Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Xử lý thế nào nếu một trong 2 gia đình từ chối trao trả con?

(Dân trí) - Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Đoàn luật sư TP Hà Nội, sự việc nhầm con ở Ba Vì là một câu chuyện hy hữu, đáng tiếc và để lại những tổn thất nặng nề. Trong trường hợp này, cả hai bên gia đình cần ngồi lại để tìm tiếng nói chung, tránh việc kiện tụng có thể ảnh hưởng đến tâm lý hai đứa trẻ.

Liên quan đến vụ việc trao nhầm con 6 năm trước ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đây là một câu chuyện hy hữu, vô cùng đáng tiếc và để lại tổn thất nặng nề cho cả hai bên. Để xảy ra sự việc đau lòng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về bệnh viện. Nguyên nhân có thể là do sự sơ suất, yếu kém chuyên môn của cán bộ y tế.

Nếu không thống nhất việc trao nhận con buộc phải ra tòa

Vị luật sư này phân tích, sự việc xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của người trong cuộc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình, mối quan hệ họ hàng giữa hai bên.

“Suốt 6 năm qua, hai đứa trẻ được hai bên gia đình chăm sóc, yêu thương và nuôi nâng đã bồi đắp tình cảm như ruột thịt do đó việc trao trả lại con sẽ gặp phải những khó khăn nhất định và để lại tổn thương, nỗi buồn cho người trong cuộc”, luật sư Doãn Hùng nói.

Trong vụ việc lần này, theo luật sư Doãn Hùng, cả hai bên gia đình nên ngồi lại với nhau, thống nhất phương án xử lý để tránh gây tổn thương, căng thẳng cho các bên. Việc trao trả lại con chỉ là mặt pháp lý. Kể cả sau khi trao trả, hai bên gia đình vẫn có thể đi lại, cùng phối hợp nuôi dưỡng chăm sóc các bé.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì - nơi xảy ra sự việc trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 6 năm
Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì - nơi xảy ra sự việc trao nhầm trẻ sơ sinh cách đây 6 năm

Cũng theo luật sư Doãn Hùng, Theo quy định tại Điều 90, Điều 91 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết” và “Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết” .

Như vậy, trong trường hợp này vợ chồng anh Sơn, vợ chồng chị Hương hoàn toàn có quyền nhận lại con đẻ của mình; hai cháu bé Đoàn Nhật M.và Phùng Thanh H. cũng có quyền nhận lại cha, mẹ ruột của mình. Việc nhanh chóng tiến hành giao nhận lại con giữa hai gia đình là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp.

Tuy nhiên, xét về mặt tình cảm, việc chị Hương chưa sẵn sàng trao trả cháu Đoàn Nhật M. là điều có thể hiểu và thông cảm được. Bởi lẽ, bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng thì với sự yêu thương gần gũi giữa hai con người trong suốt 6 năm cũng khiến người phụ nữ này không dễ gì có thể dứt bỏ ngay được.

“Việc cần làm lúc này của các gia đình là tạo điều kiện cho các cháu gặp gỡ cha mẹ ruột của mình, để các cháu có thời gian làm quen, thích nghi dần với gia đình mới”, luật sư Hùng nói.

Trong trường hợp, hai bên gia đình không tự thỏa thuận được hoặc cha mẹ nuôi không chịu trao trả con cho cha mẹ ruột thì cha mẹ đẻ có thể làm đơn khởi kiện lên tòa án để yêu cầu xác định cha mẹ cho con theo quy định của pháp luật, khi bản án có hiệu lực thì các bên bắt buộc phải thực hiện.

“Hai gia đình nên hòa giải, nói chuyện tìm tiếng nói chung tránh việc căng thẳng, kiện tụng bởi lẽ sự việc xảy ra là ngoài ý muốn. Hơn nữa, ở độ tuổi trẻ em cũng rất nhạy cảm, nếu chúng ta không xử lý khéo có thể gây tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ”, luật sư Doãn Hùng phân tích.

Chị Hương hiện nay vẫn chưa sẵn sàng tâm lý để trao trả con cho gia đình anh Sơn
Chị Hương hiện nay vẫn chưa sẵn sàng tâm lý để trao trả con cho gia đình anh Sơn

Bệnh viện có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình

Về trách nhiệm của bệnh viện trong việc để xảy ra sự việc, luật sư Doãn hùng cho rằng khi có kết quả điều tra xác minh của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi trao nhầm con thì tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người gây ra có thể bị xử lý.

Trong vụ việc lần này, giả thiết về việc hai nữ hộ sinh có hành vi cố tình trao nhầm con hoàn toàn không thể xảy ra mà chỉ là hành vi vô ý. Do vậy, trách nhiệm hình sự không thể đặt ra mà chỉ phát sinh trách nhiệm và bồi thường về mặt dân sự. Việc bệnh viện trao nhầm con cho hai gia đình sau 6 năm mới phát hiện ra thì trách nhiệm bồi thường không chỉ được xác định là những thiệt hại về vật chất mà còn là những tổn thất về tinh thần.

Hiện tại, gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, Ba Vì, áo đỏ) mong muốn được đón người con ruột thịt về chăm sóc, nuôi dưỡng và bù đắp
Hiện tại, gia đình anh Phùng Giang Sơn (SN 1990, Ba Vì, áo đỏ) mong muốn được đón người con ruột thịt về chăm sóc, nuôi dưỡng và bù đắp

Cụ thể, trách nhiệm bồi thường vật chất, hai gia đình cần xác định những chi phí như: chi phí giám định AND, chi phí tìm kiếm, xác định thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chi phí hành chính để khắc phục hậu quả (chi phí làm lại giấy khai sinh, cải chính hộ tịch, cải chính sổ hộ khẩu, sửa đổi hồ sơ của trẻ tại nhà trường,…) và những tổn thất về kinh tế do phải nghỉ việc để thực hiện công việc tìm kiếm, giám định, cải chính thông tin.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định” theo khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Sau khi thỏa thuận, tiến hành bồi thường, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi là hai nữ hộ sinh được xác định trao nhầm trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm