Đắk Nông:

Vườn chim trời hàng ngàn con giữa lòng đô thị

(Dân trí) - Nhiều năm nay, đôi vợ chồng già vẫn tự hào khi là “chủ sở hữu” của vườn chim trời hàng ngàn con nằm ngay giữa lòng thị xã Gia Nghĩa. Cứ thấy đàn chim kêu dáo dác, hai ông bà lại canh chừng chúng như những đứa trẻ trước ánh mắt lăm le của kẻ thù.

Hơn 5 năm nay, chiều nào vợ chồng ông Nguyễn Anh Nghĩa (77 tuổi, trú tổ 5, phường Nghĩa Trung, TX. Gia Nghĩa) cũng tản bộ dưới những rặng tre để quan sát hàng ngàn con chim về trú ngụ.

Riêng ông Nghĩa, mỗi lần đi “tuần tra” về ông lại ngồi một mình bên chiếc bàn gỗ, ngắm đàn chim đang chao liệng trên không trung. Tiếng chim con ríu rít gọi mẹ, tiếng vỗ cánh phần phật của đàn chim về tổ trở thành thứ âm thanh quen thuộc, niềm vui thú tuổi già của ông lão này.


Nhiều năm nay, đàn chim trời chọn vườn nhà ông Nghĩa làm nơi trú ngụ

Nhiều năm nay, đàn chim trời chọn vườn nhà ông Nghĩa làm nơi trú ngụ

Người con đất tổ kể lại, 20 năm trước ông rời Phú Thọ vào Đắk Nông khai hoang làm ăn, khi đó mảnh đất này hoang vu, rậm rạp nhưng không có nhiều chim như bây giờ. Cả khu vực ngày ấy chỉ có mấy loại chim rừng như: tu hú, két, bìm bịp… cho đến ngày ông khai khẩn, đào ao thả cá rồi trồng tre lấy măng thì “đất lành chim đậu”, chim trời từ đâu bay đến để trú ngụ, số lượng chim mỗi ngày lại tăng lên, biến nơi đây thành “vườn chim” lúc nào không hay.

Ông lão cười hiền từ: "Thực tình, tôi cũng không lý giải được vì sao chim lại chọn vườn nhà tôi để trú ngụ, có lẽ là do “đất lành” ? Từ ngày chúng chọn đây làm nơi ở, gia đình tôi chưa một lần xua đuổi hay giết hại bất cứ một con nào. Thấy chim chóc về vui cửa vui nhà nên hai vợ chồng bảo nhau trông mon, thấy thợ săn hay mấy đứa nhỏ cầm ná bắn chim thì khuyên ngăn họ. Dần dà mấy ông thợ săn cũng gác súng để đến đây ngắm chim ”.


Sau mỗi lần “tuần tra” về, ông Nghĩa lại ngồi một mình ngắm đàn chim bay lượn khắp bầu trời

Sau mỗi lần “tuần tra” về, ông Nghĩa lại ngồi một mình ngắm đàn chim bay lượn khắp bầu trời

Vợ chồng ông Nghĩa ước tính, cứ mỗi buổi chiều, cả khu vườn rộng khoảng 10 ha này chứa hàng ngàn con chim. Tuy nhiên thời điểm quy tụ nhiều nhất là độ cuối mùa khô, đầu mùa mưa, khi những con chim non đã đủ lông đủ cánh, chúng bay từng đàn về vườn ông trú ngụ, tiếng chim vang động cả một góc trời.

Quan sát và chăm nom đàn chim nhiều năm nay, vợ chồng ông Nghĩa dường như nằm lòng đặc tính sinh hoạt của loài chim trời. Bà Đào Thị Vĩnh (vợ ông Nghĩa) cho biết, loài chim này rất khôn và có tổ chức chặt chẽ.

Chúng giống như đàn ong mật, trước khi về đây sống, chúng đều “cử” một vài con đầu đàn bay trước để thám thính. Mỗi “đội chim do thám” thường có 10-15 con, bay lượn, chao đảo tại vườn nhà ông khoảng 3 ngày rồi mới bay đi chỗ khác.

Nhấp ngụm chèn nóng, bà Vĩnh tiếp chuyện: “Trong đoàn thám thính, con đầu đàn thường rất to, lượn nhiều vòng và chỉ khi nào thấy an toàn mới ra tín hiệu cho những con chim khác hạ độ cao, sà xuống đậu ở các cành cây, ngọn tre. Cũng chính lẽ đó, khi thấy thấy cả đàn chim cứ bay nhiều vòng và kêu dáo dác là chúng tôi đoán ngay đang có mối đe dọa đang chờ chúng ở phía dưới. Hai vợ chồng lại lật đật chạy ra xem sao”.

Đàn chim trời hàng ngàn con giữa lòng thị xã Gia Nghĩa
Đàn chim trời hàng ngàn con giữa lòng thị xã Gia Nghĩa

Mặc dù đây chỉ là những hiện tượng tự nhiên nhưng ông Nghĩa phỏng đoán: “Có lẽ chúng là loài sếu đen, nên không chỉ khu vườn nhà tôi mà nhiều vườn ở Đắk Nông này có thể thu hút loài chim này về trú ngụ. Hiện nay trong điều kiện thiên nhiên bị con người xâm hại nghiêm trọng thì môi trường sống của nhiều loại chim cũng bị đe dọa, nhiều loại chim rất nhạy cảm với điều kiện sống và muốn tìm đến những môi trường yên lành. Nếu chúng ta biết tôn trọng và bảo vệ chúng, cho dù có cả con người sinh sống thì chim cũng tìm về sinh sống”.

Được biết, mặc dù về đây trú ngụ nhưng gia đình ông Nghĩa không phải cho đàn chim ăn. Trong vườn có ao cá nhưng đàn chim này cũng không sà xuống để bắt mà tự đi kiếm mồi chỗ khác. Chúng đi kiếm ăn rất đúng giờ giấc, buổi sáng thì khoảng 6 - 7 giờ là bắt đầu bay đi, đến khoảng 5-6 giờ chiều mới quay về vườn. Cả đàn chim này chia làm hai nhóm đi kiếm ăn riêng, một nhóm bay về từ hướng Đông, phía hồ thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) còn một nhóm bay hướng Nam, phía tỉnh Bình Phước.

Ông Vũ Xuân Ánh, Tổ trưởng tổ dân phố 5 cho biết: “Thấy chim trời về trú ngụ trong vườn nhà ông Nghĩa, nên nhiều người tò mò tìm đến tham quan, chụp hình. Trong nhưng lần sinh hoạt tổ dân phố, chính quyền thường xuyên vận động các gia đình sống quanh đó cùng nhau bảo vệ vườn chim, không được săn bắn” Tuy nhiên, cũng theo ông Ánh, hiện nay xung quanh vườn của ông Nghĩa, người dân đã phá đi những cây lớn (cây tự trồng) nên số lượng chim trong đàn cũng giảm đáng kể so với thời gian đầu.

Dương Phong