1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Lại thêm trường hợp nhầm con 29 năm ở Hà Nội

(Dân trí) - Câu chuyện buồn của chị Hiền đáng lẽ đã được xếp lại sau nhiều năm tìm kiếm trong bế tắc nhưng sau khi đọc thông tin về trường hợp nhầm con ở nhà hộ sinh Ba Đình 42 năm trước, chị quyết định công khai trường hợp của mình để thắp lại tia hi vọng sẽ tìm được bố mẹ đẻ của mình cũng như tìm lại máu mủ thực sự cho những người đã yêu thương, chăm sóc chị suốt 29 năm qua.

Nỗi đau tột cùng

Câu chuyện buồn của chị Lê Thanh Hiền (29 tuổi, Triều Khúc, Hà Nội) bắt đầu vào một ngày đông cách đây 29 năm, khi chị được sinh ra tại nhà hộ sinh Đống Đa (phố Khâm Thiên, Hà Nội). Thời điểm đó, theo quy định của bệnh viện, những đứa trẻ sinh ra sẽ phải cách ly với mẹ tại một căn phòng riêng. Chị Hiền nhớ lại: “Mẹ kể với tôi, khi sinh xong chỉ được y tá thông báo là con gái rồi bế đi luôn. Tám tiếng sau, tôi được bố đón tay tại nhà hộ sinh và trao cho mẹ”. Trong trí nhớ của mẹ, chị Hiền khi mới sinh ra có làn da trắng hồng, đôi môi đỏ và tóc hoe vàng. Niềm hạnh phúc lần đầu được làm cha mẹ khiến đôi vợ chồng không mảy mảy nghi ngờ đã có sự nhẫm lẫn giữa hai đứa trẻ của hai gia đình. Gần 30 năm qua, chị Hiền sống trong sự yêu thương, đùm bọc của cả gia đình. Thế nhưng, càng lớn chị Hiền càng có nhiều nét khác biệt so với người trong nhà.


Chị Hiền chia sẻ chuyện buồn với pv Dân trí. Ảnh: Quý Đoàn​

Chị Hiền chia sẻ chuyện buồn với pv Dân trí. Ảnh: Quý Đoàn​

Trong khi bố mẹ chị Hiền đều có nước da ngăm đen, người nhỏ nhắn, thì chị Hiền lại trắng hồng, người dong dỏng cao. Người trong họ hay trêu chị là “con nuôi” nhưng cả chị và bố mẹ đều coi đây chỉ là chuyện vui đùa: “Đi đâu, làm gì bố mẹ cũng cho tôi đi cùng. Mẹ luôn hãnh diện vì tôi xinh đẹp và ngoan ngoãn. Bố mẹ luôn là chỗ dựa cho tôi trong cuộc sống”, chị kể.

Sự việc chỉ bắt đầu khi chị Hiền lấy chồng và sinh con. Trong khi hai đứa con chị đều có nét hao hao giống cả bố và mẹ, chị Hiền bắt đầu để ý về sự khác biệt của mình. Chị kể: “Tôi nhớ đến những lời trêu đùa và bắt đầu suy nghĩ. Ban đầu là về nhóm máu. Bố mẹ tôi nhóm máu O nhưng tôi nhóm máu B. Các bác sỹ đều khẳng định nếu có quan hệ huyết thống thì điều này là không thể xảy ra. Một linh cảm nào đó thôi thúc tôi phải đi thực hiện xét nghiệm ADN bằng mọi giá”.

Nếu bạn đọc có thêm thông tin về những vụ việc trao nhầm con, xin gửi email về địa chỉ dantri@dantri.com.vn hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của báo điện tử Dân trí: 0973.567.567.

Xin trân trọng cảm ơn!

Vào một ngày hè năm 2013, sau nhiều đêm trằn trọc, chị Hiền quyết định âm thầm lấy mẫu tóc của mẹ mang đến Trung tâm giám định sinh học pháp lý (Viện khoa học hình sự, Bộ công an) để làm giám định. Kết quả khiến chị không khỏi choáng váng: Chị Hiền không cùng huyết thống với cha mẹ. “Nhận kết quả từ trung tâm, tất cả như sụp đổ dưới chân tôi. Tôi sốc và không thể đứng vững, cảm giác bị tổn thương và đau nhói trong tim. Tôi khóc, nấc nghẹn từng tiếng", chị Hiền xúc động kể lại. Quá choáng váng, chị Hiền ngồi bệt xuống hành lang trung tâm khóc và chỉ tạm lấy lại được bình tĩnh sau khi các cán bộ trực ban thay nhau động viên.


Giấy khai sinh của chị Hiền.

Giấy khai sinh của chị Hiền.

Những ngày sau khi biết sự thật, chị Hiền như người vô định, đầu óc trống rỗng và không muốn tin câu chuyện éo le xảy ra với mình. Chị chạy xe vòng quanh khắp Hà Nội, rồi lên cầu Chương Dương, dựa lưng vào thành cầu và nức nở khóc. “Nếu tôi không phải là con ruột của bố mẹ thì tôi là con ai? Bố mẹ tôi hiện đang ở đâu?"... những câu hỏi cứ vẩn vơ trong đầu khiến chị Hiền đau nhói. Lục lại các giấy tờ tùy thân trong đó có giấy khai sinh ghi đầy đủ ngày giờ sinh và địa điểm sinh, chị Hiền phán đoán khả năng đã bị nhầm lẫn trong nhà hộ sinh chứ không phải được bố mẹ nhận nuôi từ người khác.

Hành trình tìm kiếm trong nước mắt

Thông tin về trường hợp của chị Lê Thanh Hiền:

Mẹ nuôi: Bà Phan Thị Tuyết Hoa, sinh năm 1963 (Thịnh Liệt, Đống Đa, Hà Nội).

Ngày giờ sinh: Bà Hoa sinh con vào khoảng 4h15-4h20 ngày 12/12/1987 và được y tá thông báo là sinh con gái.

Nơi sinh: Nhà Hộ sinh Đống Đa (phố Khâm Thiên, quận Đống Đa – Hà Nội).

Cân nặng khi sinh: khoảng 3kg.

Bà Hoa nghi ngờ bị nhầm con với người phụ nữ cùng phòng sinh (người này sinh con khoảng 4h35 cùng ngày).

Trong ảnh là chị Lê Thanh Hiền và bà Phan Thị Tuyết Hoa
Trong ảnh là chị Lê Thanh Hiền và bà Phan Thị Tuyết Hoa

Chia sẻ về câu chuyện hy hữu của gia đình mình, phải mất khá lâu bà Phan Thị Tuyết Hoa (SN 1963, ở Thịnh Liệt - mẹ chị Hiền) mới lấy lại được bình tĩnh. Bà nghẹn ngào kể, khi nghe chị Hiền thông báo không cùng huyết thống với gia đình, ban đầu bà tưởng con đùa. Đến khi thấy chị Hiền vừa khóc vừa đưa kết quả xét nghiệm ADN, bà Hoa mới ngờ ngợ tin là thật. “Tôi lặng người đi. Hai mẹ con vừa ôm nhau vừa khóc. Giây phút ấy, tôi sợ hãi vô cùng. Tôi sợ không tìm lại được người con thất lạc của mình, sợ mất luôn cả Hiền – đứa con hơn 20 năm qua tôi yêu thương, chăm sóc”, bà Hoa nức nở kể.

Bà Hoa nhớ lại, thời điểm bà sinh con tại nhà hộ sinh quận Đống Đa, cũng có một người phụ nữ khác sinh cùng phòng và chỉ cách nhau khoảng 15 phút. “Tôi nhớ, tôi sinh con lúc 4h20, người đó sinh vào khoảng 4h35, hai đứa trẻ cùng là con gái và cùng có cân nặng là 3kg. Sinh xong, tôi bị cách ly mà chưa nhìn thấy con lần nào. Có thể thời gian này, sự nhầm lẫn đã xảy ra”, bà Hoa phán đoán.

Từ khi biết được sự thật, các thành viên trong gia đình bà Hoa đều bất ngờ, sốc mạnh. Bản thân chị Hiền và bố mình vẫn chưa dám đối mặt để trò chuyện. Trong thâm tâm ông, chị Hiền vẫn mãi là đứa con ruột thịt, bé bỏng mà ông hết mực yêu thương, chăm sóc. “Bố tôi đã khóc rất nhiều và hét lên với mọi người vì không tin đây là sự thật. Ông nói, không chấp nhận người con nào khác ngoài tôi và em gái hiện tại”, chị Hiền nghẹn ngào.


Bà Phan Thị Tuyết Hoa cùng chị Hiền. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bà Phan Thị Tuyết Hoa cùng chị Hiền. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Cũng vì lý do này, ba năm qua bản thân chị Hiền luôn cảm thấy dằn vặt và giằng xé. Một mặt chị khao khát được biết và đi tìm tìm nguồn cội thực sự của mình, nhưng một mặt chị Hiền cũng không muốn xáo trộn cuộc sống gia đình, gợi lại sự tổn thương cho những người thân mà chị hết yêu quý. “Thâm tâm tôi hiểu, bản thân bố mẹ cũng đau khổ rất nhiều. Có lẽ, giống như tôi, bố mẹ cũng muốn biết con gái thực sự của họ giờ này đang ở đâu, làm gì? Có được đối xử yêu thương và chăm sóc giống như tình cảm mà tôi đã được nhận hay không?”.


Chị Hiền (bên phải) khi còn nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Hiền (bên phải) khi còn nhỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày 30/5/2013, chị Hiền đã tìm đến nhà hộ sinh Đống Đa để xin trợ giúp về thông tin. Sau nhiều thời gian chờ đợi, hoàn thiện thủ tục hành chính, đến ngày 5/9/2013, chị được Giám đốc nhà hộ sinh cung cấp thông tin về cuốn số đẻ vào thời gian mà chị Hiền chào đời. Trong danh sách này có 5 người phụ nữ cùng sinh con gái vào các ngày từ mùng 9 đến ngày 12/12/1987. Thế nhưng, rất tiếc khi tìm đến các địa chỉ này, một số gia đình đã chuyển đi nơi khác, một số người thông tin không giống như cuốn sổ sinh cung cấp. Chị Hiền nói: “Tôi băn khoăn một trường hợp cô Tạ Thị T. (ở Khâm Thiên, Hà Nội) làm trong lĩnh vực xây dựng. Theo như thông tin trong cuốn hộ sinh cung cấp thì cô sinh con gái vào lúc 4h35p, tức là sau thời điểm mẹ tôi sinh con khoảng 15 phút. Tuy nhiên, khi tìm đến thì cô nhất định từ chối cung cấp thông tin và không gặp tôi”.

Suốt chặng đường ba năm tìm kiếm, chị Hiền và gia đình đã đi đến rất nhiều địa chỉ, lục tìm tất cả các thông tin liên quan. Không biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, biết bao nhiêu lần hi vọng lóe lên rồi lại vụt tắt. Cũng có không ít lần, cuộc tìm kiếm tưởng chừng rơi vào bế tắc bởi sự thiếu hợp tác của những người trong cuộc, thế nhưng chưa bao giờ chị Hiền thôi ý định tìm lại gia đình thật của mình. “Tôi chỉ muốn biết và khao khát được biết gia đình mình là ai. Bố mẹ tôi trông như thế nào. Câu hỏi này khiến tôi luôn ám ảnh và day dứt cả trong những giấc ngủ”, chị Hiền nói.

Quý Đoàn - Hà Trang