Viên ngọc trai cổ nhất thế giới trưng bày tại Abu Dhabi

(Dân trí) - Viên ngọc được biết đến là lâu đời nhất thế giới dự kiến ​​sẽ được trưng bày tại bảo tàng Louvre Abu Dhabi (các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) trong tháng này. Đây là lần đầu tiên viên ngọc trai xuất hiện trước công chúng kể từ khi người ta phát hiện ra nó.

Viên ngọc trai cổ nhất thế giới trưng bày tại Abu Dhabi - 1

Viên ngọc trai cổ nhất thế giới sắp được trưng bày tại triển lãm trong bảo tàng Louvre, Abu Dhabi

Viên ngọc 8.000 năm tuổi được phát hiện tại một địa điểm khảo cổ trên đảo Marawah, ngoài khơi bờ biển Abu Dhabi, theo Bộ Văn hóa và Du lịch của tiểu vương quốc (DCT).

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra viên ngọc trai trong căn phòng của một cấu trúc mà họ đang khai quật - DCT cho biết thông qua một video được đăng lên tài khoản Twitter chính thức của Bộ vào Chủ nhật. 

Sau đó, các nhà khảo cổ đã sử dụng carbon phóng xạ để xác định rằng nó hình thành khoảng giữa năm 5800 và 5600 trước Công nguyên, khiến nó trở thành viên ngọc lâu đời nhất từng được phát hiện.

Viên ngọc, được phát hiện vào năm 2017, có đường kính chưa đến 1/3 cm và nhìn trong ảnh có màu hồng nhạt. Viên ngọc được sắp đặt ra mắt trong buổi triển lãm sắp tới tại bảo tàng Louvre Abu Dhabi có tên "10.000 năm xa xỉ", mở cửa vào ngày 30 tháng 10. 

Viên ngọc trai cổ nhất thế giới trưng bày tại Abu Dhabi - 2

Viên ngọc có đường kính khoảng 1/3 cm

Sự xuất hiện của ngọc trai tại các địa điểm khảo cổ là bằng chứng cho thấy việc buôn bán ngọc trai tồn tại ít nhất là từ thời kỳ đồ đá mới", giám đốc Cơ quan Khảo sát Khảo cổ của DCT, Abdulla Khalfan Al-Kaabi, cho biết trong video. 

Các nguồn và văn bản lịch sử khác cho thấy Abu Dhabi được biết đến rộng rãi với ngọc trai, và là một trung tâm buôn bán ngọc trai lớn vào thế kỷ 16. Theo thông cáo báo chí của DCT, thương nhân trang sức người Venice - Gasparo Balbi - đã đi qua khu vực này vào thế kỷ 16, và từng đề cập đến các hòn đảo ngoài khơi bờ biển Abu Dhabi như một nguồn ngọc trai.

Các nhà khảo cổ tại khu vực cũng phát hiện ra những cổ vật được tạo ra bằng cách sử dụng xương của các sinh vật biển như cá và rùa. Đại dương có khả năng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở các cộng đồng cổ đại của khu vực, theo Al-Kaabi. Cũng theo ông, ngọc trai có thể đã được sử dụng để trao đổi với các nền văn minh khác.

Chủ tịch DCT Mohamed Khalifa Al Mubarak cho biết: "Ngọc trai Abu Dhabi là một phát hiện choáng váng, minh chứng cho nguồn gốc cổ xưa của sự gắn kết của chúng tôi với biển. Việc phát hiện ra viên ngọc lâu đời nhất trên thế giới ở Abu Dhabi cho thấy rõ ràng rằng, rất nhiều lịch sử kinh tế và văn hóa gần đây của chúng ta có nguồn gốc sâu xa kéo dài từ buổi bình minh của thời tiền sử".

Ngọc trai có thể đã từng được sử dụng làm đồ trang sức và được coi là mặt hàng xa xỉ, theo truyền thông đưa tin. 

Ngọc trai cũng từng là xương sống của nền kinh tế khu vực. Theo DCT, các đoàn săn ngọc sẽ dành những tháng mùa hè để chèo thuyền đến khu vực nhiều trai trong Vịnh Ba Tư nông và ấm áp. Họ sẽ lặn tìm trai sau đó đập vỡ vỏ của chúng để có được những viên ngọc hình thành tự nhiên bên trong.

Ngành công nghiệp ngọc trai của khu vực đã suy giảm vào đầu những năm 1900, khi những người nuôi trai Nhật Bản phát triển các kỹ thuật mới để nuôi cấy những viên ngọc trai tròn, hoàn hảo. 

Ngày nay, hoạt động lặn tìm ngọc trai đã biến mất ở Abu Dhabi, mặc dù các công viên giải trí và các công ty du lịch tiếp tục đưa hoạt động này vào như một chương trình cho du khách.

Huyền Anh

Theo MSN/DM