Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: “Cần thời gian thích hợp để đổi trả”

(Dân trí) - Cho đến thời điểm này, hai đứa trẻ bị trao nhầm tại bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì 6 năm về trước vẫn chưa được trở về gia đình thật sự của mình

Mới đây, câu chuyện trao nhầm con của gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Vũ Thị Hương ở Ba Vì nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Cho đến thời điểm này, hai đứa trẻ vẫn chưa được trao – nhận về gia đình thật sự của mình.

Chị Hương – người mẹ trong câu chuyện trên cho biết, hiện tại chị vẫn “sốc” và cần thêm thời gian để bình tâm cũng như chấp nhận sự thật này. Trong khi đó, gia đình anh Sơn lại nóng lòng từng ngày, từng giờ mong mỏi được đón nhận người con ruột thịt về chăm sóc, bù đắp nhất là khi cháu bé sắp bước vào lớp 1.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Lê Thanh Hiền (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội), người con bị trao nhầm trong câu chuyện Trao nhầm con 29 năm ở Hà Nội cho biết, chị đã khóc khi theo dõi câu chuyện trên.

“Tôi thương hai đứa trẻ và cảm thấy hình ảnh của mình trong đó. Bản thân tôi phải mất 5 năm mới dần nguôi ngoai nỗi đau và chấp nhận sự thật. Với những đứa trẻ, tôi không biết sẽ phải mất bao lâu để có thể chấp nhận gia đình mới, chấp nhận những người xa lạ trở thành bố mẹ của mình?”, chị Hiền trăn trở.

Chị Lê Thanh Hiền - người con bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Quý Đoàn
Chị Lê Thanh Hiền - người con bị trao nhầm tại nhà hộ sinh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Quý Đoàn

Người phụ nữ này cho biết, phải là người trong cuộc mới thấu hiểu được nỗi đau đớn, tổn thất nặng nề mà cả hai gia đình đang phải trải qua.

“Tôi hiểu cảm giác sốt sắng của anh Sơn khi nóng lòng muốn đón người con ruột thịt về chăm sóc. Nhưng bản thân chị Hương cũng rất cần được thông cảm. Nuôi con 6 năm, dành hết tình cảm, yêu thương chăm sóc để đến một ngày được thông báo: Không phải con ruột thịt. Còn nỗi đau đớn, sự bất hạnh nào lớn hơn thế?”, chị Hiền nói.

Theo chị Hiền, để giải quyết sự việc cả hai gia đình nên ngồi lại với nhau, nói chuyện cởi mở và tìm ra phương án hợp tình, hợp lý, tránh việc đường đột gây ảnh hưởng tâm lý đến hai đứa trẻ. Bên cạnh đó, nên cho chị Hương thêm thời gian để bình tâm, nguôi ngoai nỗi đau.

Việc trao trả con có thể tìm một thời điểm thích hợp khi cả hai bên đã sẵn sàng. “Tôi nghĩ trước mắt nên cho hai bé đi lại, làm quen từng bước với gia đình mới của mình. Bố mẹ nên giải thích cho các con hiểu để các bé nảy sinh tình cảm tự nhiên, dần dần chứ không nên ép buộc”, chị Hiền nói.

Trong khi đó, bà Mai Hạnh – người mẹ có con Trao nhầm 42 năm tại nhà hộ sinh Ba Đình, nhờ báo chí vào cuộc đã tìm lại được người con ruột thịt của mình cũng đưa ra lời khuyên, cả hai bên gia đình nên bình tâm, chọn thời điểm thích hợp để trao – nhận con, tránh đường đột dẫn đến việc sang chấn tâm lý cho hai đứa trẻ.

“Hãy đừng suy nghĩ nặng nề mà hãy nghĩ đó là cái duyên. Hai bên nên mở lòng, tạo tâm lý thật thoải mái cho các bé. Thay vì ngay lập tức bắt buộc các bé phải chấp nhận gia đình mới của mình thì hãy nói với các con rằng từ nay các con sẽ có thêm một gia đình mới, thêm những người bố, người mẹ mới”, bà Hạnh nói.

Bà Mai Hạnh (áo hồng) cho biết nỗi đau của những người trong cuộc khi bị trao nhầm con không gì có thể bù đắp nổi
Bà Mai Hạnh (áo hồng) cho biết nỗi đau của những người trong cuộc khi bị trao nhầm con không gì có thể bù đắp nổi

Theo bà Hạnh, trong trường hợp này cần phải chuẩn bị tâm lý kỹ càng cho hai đứa trẻ. Các cháu còn rất nhỏ nên việc ngay lập tức làm quen với gia đình mới, thân phận mới không dễ dàng. Nếu người lớn cư xử không khéo có thể khiến các cháu bị tổn thương, ám ảnh và mặc cảm cả đời. Bản thân bà Hạnh dù đã đoàn tụ với người con gái ruột sau hơn 40 năm nhưng đến giờ giữa hai mẹ con vẫn có những khoảng cách chưa thể xóa nhòa.

“Sau những giọt nước mắt hạnh phúc của việc đoàn tụ lại là những khoảng trống. Mẹ con xa cách lâu ngày nên tình cảm gần như không có. Có lẽ vì thế mà đến giờ nhiều lúc con vẫn chưa thể hòa hợp, chấp nhận tôi là mẹ. Giữa chúng tôi vẫn có những khoảng cách vô hình… Tôi hy vọng hai gia đình ở Ba Vì có thể ngồi lại với nhau, tìm tiếng nói chung để có những quyết định hợp tình, hợp lý”, bà Hạnh nói.

Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho biết trong việc trao nhầm con 6 năm ở Ba Vì, các con có bị sốc hay không điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cách giải quyết khéo léo của bố mẹ. “Trong trường hợp này, đừng nên so sánh về mặt kinh tế hoặc so sánh con được sống sướng còn con thì sống khổ. Mà nên cảm thấy may mắn vì các con có thêm một người bạn cùng ngày tháng năm sinh, có thêm bố mẹ.

Theo tôi, khi trao con về đúng với bố mẹ ruột thì bố mẹ nên nói với con sự thật chứ không nên giấu giếm. Nhưng nên nói theo hướng là “con vô cùng may mắn khi có bố mẹ đẻ ra con và có bố mẹ nuôi con 6 năm”. Rồi thi thoảng cho các con giao lưu cùng nhau, tổ chức sinh nhật cho các con, để chúng thấy rằng chúng hạnh phúc hơn nhiều đứa trẻ khác khi có tận 2 người bố và 2 người mẹ.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh, trước mặt các con bố mẹ không được buông những lời “khổ thân con phải sống khổ, bố mẹ sẽ bù đắp cho con…”, như thế dễ khiến trẻ tổn thương. Bố mẹ nên nhớ một lời nói sẽ làm thay đổi cuộc đời con”, ông Nguyễn An Chất cho hay.

Hà Trang