Xâm hại tình dục trẻ em: Hãy biến nỗi đau thành hành động

(Dân trí) - Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện. Con số thống kê chỉ là phần nhỏ so với thực tế vì rất nhiều nạn nhân không lên tiếng.

“Đừng để nỗi đau trở nên vô nghĩa”

Trong cùng một thời điểm, ba vụ việc tố giác về hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu đã gây ra những bức xúc lớn trên báo chí và mạng xã hội cộng đồng.

Đây là sự việc mà khi nhắc đến, bất cứ ai cũng phải sôi sục. Nhưng trong xã hội, người ta vẫn còn thấy quá nhiều biểu hiện của sự im lặng. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Vân Anh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên) cho rằng: “Nhiều người cho đây là vấn đề đơn giản, là câu chuyện của trẻ con, không đáng bận tâm nên vẫn tồn tại sự im lặng đến vô cảm. Nhưng thực chất, đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Có hàng trăm câu chuyện vô cùng đau xót của nhiều gia đình, có người tìm được công lý, nhưng cũng có người quá mệt mỏi, tuyệt vọng mà phải chịu thua”.

Trên thực tế, một trẻ em Việt Nam trung bình có đến 15 cơ quan cùng bảo vệ. Thế nhưng, vẫn còn nhiều vụ xâm hại trẻ em gây rúng động dư luận vẫn chưa được giải quyết và hàng trăm trường hợp khác chưa được đem ra ánh sáng. “Trách nhiệm của 15 cơ quan này đến đâu? Chúng ta không cần quá nhiều như vậy. Tôi cho rằng, đó là một sự mỉa mai. Có chăng, chỉ cần 1,2 cơ quan nhưng họ phải thực sự làm. Chỉ đau thôi chưa đủ. Đau nhưng hãy biến nó thành hành động, đừng để nỗi đau trở nên vô nghĩa”, bà Vân Anh lên tiếng.

Hàng chục những lá đơn tố cáo của nhiều gia đình vẫn chưa được giải quyết dù đã nhiều năm trôi qua.
Hàng chục những lá đơn tố cáo của nhiều gia đình vẫn chưa được giải quyết dù đã nhiều năm trôi qua.

Năm 2009, Viện nghiên cứu phát triển xã hội đã thực hiện một nghiên cứu lớn về nhận thức, kĩ năng về đời sống tình dục. Kết quả cho thấy, hầu hết những người được điều tra ở dưới độ tuổi 14 không có bất cứ kiến thức gì về vấn đề này. Dường như đã từ lâu, người Việt coi đây là chủ đề cấm kỵ nên trẻ em không được trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình. Cha mẹ không có kỹ năng, thành ra cũng không có biện pháp hay cách thức nào để truyền đạt lại cho con cái.

Bà Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội) nhấn mạnh: “Chúng tôi đã rất nhiều lần khuyến nghị với Bộ Giáo dục về việc đưa các chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy, nhưng cho đến nay, câu chuyện ấy vẫn đang còn bị gác lại ở đâu đó. Ngay trong nhà trường, vấn đề này cũng đã bị né tránh. Tôi cho rằng, đây là một trong những sự vô tâm của người lớn mà trẻ con là người phải trả giá”.

Bà Khuất Thu Hồng cũng cho rằng : “Không chỉ có người dân, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng bị thấm nhuần nền giáo dục và các tư tưởng văn hóa từ khi còn nhỏ, nên khi sống trong một cộng đồng với những khuôn phép và rào cản, rất khó để họ vượt qua những định kiến xã hội. Nếu không vượt qua những rào cản này, không biết tự trang bị cho bản thân mình và con em mình các kiến thức cần thiết thì chẳng ai biết được đâu là giới hạn của những vụ việc đau lòng đến vậy”.

Cần nâng cao nhận thức, giáo dục giới tính trong gia đình và nhà trường

Luật sư Lê Thế Truyền, chuyên gia về Luật dân sự cho rằng: “Đã nhiều năm trôi qua nhưng chương trình giáo dục giới tính vẫn chưa được đưa vào giảng dạy. Trẻ con Tiểu học, Trung học bây giờ chỉ được học An toàn giao thông, thậm chí nghe thuyết giảng về… phòng chống tham nhũng. Đúng ra, từ lớp 1 đến lớp 5, các em cần được dạy về quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền bất khả xâm phạm thân thể người khác. Điều này ngày càng cần thiết khi đối tượng xâm hại ngày càng gần gũi với nạn nhân. Không thiếu cách thức để đưa các điều này vào phạm vi trường học”.

Không thể phủ nhận vai trò của nhà trường trong việc đề ra các chiến lược, hướng dẫn các kĩ năng cần thiết cho trẻ em. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng cần có kiến thức để dạy con em mình cách tự bảo vệ bản thân.

Bà Nguyễn Vân Anh cũng nhấn mạnh việc giáo dục, phổ biến rộng rãi kiến thức về giáo dục giới tính cho cha mẹ, người lớn.
Bà Nguyễn Vân Anh cũng nhấn mạnh việc giáo dục, phổ biến rộng rãi kiến thức về giáo dục giới tính cho cha mẹ, người lớn.

Tham gia một buổi tọa đàm về xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Hoàng Ánh (giảng viên trường Đại học Ngoại thương) kể câu chuyện có thật về một cô bé bị xâm hại tình dục. Mức độ vụ xâm hại này nghiêm trọng đến mức, khi trở về nhà, quần cô bé bê bết máu và người cũng xây xát do bị đánh đập. Thấy con như vậy, người mẹ không những không căn hỏi, tìm ra nguyên nhân mà vội tát cho cô mấy cái và mắng con gái vì không biết tự giữ thân. Sau hành động này, thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nhưng đó sẽ là câu chuyện ám ảnh cô gái suốt cuộc đời.

Bà Ánh nêu ra quan điểm, đối tượng đầu tiên cần được giáo dục chính là cha mẹ. “Trẻ em chưa thể nhận biết hết, cũng không thể đổ hết trách nhiệm lên nhà trường, bởi kĩ năng sống của trẻ được hình thành cũng là nhờ gia đình và xã hội tác động. Cha mẹ nên nhớ, nếu chẳng may có gì không may xảy ra với con mình, đó hoàn toàn không phải sự ô nhục. Những câu chuyện thì thầm bên gối giữa con gái và mẹ, con trai và cha là những điều không ai có thể thay thế được. Thêm nữa, cha mẹ cần học kĩ năng để lưu giữ bằng chứng, phòng tránh mọi trường hợp để đối chất trước pháp luật”.

Cũng theo chia sẻ của các chuyên gia, việc phải có một phiên tòa riêng cho trẻ em Việt Nam như ở nước ngoài là thực sự cần thiết. Trong các phiên tòa này, đứa trẻ sẽ được cách ly, có người giám hộ và luật sư, tất cả các hành động đều được thể hiện thông qua búp bê. Còn nếu tiếp tục những công đoạn như hiện tại, bắt trẻ em đối chất với người lớn, đó là một câu chuyện rất khó đi đến hồi kết.

Hoàng Ngọc