Unilever và URENCO tiên phong triển khai hoạt động Phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội
(Dân trí) - Lần đầu tiên, Unilever Việt Nam hợp tác với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng và tiên phong thực hiện Chương trình Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và quản lý rác thải nhựa tại Thủ đô Hà Nội.
Rác thải sẽ được thu gom và xử lý theo một quy trình đồng bộ, từ đó hạn chế rác thải ra môi trường tự nhiên, loại bỏ nguồn gây ô nhiễm, giúp môi trường sống xanh sạch đẹp.
Nhận thấy phân loại rác tại nguồn chính là nút thắt quan trọng cần được tháo gỡ để thực hiện thu gom và tái chế rác thải nhựa, Unilever đã chủ động đề xuất hợp tác, và là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chung tay cùng Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) triển khai chương trình Phân loại rác tại nguồn trên toàn TP.Hà Nội trong một kế hoạch dài hạn từ nay đến hết 2025.
Theo lộ trình, Chương trình Phân loại rác tại nguồn giai đoạn I được phát động triển khai trong năm 2020 tại Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Giai đoạn II - từ 2021 đến giữa năm 2022, Chương trình sẽ được triển khai tại 4 quận nội đô. Giai đoạn III - từ 2022 đến 2025, Chương trình sẽ được triển khai trên toàn bộ 12 quận của thành phố.
Đại diện Unilever cho biết, đây là Chương trình đồng bộ hóa tất cả các khâu từ phân loại rác tại nguồn, thu gom riêng biệt, và sau đó đưa đến nhà máy để tái chế và xử lý. Cụ thể là những loại rác thải nhựa có giá trị cao sẽ được tái chế thành bao bì sản phẩm, quay trở lại phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Những loại rác thải nhựa có giá trị thấp và không có giá trị sẽ được xử lý, tái chế thành các sản phẩm khác phục vụ cho đời sống dân sinh hoặc nhiên liệu đầu vào trong quy trình sản xuất trong các nhà máy công nghiệp.
Thông qua Chương trình này, hai doanh nghiệp kỳ vọng sẽ kết nối được sự hợp tác của tất cả các bên liên quan – từ người dân, chính quyền và doanh nghiệp trong một quy trình đồng bộ thống nhất, tạo hiệu quả thực sự cho công tác phân loại rác tại nguồn và thu gom, tái chế rác, đặc biệt là rác thải nhựa.
Ông Đỗ Thái Vương - Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại Unilever Việt Nam cho biết: “Để gỡ bỏ nút thắt trong quản lý rác thải nhựa một cách bền vững, chúng tôi lập kế hoạch hành động để phối hợp chặt chẽ cùng URENCO và chính quyền địa phương, từng bước tạo lập thói quen phân loại rác tại nguồn cho người dân, giúp cho việc thu gom và tái chế rác thải nhựa được thuận lợi hơn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chúng tôi tin rằng chương trình khi được triển khai sẽ góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm trắng cho Thủ đô Hà Nội. Từ chương trình hợp tác với URENCO rất có ý nghĩa này, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình điểm và thu hút sự tham gia, chung tay từ nhiều doanh nghiệp khác cùng hợp tác với Unilever và URENCO để nhân rộng mô hình ra các tỉnh thành khác trên toàn quốc.”
Ông Nguyễn Hữu Tiến - Tổng Giám đốc URENCO chia sẻ: "Chúng tôi rất vui mừng khi doanh nghiệp lớn như Unilever Việt Nam chú trọng hợp tác với đơn vị chuyên trách như URENCO trong việc ứng dụng quy trình và công nghệ xử lý tiên tiến vào thực tế đô thị Việt Nam, đặc biệt là giải quyết bài toán xử lý rác thải nhựa.”
Được biết các cấp chính quyền quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung rất ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi để hai đơn vị nghiên cứu xây dựng và triển khai Chương trình. Theo kế hoạch, Unilever và URENCO sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nguồn. Đồng thời sẽ có lực lượng tuyên truyền viên tại từng phường, xã, tổ dân phố cùng phối hợp nhắc nhở, hỗ trợ người dân thực hiện nghiêm túc việc phân loại rác tại nguồn. Từ đó, việc phân loại rác tại nguồn sẽ được duy trì thường xuyên, nghiêm túc như một nếp sống xanh, đẹp, hiện đại của người dân Thủ đô.
Trong thời gian tới, Chương trình Phân loại rác tại nguồn gắn liền với thu gom và xử lý rác thải nhựa do Unilever và URENCO triển khai tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo ra một hình mẫu trong quản lý rác thải tại các đô thị, giảm rác thải nhựa chôn lấp trong môi trường tự nhiên, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng cho nhựa, từ đó góp phần xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách bền vững và hiệu quả.