Vì sao khó xử lý tội xâm hại tình dục trẻ em?

(Dân trí) - PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn – Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và Điều tra tội phạm, Viện Khoa học Cảnh sát cho rằng, trong các vụ án xâm hại tình dục khó nhất là tìm được bằng chứng trực tiếp buộc tội bởi nhiều nạn nhân và gia đình bị hại chưa có kỹ năng phát hiện, bảo vệ chứng cứ hiện trường.

Nhiều bị hại chưa có kỹ năng thu thập bằng chứng

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện như vụ: em bé 8 tuổi ở Hoàng Mai, cháu bé lớp 1 ở Tp HCM hay vụ xâm hại ở Vũng Tàu… Bản thân ông có suy nghĩ gì về vấn nạn này?

Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai đọc được những thôn tin này cũng cảm thấy vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Đây là một hiện tượng suy thoái về đạo đức, rối loạn về nhân cách và sự lệch lạc trong nhận thức. Dưới tác động của văn hóa đa chiều, ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội, trào lưu văn hóa không lành mạnh… đã làm biến đổi, lệch chuẩn về mặt giá trị sống. Những căn bệnh được gọi là biến thái về mặt nhận thức, về mặt tư duy, về mặt tâm sinh lý... có điều kiện được bộc lộ.

Một nhóm người nào đó trở nên bệnh hoạn hơn, đòi hưởng thụ nhiều hơn, thích thỏa mãn các nhu cầu khác lạ, thích thể hiện các nhu cầu bản thân một cách tự do hơn, cho nên các đối tượng này có xu hướng muốn thực hiện hành vi phạm tội đó. Đây là một vấn nạn nhức nhối không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Chúng ta cần phải lên tiếng, cảnh báo với tất cả mọi người để đảm bảo sự an toàn, nhân phẩm danh dự cho các em đồng thời cũng góp phần đấu tranh chống tội phạm.

Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện và xử lý kịp thời nhưng cũng không ít trường hợp, gia đình nạn nhân phải theo đuổi hành trình đòi lại công lý cho con trong một thời gian dài. Theo ông, cái khó trong những vụ án điều tra về xâm hại tình dục trẻ em hiện nay là gì?

Cái khó nhất là tìm được chứng cứ trực tiếp, buộc tội được tội phạm. Bởi theo nguyên tắc, chúng ta chỉ có thể buộc tội một con người phạm tội khi có đủ chứng cứ pháp lý, chứng cứ khoa học. Tuy nhiên, trong những vụ án xâm hại thì việc thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, bản thân các cháu còn rất nhỏ không có kỹ năng để phát hiện, bảo vệ những chứng cứ mà kẻ phạm tội đã thực hiện. Thứ hai, người thân và cha mẹ của các em cũng không có biện pháp, cách thức để bảo vệ cũng như cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra.

PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết khó khăn trong việc tìm chứng cứ trực tiếp buộc tội tội phạm chính là nguyên nhân khiến nhiều vụ điều tra xâm hại tình dục trẻ kéo dài. (Ảnh: NVCC)
PGS.TS, Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết khó khăn trong việc tìm chứng cứ trực tiếp buộc tội tội phạm chính là nguyên nhân khiến nhiều vụ điều tra xâm hại tình dục trẻ kéo dài. (Ảnh: NVCC)

Nhiều trường hợp, vụ việc xảy ra được 2-3 ngày thậm chí cả tháng sau các cháu mới nói cho bố mẹ biết. Hoặc nhiều bậc phụ huynh khi phát hiện sự việc con bị xâm hại lại đi tắm rửa, giặt quần áo cho con rồi mới đi trình báo. Như vậy, điều kiện để các cơ quan điều tra thu được các dấu vết, vật chứng gây án như: lông, tóc, tinh dịch, mồ hôi hoặc những vật dụng đối tượng để lại hiện trường như: giày dép, quần áo, mũ, bật lửa; hoặc các dấu vết, tài liệu chứng minh đối tượng đã xuất hiện ở hiện trường… đã bị tiêu hủy, xáo trộn.

Thứ ba, đặc điểm tâm lý của trẻ em là không ổn định. Lời khai của các em chỉ mang tính tham khảo chứ không phải là căn cứ để kết tội một ai được. Kể cả khi nạn nhân được đưa đi giám định, khám bệnh thì kết quả này cũng chỉ để xem xét làm căn cứ chứ không thể bằng chứng kết tội được…

Cho nên khi xảy ra vụ việc cha mẹ các em cần phải tìm cách bảo vệ hiện trường, bảo vệ các tang chứng, vật chứng, dấu vết có thể liên quan đến các hành vi phạm tội. Sau đó, thu thập các thông tin về thời gian, địa điểm, nhân chứng… để cung cấp cho cơ quan điều tra để có căn cứ trong việc đấu tranh với tội phạm. Các cha mẹ cũng cần phải bình tĩnh động viên các cháu kể lại sự việc.Tránh tình trạng vì bức xúc mà đưa đến thông tin sai lệch, thổi phồng sự việc gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Ở nhiều nước trên thế giới người ta quy định hành vi này rất rõ ràng. Ví dụ như: chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm, rủ xem phim sex hoặc chạm vào vùng kín không được phép đã đủ cấu thành tội. Còn ở Việt Nam trong nhiều vụ án các cơ quan chức năng lại đòi hỏi yêu cầu vật chứng trên cơ thể nạn nhân, điều này phải chăng là nguyên nhân gây ra khó khăn trong các vụ án điều tra về xâm hại tình dục trẻ, thưa ông?

Hiện nay, luật pháp ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau. Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em khác với luật Hình sự. Tôi phải khẳng định rằng, những tội danh liên quan đến việc xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam có hình phạt rất nghiêm khắc (phạt tù có thời hạn với mức án cao, tù chung thân, tử hình….), với những qui định về mức hình phạt nặng hơn so với qui định của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tuy nhiên, việc cụ thể hóa hành vi để chứng minh đó là tội phạm thì hiện nay ở nước ta còn chưa cụ thể, chi tiết nhưng điều quan trọng là căn cứ để chứng minh tội phạm không hề đơn giản và luôn gặp khó khăn. Ví dụ, một đối tượng lợi dụng thay quần áo cho trẻ em trong một vài giây để chạm tay vào vùng kín của trẻ. Nếu đặt vấn đề truy tố hành vi này thì phải chứng minh và có căn cứ để buộc tội. Nếu không có hình ảnh, video, nhân chứng… chứng kiến sự việc thì rất khó kết tội. Kể cả ở các nước tiên tiến trên thế giới cũng thế thôi, họ phải có những căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học vững chắc mới kết tội được.

Ngay từ nhỏ trẻ em cần được dạy các kỹ năng để bảo vệ mình tránh việc xâm hại tình dục. (Ảnh minh họa)
Ngay từ nhỏ trẻ em cần được dạy các kỹ năng để bảo vệ mình tránh việc xâm hại tình dục. (Ảnh minh họa)

Chúng ta cần dạy trẻ kỹ năng bảo vệ mình ngay từ nhỏ

Nhiều gia đình có con em là nạn nhân của việc xâm hại tình dục trẻ nhưng thay vì lên tiếng tố cáo họ lại im lặng hoặc thỏa thuận với hung thủ để đổi lại sự bình yên cho gia đình mình. Tại sao lại có sự nghịch lý này thưa ông?

Tôi cho rằng đây là một nguyên nhân làm cho loại tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố về phong tục tập quán, văn hóa và tâm lý, nhận thức. Nhiều gia đình sợ ảnh hưởng đến tương lai con em mình, ảnh hưởng đến danh dự của gia đình, dòng họ mà không nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ tố giác tội phạm.

Thậm chí có những gia đình, còn có ý nghĩ vụ lợi, chấp nhận “thỏa hiệp” với đối tượng gây tội ác để được hưởng sự đền bù về kinh tế. Mặt khác, cũng cần phải thấy rằng, dư luận xã hội vẫn chưa có cái nhìn cởi mở về vấn nạn này. Nhiều người thay vì cảm thông họ lại quay ra chê trách, tỏ thái độ khinh bỉ với nạn nhân. Chính những điều này đã làm cho nhiều vụ xâm hại trẻ em rơi vào quên lãng và không được xử lý nghiêm.

Ở nhiều nước trên thế giới họ có luật thiến hóa học đối với tội phạm ấu dâm để tránh việc tái phạm và gây ra những hậu quả xấu cho xã hội. Theo ông chúng ta có nên áp dụng quy định này?

Tôi cũng chưa biết cụ thể quốc gia nào áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, theo tôi đây là việc vi phạm nhân quyền. Thuyết sinh vật học tội phạm đã thể hiện tính phản khoa học khi cho rằng tội phạm là do các yếu tố sinh học nên đã có những biện pháp phòng ngừa cực đoan, xâm phạm đến quyền con người. Pháp luật ra đời là để giúp con người điều chỉnh, thay đổi nhận thức, hành vi chứ không phải là tước đi những “quyền” mà họ được hưởng. Hơn nữa, thực tiễn cũng chứng minh không phải cứ có hình phạt nhiều, hình phạt nặng thì tội phạm sẽ giảm. Điều quan trọng là sự giáo dục, thay đổi nhận thức để không còn những nhận thức, suy nghĩ lệch lạc, sai trái trong cuộc sống.

Vậy theo ông, để không còn những câu chuyện đau lòng về những em bé bị xâm hại như thời gian vừa qua, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải có các kỹ năng bảo vệ các em ngay từ nhỏ. Trong gia đình bố mẹ không nên để cho đối tượng xấu có cơ hội thực hiện hành vi của mình như: để con ở nhà mà không có người giám sát, giao con cho người lạ hoặc người không tin tưởng. Tránh cho con tiếp xúc với những người có biểu hiện bất thường như: rượu chè, nghiện ngập, hoặc thường có những biểu hiện sàm sỡ những người xung quanh… Điều này nhằm loại bỏ và hạn chế những yếu tố tạo ra cơ hội cho những đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.

Cha mẹ cũng cần dạy trẻ nhận thức được mối nguy hiểm để tự phòng vệ, tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại. Ví dụ như: dạy các con quy tắc 5 ngón tay (những ai được ngủ cùng, được thay quần áo, được ôm, được vuốt ve, được nắm tay… và không được đụng vào thân thể), quy tắc vòng tròn; các kỹ năng thoát hiểm khi có dấu hiệu bị xâm hại.

Nhà trường cũng cần có các chương trình ngoại khóa về giáo dục giới tính và trang bị các kỹ năng cần thiết để khi có đối tượng xâm hại các em có thể nhận biết, tự bảo vệ hoặc hạn chế hậu quả xấu… Khi xảy ra việc các cháu bị xâm hại, gia đình, người thân cũng cần bình tĩnh, tỉnh táo và có kỹ năng trong việc bảo vệ hiện trường, phát hiện, thu giữ các vật chứng, bảo vệ các dấu vết sinh học và các dấu vết, vật chứng khác. Cần kịp thời tố giác với cơ quan bảo vệ pháp luật với tinh thần trung thực, khách quan…

Trong môi trường xã hội ngày càng phức tạp nếu bản thân chúng ta cũng như không trang bị cho các em các kỹ năng cần thiết thì rất dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại và việc phát hiện, điều tra đưa tội phạm ra xử lý nghiêm minh sẽ gặp nhiều khó khăn!

Xin cảm ơn ông!

Hà Trang