"Việc nhà của ai" và thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới
(Dân trí) - Hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, chiều 29/11, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức tọa đàm "Việc nhà của ai".
Đây là một hoạt động thuộc dự án "Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam", được Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) tài trợ.
Theo ban tổ chức, thông thường việc nhà được chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, thói quen làm việc nhà cũng phụ thuộc vào môi trường văn hóa, giáo dục của từng quốc gia, khu vực.
Gia đình có thể áp đặt các vai trò cụ thể cho từng người hoặc thực hiện theo sự thỏa thuận và sự đồng thuận từ các thành viên.
Trong nhiều trường hợp, cả nam và nữ đều tham gia vào công việc nhà nhưng cũng có những quan điểm cho rằng việc nhà là trách nhiệm của nữ giới. Ngày nay, xu hướng việc nhà là sẻ chia đang lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Tại chương trình, nhiều sinh viên bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề làm việc nhà.
Hầu hết các bạn đều cho rằng, công việc nhà cần được chia sẻ để cả hai phái nam và nữ cùng thực hiện.
Thậm chí, một số nam sinh cho rằng, với lợi thế về sức khỏe, các bạn sẵn sàng gánh vác hết công việc nhà để những người phụ nữ trong gia đình có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, sức khỏe cho bản thân.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, các khách mời đã cùng nhau nêu quan điểm của mình về vấn đề sẻ chia việc nhà.
Quan niệm đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm; người đàn ông là trụ cột gia đình…, lần lượt được đề cập với sự phân tích sâu sắc về tính chất thời điểm, vai trò của từng phái trong gia đình.
Với kiến thức, kỹ năng cùng sự trải nghiệm, mỗi khách mời đã mang đến những câu chuyện thực tế lồng ghép quan điểm, suy nghĩ của mình về những áp lực của xã hội, áp lực của gia đình đối với từng thành viên khi phân chia công việc nhà.
Lợi ích khi làm việc nhà như: giải tỏa căng thẳng, nhân đôi niềm vui, giảm bớt áp lực, giáo dục con cái…, cũng được các khách mời chia sẻ bằng những ví dụ cụ thể.
Theo TS Nguyễn Đức Toàn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam thông qua việc tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới, hướng tới bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống là một trong những mục tiêu quan trọng.
Để thái độ, hành vi về giới gắn với thực hành, mọi người cần được thông tin và truyền cảm hứng. Hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam không thể giúp người dân thay đổi quan niệm ngay trong một sớm một chiều, do vậy bản thân mỗi người cần tự ý thức về những suy nghĩ, hành vi hướng tới cân bằng giới.
Về điều này, ông Đào Ngọc Ninh, Phó viện trưởng Viện tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) cho biết, với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam thông qua việc tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.
Dự án thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam năm 2023 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ trong đó có sinh viên.
Truyền thống giáo dục trong gia đình thường ăn sâu vào thói quen, nếp nghĩ của mỗi thành viên tạo nên quan niệm về vấn đề việc nhà.
Tại Việt Nam, truyền thống văn hóa Á Đông ảnh hưởng rõ đến quan niệm về việc nhà, việc nội trợ của phụ nữ.
Theo báo cáo "giới và thị trường lao động ở Việt Nam, phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động - việc làm", được Tổ chức lao động thế giới (ILO) công bố tháng 3/2021 cũng chỉ ra kết quả tương tự.
Báo cáo chỉ ra, những công việc như: dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình…, trung bình chiếm 20,2 giờ/tuần của phụ nữ Việt Nam.
Số liệu trên cho thấy sự mất cân bằng trong vấn đề sẻ chia việc nhà và vai trò của thanh niên, những người trẻ sắp, đang và sẽ bước vào cuộc sống hôn nhân là rất quan trọng.
Do đó, chương trình "Việc nhà của ai" là cơ hội để các bạn cùng sẻ chia quan điểm và cũng học cách sẻ chia việc nhà với những người thân trong gia đình.