Viết văn bằng… mắt!

(Dân trí) - Hơn cả chuyện viết văn mà như “máu chảy từ ngòi bút”, câu chuyện về Jean-Dominique Bauby viết văn bằng… mắt đã làm rung động trái tim của hàng triệu người đọc như một tấm gương nghị lực phi thường.

Jean-Dominique Bauby sinh năm 1952, giữ chức tổng biên tập tạp chí phụ nữ Elle cho đến ngày ông bị một biến cố về mạch máu ở tuổi 43. Ngày 8/12/1995, căn bệnh đã làm ông hôn mê rất nặng. Khi tỉnh lại 20 ngày sau đó, các chức năng vận động của ông đều đã bị liệt. Ông không thể động đậy, ăn uống hay hít thở mà không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cả cơ thể bất động này chỉ còn một con mắt trái nhúc nhích mà thôi.

Nhưng chính con mắt đó là sợi dây liên hệ giữa ông và thế giới bên ngoài, với cuộc sống. Ông nháy mắt một lần để nói phải và hai lần để nói không. Với con mắt của mình, ông đã lưu ý người đối thoại về những chữ của bảng chữ cái mà người ta đọc cho ông và bằng cách ấy lập ra các từ, các câu viết thành cả trang sách. 

 

Trong thời gian 2 tháng (7 và 8/1996), ông đã viết tác phẩm mang tên “The Diving Bell and the Butterfly” (Tạm dịch: "Chiếc áo lặn và con bướm"). Trong nhiều tuần, mỗi buổi sáng, ông ghi nhớ và sửa lỗi những trang sách đã viết. Phải mất hơn 200.000 lần nháy mắt và mỗi từ tốn khoảng 2 phút để viết để hoàn thành nên cuốn sách. Cuốn sách mô tả cuộc sống của ông ở bệnh viện thuộc khu nghỉ dưỡng Berck Plage, miền Bắc nước Pháp, mối quan hệ của ông với những người xung quanh, những cuộc viếng thăm của vợ con ông, những buổi làm việc với bà Claude để hoàn thành tác phẩm độc nhất vô nhị này.

 

Tác phẩm “Chiếc áo lặn và con bướm” đã làm sửng sốt mọi người. Người Pháp tự hào về một người đã viết văn bằng mắt và câu chuyện trên là đề tài nóng bỏng trong làng báo, trong giới điện ảnh và nhất là trong các quán cà phê. Sau cùng người ta đặt vấn đề với nhà làm phim danh tiếng Beinex. Nhà làm phim lừng danh này đã nhận xét rằng chính sự thông minh của Bauby đã xóa nhòa bệnh tật mà ông phải gánh chịu. 

 

Một thước phim dài 25 phút về quá trình làm việc của Bauby và Claude đã được quay tại bệnh viện và trình chiếu trước công chúng và làm rung động con tim của hàng triệu khán giả. Nghị lực phi thường đã giúp một con người mắc bệnh hiểm nghèo làm nên điều kỳ diệu này. 

 

Sau khi được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 6/3/1997, tác phẩm nhận được vô số lời khen ngợi của các nhà phê bình danh tiếng và đã bán được 150.000 bản ngay trong tuần đầu tiên. Nó đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất châu Âu. Có thể nói đây là tác phẩm đặc biệt nhất của thế kỷ và là bài học về nghị lực cho nhân loại nói chung.

 

Jean-Dominique Bauby qua đời vào ngày 9/3/1997 vì bệnh viêm phổi. Ông được chôn cất tại nghĩa trang Père-Lachaise, một trong những nghĩa trang nổi tiếng thế giới nằm ở Paris, Pháp. 

 

Vào năm 2007, mười năm sau khi Jean-Dominique Bauby qua đời, Julian Schnabel, một đạo diễn nổi tiếng người Mỹ đã làm bộ phim "Chiếc áo lặn và con bướm" dựa theo cuốn sách của Jean-Dominique Bauby. Bộ phim này đã giành 1 giải cho đạo diễn xuất sắc nhất tại liên hoan phim quốc tế Cannes, được 1 đề cử Quả cầu vàng và 1 đề cử Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất.

 

Tuấn Nguyễn

Tổng hợp