Xây dựng “Đô thị thông minh” tại Việt Nam – những tín hiệu khả quan

Nếu như 2 năm trước đây, Smart City hay còn gọi là “đô thị thông minh” vẫn còn là một khái niệm xa lạ và tương đối mới với các chính quyền địa phương tại Việt Nam thì đến nay, với sự phát triển như vũ bão về hạ tầng công nghệ thông tin, xu hướng đô thị hóa kèm theo các nhu cầu ngày một cao về chất lượng cuộc sống của người dân thành phố, mô hình đô thị thông minh đã bắt đầu thành hình tại Việt Nam.

Với thế mạnh về hạ tầng công nghệ tiên tiến, mạng lưới dịch vụ phủ sóng rộng tương thích với các quốc gia trên thế giới và khu vực, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã được UBND các tỉnh lựa chọn là đơn vị triển khai các giải pháp Đô thị thông minh. Những dấu hiệu tích cực ban đầu trong lộ trình triển khai Smart City tại một số địa phương báo hiệu một tương lai khả quan cho các đô thị thông minh tại Việt Nam.

Dự án Đô thị thông minh tại Việt Nam và những cái “bắt tay” đầu tiên

Đô thị thông minh sẽ có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, ứng dụng CNTT tiên tiến nhất trong các lĩnh vực: xây dựng chính quyền điện tử, giải pháp môi trường, nước và năng lượng; Giao thông; Quy hoạch và quản lý cơ sở hạ tầng; Giáo dục; Y tế và an sinh xã hội; An ninh xã hội và phát triển Văn hóa du lịch.

Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ: “Ba đối tượng chính được phục vụ trong Smart City là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội... Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí, thu được nhiều thuế từ các doanh nghiệp, người dân đóng góp”.

Xây dựng “Đô thị thông minh” tại Việt Nam – những tín hiệu khả quan - 1

Việc xây dựng đô thị thông minh thể hiện chủ trương và tầm nhìn đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong việc lấy người dân làm trung tâm, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời cũng cho thấy mong muốn và quyết tâm cao của các cấp chính quyền với quyết tâm đổi mới hệ thống chính quyền, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, khai thác nguồn lực một cách hiệu quả.

Năm 2016, Nhiều thành phố lớn đã đi đầu và “bắt tay” với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) để lên lộ trình xây dựng đô thị thông minh. Trong ngày 29/9/2016, lần lượt Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Kiên Giang đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với VNPT, và liền sau đó, vào ngày 07/10, VNPT và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiến hành Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về xây dựng đô thị thông minh tại thành phố Đà Lạt.

Tiếp nối các địa phương trên, rất nhiều tỉnh thành khác như Thái Nguyên, Tiền Giang, Dak Lak,…cũng đã bắt tay vào nghiên cứu khảo sát để tiến hành xây dựng những đô thị thông minh cho địa phương mình. “Đô thị thông minh” chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều trong các dự án, chủ trương và định hướng phát triển của các địa phương ở Việt Nam.

Những tín hiệu khả quan

Thử nghiệm thành công các giải pháp đô thị thông minh

Đã có không ít những nghi ngờ về khả năng thành công trong việc triển khai và áp dụng các giải pháp thông minh cho đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc thử nghiệm thành công trên thực tế là minh chứng rõ nét cho thấy rằng xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Hội nghị truyền hình là một trong những giải pháp nhằm kiến tạo Chính quyền điện tử - một trong 8 lĩnh vực cơ bản của đô thị thông minh. Đầu tháng 01/2017, VNPT đã xây dựng thành công hệ thống truyền hình hội nghị từ Toàn án nhân dân tối cao đến Toàn án nhân dân cấp huyện trên toàn quốc với 789 điểm cầu trên cả nước. Thành công của hệ thống cho thấy việc ứng dụng CNTT nói chung và xây dựng hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến nói riêng có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước, góp phần rút ngắn khoảng cách địa lý, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo các cấp một cách kịp thời, nhanh chóng, góp phần tiết kiệm thời gian và kinh phí cho các cuộc họp, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Cũng nằm trong lộ trình thử nghiệm các giải pháp cho đô thị thông minh, Tập đoàn VNPT đã phối hợp với Hiệp Hòa (Bắc Giang) để lắp đặt thử nghiệm hệ thống camera giao thông thông minh. Hệ thống có chức năng phát hiện và phân loại các lỗi vi phạm vượt tốc độ quy định, vượt đèn đỏ (có thể bao gồm hành vi dừng sai vạch), phương tiện là xe cơ giới đi vào hướng ngược chiều. Hệ thống camera giao thông đã đem lại những lợi ích to lớn trong việc hỗ trợ, quản lý an toàn giao thông tại các điểm nóng giao thông trên địa bàn. Thành công của những giải pháp nói trên cho thấy lợi ích to lớn của việc ứng dụng các giải pháp thông minh trong việc giải quyết các vẫn đề còn tồn tại ở Việt Nam hiện nay.

Phú Quốc - Đô thị thông minh đầu tiên của Việt Nam

Sau một thời gian xây dựng, khảo sát và triển khai các dự án, những đặc trưng của đô thị thông minh đầu tiên tại Việt Nam đang dần được hình thành. Mới đây, tại Phú Quốc đã diễn ra Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 triển khai xây dựng Đô thị thông minh.

Ở thời điểm hiện tại, toàn bộ bức tranh cho Đô thị thông minh của huyện đảo này cho giai đoạn 1 đã thành hình với 5 giải pháp cơ bản:

- Hệ thống chính quyền điện tử: đã đưa vào sử dụng từ 5/1/2017 đáp ứng yêu cầu liên thông xử lý thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai từ huyện Phú Quốc lên Sở Tài nguyên & Môi trường và Văn phòng Đăng ký đất đai.

- Hệ thống Smart Wifi: đã xác định vị trí lắp đặt tại 8 điểm du lịch, trong đó 6 điểm truy cập wifi tại thị trấn Dương Đông, 2 điểm tại thị trấn An Thới với tổng số 50 thiết bị phát sóng.

- Hệ thống Quản lý lưu trú trực tuyến: đã được cài đặt,tập huấn cho các cán bộ quản lý của Công an huyện Phú Quốc và khoảng 200 các cơ sở lưu trú.

- Hệ thống giám sát môi trường: 5 điểm kiểm soát môi trường trên địa bàn đã được khảo sát thực địa và lên lộ trình lắp đặt.

- Hệ thống Camera giám sát an ninh: VNPT cũng đã làm việc với Công an tỉnh Kiên Giang và thống nhất vị trí lắp đặt 20 điểm giám sát.

Hiện nay, việc đấu thầu mua sắm thiết bị đang được thực hiện và VNPT sẽ tiến hành lắp đặt trong thời gian sớm nhất, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể cho đô thị thông minh Phú Quốc trong tương lai.

Nối tiếp Phú Quốc, những đô thị khác với quy mô lớn hơn, tầm vóc hơn cũng đang dần được thành hình. Đó là một siêu đô thị Hồ Chí Minh trẻ trung năng động vươn mình với bạn bè thế giới, là một Đà Lạt với nền nông nghiệp sạch và du lịch xanh… Những đô thị thông minh đã, đang và sẽ trải dài thêm nữa trên dải đất hình chức S, mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng hơn, thân thiện hơn.

Võ Quang Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm