Vụ tố "bị đuổi vì ngồi xe lăn": Vì sao cộng đồng mạng phản ứng dữ dội?

Minh Nhân

(Dân trí) - Những ngày qua, cộng đồng mạng đã phản ứng dữ dội sau bài viết của nam TikToker về việc anh bị "đuổi khỏi hai quán phở vì ngồi xe lăn".

Sai ngay câu đầu tiên "bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn"

Chỉ sau một đêm, bài viết của nam TikToker V.M.L. (30 tuổi, Hà Nội) đã gây bão mạng xã hội, với câu mở đầu tạo sự thương cảm "Mình bị đuổi khỏi quán vì… ngồi xe lăn".

5 ngày sau, bài viết đã thu hút hơn 86.000 lượt tương tác, được chia sẻ khắp mạng xã hội với hàng chục nghìn ý kiến trái chiều. Anh sau đó đã ẩn hết bài viết trên trang cá nhân, chỉ giữ lại bài "phốt" hai quán phở, song đã khóa phần bình luận.

Cộng đồng mạng vẫn không ngừng "tấn công" anh và phản ứng dữ dội trên các nền tảng mạng xã hội.

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Vì sao cộng đồng mạng phản ứng dữ dội? - 1

Bài viết của V.M.L. nhận nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh chụp màn hình).

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, người sáng lập Truyền thông Trăng Đen, nhận định L. đã sai ngay từ tiêu đề bài viết - "Mình bị đuổi khỏi quán vì… ngồi xe lăn" - khi ngộ nhận việc bản thân có cảm giác bị phân biệt đối xử với hành vi "đuổi" hay "đuổi khéo".

Theo ông Long, căn cứ vào nội dung đăng tải, không có bất cứ chi tiết nào mô tả cảnh L. và bạn gái bị ai đó "đuổi ra khỏi quán" và càng không có chi tiết chứng minh hành động đuổi ra (nếu có) là "vì ngồi xe lăn".

Ngoài ra, câu nói "quán em không có nhân viên để khiêng người như anh" (nếu có) có thể coi là "đuổi khéo" hoặc "từ chối phục vụ" tùy góc nhìn mỗi người. Nhưng "đuổi" và "đuổi khéo" là khác nhau, cả về từ ngữ, nội hàm ý nghĩa và mức độ vi phạm pháp luật.

"Từ cách bạn ấy làm cho mọi người có cảm giác đang "tường thuật" một sự việc có thật nhưng lại "phóng tác" (mô phỏng theo nội dung của một tác phẩm đã có trước đó) thêm mắm dặm muối câu từ cảm xúc vào, cho tới cách bạn ngắt nghỉ nội dung ra để tăng tương tác ở dưới phần bình luận.

Và tất nhiên, câu view (lượt xem) thì không xấu, phóng tác cũng không xấu, nhưng tường thuật một sự việc bằng cách phóng tác thì lại có vấn đề", ông Long nói.

Chuyên gia cho rằng nguồn cơn khủng hoảng nằm ở việc L. đang sản xuất một câu chuyện phóng tác, nhưng khiến người xem ngộ nhận đó là tường thuật.

Do đó, cộng đồng mạng liên tục yêu cầu L. nêu tên 2 quán phở, đòi làm rõ các chi tiết: Nhân viên có dùng chữ "khiêng người" không? Bà chủ quán phở có đuổi L. không, có dùng từ "cái ngữ ấy" không? Trời khi ấy có mưa không? Mưa to mưa nhỏ hay lất phất? Bạn gái L. có "nước mắt" bắt đầu rơi không?

"Nhìn sự việc một cách công tâm, thì những người trong quán phở vô tình hay cố ý có hành động, lời nói nào đó khiến L. tổn thương thì hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí, họ không chủ đích cạnh khóe gì thì L. vẫn có thể tổn thương và đó cũng là quyền quyết định cảm xúc của bạn", ông Long phân tích.

Tuy nhiên, dư luận không còn quá quan tâm đến những điều trên. Họ chỉ biết "tường thuật" của L. là không đúng hoặc ác cảm hơn sẽ nói đó là "bịa đặt".

Theo ông Long, nếu tiếp tục đẩy sự việc đi xa hơn, thì hai người nước ngoài "an ủi" L. rồi bất đắc dĩ nổi tiếng khắp mạng xã hội, cũng sẽ phải lên tiếng phân trần.

Khi đó, việc có thật họ hỏi thăm, được nghe L. nói gì, đã "động viên, an ủi" ra sao lại được mang ra "mổ xẻ". Lúc này, sự việc có thể không chỉ là "phóng tác", mà rất có thể có thêm những chi tiết trở thành "sáng tác".

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Vì sao cộng đồng mạng phản ứng dữ dội? - 2

Quán phở gà Nam Ngư - một trong hai quán bị tố "đuổi khách ngồi xe lăn" (Ảnh: Viên Minh).

Ông Hoàng Tùng, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng L. có thể đã quá nhạy cảm với những hành vi, lời nói, thái độ khó kiểm chứng của chủ quán phở dù đã trích xuất camera.  

Ông phân tích 4 yếu tố khiến bài viết của L. gây tranh cãi. Thứ nhất, bản thân L. là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, lượng theo dõi lớn. Thứ hai, nội dung chia sẻ có nhiều từ ngữ chạm đến cảm xúc người đọc.

Thứ ba, chính nội dung bài viết đã tạo ra những luồng ý kiến khác nhau bởi L. thuộc nhóm người yếu thế. Người dùng mạng chia làm hai phe, bên ủng hộ, bên chửi bới.

Thứ tư, câu từ bài viết không đúng về Hà Nội và đã vô tình gây chia rẽ vùng miền.  

"Trên quan điểm cá nhân, tôi nghĩ L. đã không nghĩ quá sâu xa về hệ quả khi đăng bài lên mạng xã hội. Những nội dung tranh cãi thường câu kéo lượng tương tác lớn, tạo sự thương hại nhất thời, nhưng sẽ để lại hậu quả rất nặng nề", ông Tùng nói.

Một trong những hậu quả dễ thấy là nhiều bình luận dưới bài viết thể hiện rõ sự phân biệt vùng miền, thậm chí nhiều bình luận "độc hại" đã hằn sâu hơn vào vấn đề này.

Theo ông Tùng, những nội dung cố tình gây tranh cãi, tạm gọi là "content bẩn" đã xuất hiện từ lâu trên các nền tảng mạng xã hội. Những thông tin mang tính tiêu cực, "bóc phốt" rất dễ lan truyền mạnh, nên nhiều người cố theo đuổi để câu kéo người theo dõi.

Một số người dựa vào lượng tương tác từ bài viết để thu hút các nguồn tài trợ, quảng cáo.

"Đây là xu hướng tiêu cực ảnh hưởng nhiều bên, tạo dư luận xấu. Trong câu chuyện này này, ngoài quán phở bị ảnh hưởng, thì bài viết còn đào sâu việc phân biệt vùng miền", ông Tùng nói.

Nam TikToker nên làm gì để khép lại sự việc?

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng nếu bản thân L. cảm thấy lời nói, hành động nào của chủ quán phở khiến anh tổn thương, thì hãy chia sẻ chân thật.

Ngược lại, anh cũng cần lắng nghe chủ quán giải thích, bởi sự việc tự mình suy diễn đôi khi cảm giác rất nặng nề, nhưng người trong cuộc không nghĩ thế.

"Quan trọng nhất là đôi bên hiểu hết cảm xúc của nhau, thông cảm rồi vui vẻ với nhau thì không còn gì vướng bận. Nếu L. làm được điều đó, thì dư luận ngoài kia không quan trọng nữa. Tiếc là bạn ấy đã không làm.

Thay vì đối thoại với chủ quán phở để đôi bên tìm tiếng nói chung, L. lại chọn cách yêu cầu bà đưa bằng chứng. Một câu chuyện phóng tác mà so vào bằng chứng khách quan thì làm sao mà đúng được?", ông Long nói.

Vụ tố bị đuổi vì ngồi xe lăn: Vì sao cộng đồng mạng phản ứng dữ dội? - 3

Quán phở gà Nam Ngư trích xuất camera làm rõ sự việc (Ảnh: Duy Linh).

Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Tùng cho rằng L. có thể chọn cách bỏ qua sự việc, coi như một trải nghiệm xấu, lần sau không đến quán nữa.

Hoặc nếu L. đăng lên mạng xã hội, thì nên chỉ đích danh quán "đối xử không đúng với người khuyết tật", dư luận sẽ kiểm chứng và tẩy chay quán đó (nếu đúng).

"Nhưng L. đã chọn đăng nội dung lấp lửng khiến mọi người nghi ngờ. Dù L. nói không muốn tiết lộ tên vì sợ ảnh hưởng đến 2 quán phở, nhưng lại gây tổn thương cả một thành phố, nghiêm trọng hơn là chia rẽ vùng miền", ông Tùng nói.

Để giải quyết khủng hoảng, vị chuyên gia khuyên L. nên đối diện và nói ra sự thật về trải nghiệm hôm đó. Những người ủng hộ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ L., sự việc sẽ khép lại và dần qua đi.

Ông Tùng cho hay L. đã làm nhiều việc tốt, truyền cảm hứng và nghị lực sống đến cộng đồng, thì với một lời xin lỗi chân thành và xin phép dừng câu chuyện tại đây, câu chuyện sẽ dịu xuống.

"Với những hành động tích cực của bạn ấy từ trước đến nay và trong tương lai tiếp tục đóng góp cho xã hội, tôi nghĩ dư luận sẽ lại ghi nhận giá trị của bạn ấy", ông Tùng nói. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm