Vợ mất tích, ông bố Thanh Hóa nuôi 6 con, được báo hiếu căn nhà 2 tỷ đồng
(Dân trí) - Vợ mất tích từ năm 1995, ông Mai Văn Kiều một mình nuôi 6 người con khôn lớn. Mới đây, ông tự hào khi được con gái út báo hiếu căn nhà 2 tỷ đồng.
Con gái báo hiếu bố căn nhà 2 tỷ đồng
Cuối tháng 11, chị Alina Mai (quê Thanh Hóa, hiện sống tại Mỹ) chia sẻ lên một hội nhóm đông thành viên về căn nhà 2 tỷ đồng báo hiếu bố. Chị xem đây là món quà nhỏ dành tặng người cha 63 tuổi của mình.
"Mẹ không có, xuất phát điểm nghèo khó... Từ nhỏ, tôi đã luôn tự dặn lòng sau này trưởng thành, nhất định phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần so với bình thường và không được ngừng nghỉ. Cuối cùng tôi đã vượt qua được số phận cũ", chị viết.
Alina là con gái út của ông Mai Văn Kiều và bà Nguyễn Thị Nga (đã mất tích hơn 30 năm). Chị nhớ lại tuổi thơ từng sống trong căn nhà cấp bốn nhỏ, xuống cấp, tại thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đôi khi, căn nhà không đủ chỗ ngủ cho 6 anh chị em.
Cô bé ngày xưa đã luôn nuôi mục tiêu "lớn lên phải thật giàu", để thực hiện hai ước mơ: Xây một căn nhà tiện nghi cho bà nội và bố; nhận nuôi nhiều trẻ em mồ côi.
"Mỗi khi có người hỏi ước mơ của con là gì? Bạn bè nói muốn làm bác sĩ, ca sĩ, giáo viên, còn tôi trả lời là kiếm thật nhiều tiền để xây một căn nhà mới", Alina nhớ lại.
Năm chị 10 tuổi, gia đình bên ngoại hỗ trợ xây cho 7 bố con căn nhà rộng rãi và khang trang. "Nhưng tôi không từ bỏ ước mơ", chị nói, cho biết lên kế hoạch xây nhà cho bố từ năm 2020 nhưng bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 đến ba năm sau.
Sau 6 tháng thi công, ngôi nhà mới của ông Kiều đã hoàn thiện. Ngôi nhà có tổng diện tích 200m2, đơn giản nhưng rộng rãi, thoáng đãng, đầy đủ tiện nghi, nhiều ánh sáng tự nhiên.
Căn nhà 2 tầng, gồm có 3 phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp, phòng thờ... Tổng chi phí hoàn thiện là 2 tỷ đồng, toàn bộ do Alina chi trả. Chị dự định nâng cấp căn nhà lên 3 tầng, trong hai - ba năm tới.
"Tôi rất hạnh phúc và tự hào", ông Mai Văn Kiều xúc động nói về "món quà" của con gái út.
Khi đã hoàn thành được ước mơ đầu tiên, Alina nói sẽ tiếp tục hành trình để chạm đích ước mơ thứ hai sớm nhất có thể.
"Khi trưởng thành, được sống trong căn nhà khang trang, tôi lại mơ ước có nhiều tiền để nhận nuôi trẻ em mồ côi. Có những thời điểm tôi không có người định hướng, cảm giác rất chênh vênh. Tôi muốn nuôi dạy các em nên người, trở thành người có ích cho xã hội", chị nói.
Đau đáu tìm kiếm người mẹ mất tích 30 năm
Năm 2018, chị Alina qua Mỹ, gặp và kết hôn với người chồng Việt. Họ hiện có ba người con (5 tuổi, 3 tuổi và một tuổi), sống tại tiểu bang Delaware.
5 năm sống tại Mỹ, con gái út về thăm nhà được một lần, mọi kế hoạch còn lại bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Sắp tới, chị tính về nhà thường xuyên hơn, vừa thăm bố, vừa xử lý công việc.
Dù đã xây báo hiếu bố căn nhà khang trang, Alina cảm thấy thương ông Kiều nhiều hơn.
"Mỗi khi nghĩ đến cảnh bố lủi thủi nấu nướng và ăn một mình trong căn nhà rộng rãi như vậy, tôi lại có chút quặn thắt. Tôi mong muốn bố có thể sống cùng ai đó để không cảm thấy cô đơn", chị nói.
Năm 1995, bà Nguyễn Thị Nga (sinh năm 1960) mất tích không rõ nguyên nhân. Thời điểm đó, Alina mới lên 2 tuổi. Nhiều người nói bà Nga bị lừa bán sang Trung Quốc và từ đó không quay trở về.
Gia đình đã dốc toàn lực, tìm kiếm nhiều nơi nhưng gần 30 năm qua, họ vẫn chưa có thông tin gì về bà Nga, không tính đến chuyện "hương khói". 15 năm trước, họ đã từ bỏ việc tìm kiếm, xem như "bà không còn nữa".
Từ ngày vợ mất tích, ông Kiều một mình chăm sóc 6 người con, chịu cảnh "gà trống nuôi con" vất vả và khó khăn. Gia đình ông từ hộ khá giả của xã, dần trở thành nghèo nhất thôn.
Tuổi thơ của Alina không có gì ngoài những lời trêu đùa vô tư của lũ trẻ trong xóm. Những lời nói tưởng như vô tri lại ám ảnh cô đến tận bây giờ, "thỉnh thoảng kéo đến trong giấc mơ và văng vẳng bên tai không ngừng".
Chị đã khóc rất nhiều vì cảm thấy tủi thân khi ai đó nhắc về mẹ hoặc ngay cả khi nhìn thấy bạn bè được mẹ yêu thương trước mặt.
"May mắn 6 anh chị em chúng tôi có bà nội tuyệt vời. Bà đã giúp đỡ bố rất nhiều để các con đủ ăn, đủ mặc và được học hành đầy đủ", Alina nhớ lại.
Gia đình nhiều lần mai mối, giới thiệu những người phụ nữ khác nhau, nhưng ông Kiều đều từ chối.
"Tôi chưa bao giờ từ bỏ tìm kiếm vợ mình", ông nói, dù 30 năm qua vẫn không có thông tin gì về bà Nga.
Một lãnh đạo UBND xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) xác nhận vợ ông Kiều mất tích gần 30 năm qua, đến nay chưa có tin tức gì.
Đôi khi đọc những thông tin người Việt tìm được gia đình sau nhiều năm thất lạc ở Trung Quốc, con gái út lại nuôi hy vọng. Alina đăng bài lên mạng xã hội, chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn, miễn có được bất cứ thông tin nào về mẹ.
Ký ức của chị về mẹ mơ hồ như một dấu chấm hỏi, không biết bà còn sống hay đã mất.
Có những giây phút thoáng qua trong thời thơ ấu, chị đã nhiều lần tự hỏi tại sao mẹ lại rời bỏ những đứa con bé bỏng, kèm một chút tâm trạng oán trách. Nhưng khi trưởng thành, chị nhận ra ai cũng có nỗi khổ của riêng mình, lại hy vọng sẽ biết được bà đang ở đâu.
"Nếu mẹ đã có gia đình mới và sống hạnh phúc ở đâu đó, tôi rất mừng và an tâm. Còn nếu mẹ đã không còn nữa, chúng tôi muốn lập ban thờ để hương khói của mẹ có nơi đi chốn về", Alina tâm sự.
Người con tự hỏi bản thân nếu sau này gặp mẹ, chị sẽ nói gì đầu tiên. "Đến giờ, tôi vẫn chưa biết nói gì, nhưng chắc chắn sẽ không phải những lời trách móc", chị chia sẻ.
Nếu có thông tin về bà Nguyễn Thị Nga, quý độc giả có thể phản hồi theo đường dây nóng báo Dân trí: 0973567567 (Hà Nội) hoặc 0974567567 (TPHCM).
Email: info@dantri.com.vn.
Hoặc số điện thoại tại Việt Nam của chị Alina Mai: 0898051222.
Ảnh: Nhân vật cung cấp