Vĩnh Phúc: Đàn lợn nghìn con lên đê chạy lũ, chen chúc dưới mương nước

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Đàn lợn số lượng lớn chen chúc dưới mương nước, tràn hết lên mặt đường. Cảnh tượng nhốn nháo gây khó khăn cho những người di chuyển xe máy, vô tình tạo ra tình huống dở khóc dở cười.

Bão số 3 và mưa lũ diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến những người làm nông nghiệp. Ở các khu vực ven sông Hồng, sông Lô, sông Tích… nhiều hộ gia đình đã kết hợp chăn nuôi, trồng trọt trong những trang trại quy mô lớn.

Số lượng gia cầm, gia súc ở mỗi gia đình lên tới hàng nghìn con. Khi nước lũ dâng cao, họ phải tìm mọi cách di dời đàn gia súc, gia cầm, giảm thiểu thiệt hại. Chạy lũ trong tình trạng cấp bách, nhiều người phải huy động họ hàng, bạn bè, chính quyền địa phương hỗ trợ.

Trên trang Facebook cá nhân, anh Phạm Văn Tuấn (xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh "giải cứu" đàn lợn trong lũ dữ.

Vĩnh Phúc: Đàn lợn nghìn con lên đê chạy lũ, chen chúc dưới mương nước - 1

Hình ảnh đàn lợn chạy lũ khi trang trại bị ngập được anh Tuấn ghi lại (Ảnh: Phạm Văn Tuấn).

Hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, một đàn lợn số lượng lớn chen chúc dưới mương nước, tràn hết lên mặt đường.

Cảnh tượng nhốn nháo gây khó khăn cho những người di chuyển xe máy, một số người phải dừng lại hoặc tìm cách luồn lách qua đoạn đường khá dài kín đặc lợn chạy lũ. Việc chạy lợn trong bão lũ vô tình tạo ra tình huống dở khóc dở cười khiến nhiều người thương cảm.

Anh Tuấn cho biết, clip được quay ngày 10/9, thời điểm nước sông Lô dâng cao khiến nhiều nhà cửa, ruộng vườn bị ngập. Thời điểm đó, người bạn thân ở xã Đôn Nhân, sống cách nhà anh 1km đã nhờ anh đến di chuyển giúp đàn lợn lên đường để bán vội cho thương lái.

"Nhà bạn tôi nuôi hơn 1.300 con lợn. Nước sông Lô dâng cao, mưa lớn nhiều ngày không ngừng. Chuồng trại ngập tới đầu gối, lợn cứ phải nghếch cổ lên để thở. Lo ngại đàn lợn sẽ chết chìm, mất trắng tài sản, bạn tôi quyết định bán gấp", anh Tuấn kể.

Vì bán lợn chạy lũ nên mọi việc cũng vất vả hơn ngày thường. Anh Tuấn cùng gần 20 người bạn khác và rất đông hàng xóm, lực lượng của địa phương đã có mặt để hỗ trợ chủ trại lùa đàn lợn lên đường chờ thương lái tới thu mua.

Đàn lợn trải dài đoạn đường, chen chúc xuống dưới mương nằm không chịu lên khiến quá trình làm việc càng thêm vất cả.

Theo anh Tuấn, đa phần các con lợn có trọng lượng trung bình từ 115-120kg. Bạn anh Tuấn dự định bán trong thời gian tới nhưng vì xảy ra ngập lụt nên phải chấp nhận xuất chuồng trước thời gian đã định.

Anh Tuấn cũng nuôi lợn nhưng là dòng lợn rừng, trang trại ở trên đồi nên may mắn không bị ngập. Thấy bạn chịu thiệt hại do ảnh hưởng của bão lũ, anh Tuấn cũng chỉ biết cố gắng hỗ trợ hết sức suốt từ sáng đến trưa.

Theo anh Tuấn, ngày đầu, giá bán lợn hơi vẫn còn giữ được mức giá 66.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ngày sau đó, do tình hình "ép giá" chung, người bạn chỉ bán được giá 60.000 đồng/kg. Với những con lợn có trọng lượng nhỏ hơn thì phải chấp nhận mức giá rẻ.  

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Tất, Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, nước dâng cao tại sông Lô khiến nhiều cơ sở chăn nuôi trong xã bị ngập, nước tràn vào nhà, chuồng trại.

Xã đã cắt cử lực lượng hỗ trợ người dân vận chuyển vật nuôi đến vùng an toàn. Một số hộ lo ngại đàn lợn bị ảnh hưởng nên đã bán cho thương lái ngay khi vừa chạy đàn lợn khỏi vùng bị ngập.

"Những ngày vừa qua, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng công an và các tổ đảm bảo an ninh cơ sở đồng hành cùng người dân, đặc biệt là những gia đình sinh sống ở vùng trũng", ông Tất nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân, đến sáng 12/9, nước đã rút khoảng 1m. Chính quyền địa phương và người dân đang tích cực khắc phục hậu quả thiệt hại sau khi nước rút.

"Tuy nhiên, diễn biến thời tiết rất khó lường và khả năng vẫn có nước đổ về từ thượng nguồn. Vì vậy, chúng tôi vẫn tích cực tuyên truyền công tác phòng chống cứu hạn cứu hộ, khi nước dâng cao có biểu hiện ngập, người dân cần di chuyển, tài sản, đồ đạc lên khu vực cao", ông Tất nói.