm chóc

"Liên tiếp mấy ngày la liệt trong rừng, nghĩ không chết vì đau thì cũng chết vì đói. Đến lúc nghĩ không thể chống chọi được nữa thì tôi may mắn được bà Siu H'Jeh, người bây giờ đang chăm sóc chúng tôi mở lời, đưa tôi về đây ở. Đến bây giờ, những ngày tháng đó tôi vẫn chưa thể nào quên được", bà Gir bồi hồi nhớ lại.

Bước ra ánh sáng, nảy nở tình yêu

Làng Bluk Blui được 'thay da đổi thịt', người dân nơi đây tự tin để sống tiếp như ngày hôm nay, không thể quên được công của bà Siu H'Jeh (63 tuổi)- cô giáo kiêm luôn y tá, người đã rong ruổi khắp mọi nẻo đường, đưa người bị bệnh phong về săn sóc, chữa bệnh.

Bà Siu H'Jeh là con gái của ông Siu Prõi, người đã cứu ông Rơ Châm Krong và những người bị bệnh phong khác về với làng, ông Prõi cũng là người đặt tên cho làng phong là Bluk Blui vào năm 1960.

Xuân ấm ấp tại làng cô đơn - 3
Tại nơi cô đơn này mà những con người đã tìm đến nhau, nảy nơ tình yêu

Bà Siu H'Jeh kể, ngày cha bà còn sống, thấu hiểu được nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần của những người cùng chung cảnh ngộ, ông Prõi dành không biết bao nhiêu ngày để đi rong tìm bệnh nhân phong đang lẩn trốn trong rừng, nhiều đêm không ngủ.

Năm 2006, ông Prõi ra đi, để lại sứ mệnh chăm lo làng Bluk Blui cho bà Siu H'Jeh. Tới tận bây giờ, dù đã hơn 50 năm, bà vẫn giữ thói quen nấu cháo, tắm rửa cho bệnh nhân phong, dạy con cháu của họ học tập như thường lệ.

Nơi "làng cô đơn" này đã nảy nở nên những chuyện tình đẹp của một người đàn ông không may câm điếc bẩm sinh, mang trong mình căn bệnh phong quái ác là minh chứng rõ nhất. Đó là chuyện về vợ chồng ông Rơ Châm Komlo (65 tuổi) và bà H'Ker (75 tuổi).

Xuân ấm ấp tại làng cô đơn - 4
Giờ đây, họ đang sống trong hạnh phúc, niềm vui khi có những người thân yêu chăm sóc và xóa xỏ sự kỳ thị trong buôn làng

Ông Komlo nhớ lại, thời mà người dân mấy làng bên còn kỳ thị, hắt hủi người bị bệnh phong thì bà H'Ker lại thường xuyên ghé thăm làng Bluk Blui. Thấy ông Komlo không nói được, bà H'Ker vẫn thường xuyên làm phiên dịch viên cho ông, giúp ông băng bó vết thương, cứ thế rồi hai người đem lòng mến nhau lúc nào không hay. Mặc người đời khuyên ngăn nhưng vì thương ông Komlo nên cách đây hơn 5 năm, bà H'Ker quyết dọn về làng phong ở hẳn để tiện chăm sóc.

Tương tự, câu chuyện tình yêu đẹp, bao bọc, nâng đỡ nhau qua ngày cũng xảy ra với vợ chồng ông Rơ Châm Krong (80 tuổi) và bà Rơ Châm Pyoi (76 tuổi) cũng như những cặp vợ chồng khác.

Gần 10 năm nay, bà con làng Bluk Blui không còn phải sống trong lời dèm pha, dị nghị của người đời nữa. Nhìn làng phong Bluk Blui ngày nay có một sức sống bền bỉ, dám mơ ước về một tương lai tươi sáng hơn.

Xuân ấm ấp tại làng cô đơn - 5
Nụ cười đã che lấp những kí ức đau khổ trên khuôn mặt của từng người trong làng

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) phấn khởi: "Chúng tôi cũng thường xuyên xuống tận nơi, tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ về căn bệnh này nên đến nay, cuộc sống bà con làng phong đã có nhiều đổi thay, người dân xung quanh cũng không còn kỳ thị họ nữa, chúng tôi rất vui mừng. Vào dịp tết sắp tới, xã cũng sẽ có những phần quà gửi tới bà con làng Bluk Blui để động viên tinh thần".