Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam: Vì đâu tỷ lệ mắc trung bình, tỷ lệ tử vong cao?

(Dân trí) - Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung (UTCTC) bằng ⅓ Mỹ, nhưng tỷ lệ tử vong lại gấp 1,5 lần. Dưới đây là những lý giải của bác sỹ chuyên khoa về nghịch lý này.

Phải chăng tử vong cao do yếu kém về y tế và phương pháp điều trị?

Năm 2017, Việt Nam có khoảng 2.423 phụ nữ tử vong vì UTCTC, và có hơn 5.000 ca được chẩn đoán mắc mới. Tỷ lệ mắc UTCTC không cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này lại cao đến giật mình.

Theo TS. BS. Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, về mặt điều trị, những năm gần đây Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong phòng ngừa và chữa trị các bệnh ung thư, như đã có máy móc hiện đại, bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao, nếu phát hiện sớm, nhiều loại ung thư có thể chữa khỏi. Khi nhắc đến nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do UTCTC ở Việt Nam cao, Bác sĩ cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chị em phụ nữ chưa quan tâm đến việc khám phụ khoa định kỳ và sàng lọc UTCTC, cũng như chưa hiểu biết đầy đủ về việc chọn xét nghiệm sàng lọc để phát hiện nguy cơ UTCTC ngay khi chưa có tổn thương tiền ung thư.

“UTCTC hầu như không có biểu hiện và triệu chứng rõ ràng khi ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể biểu hiện mệt mỏi, quan hệ tình dục ra máu, kém ăn, sụt cân nhưng ít người nghĩ đến UTCTC và không đi khám sớm. Rất nhiều bệnh nhân nhập viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn”, TS. BS. Lê Quang Thanh cho biết thêm.

Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam: Vì đâu tỷ lệ mắc trung bình, tỷ lệ tử vong cao? - 1
Tỷ lệ tử vong vì UTCTC ở Việt Nam cao vì phụ nữ chưa có thói quen khám phụ khoa và sàng lọc định kỳ.

Với những lý do “bận rộn", “cảm thấy khoẻ mạnh, bình thường", “quan hệ tình dục an toàn, không có nguy cơ mắc bênh", nhiều phụ nữ Việt lơ là với việc khám sàng lọc, để rồi đôi khi phải nuối tiếc muôn vàn vì bỏ lỡ giai đoạn vàng trong khám, chữa bệnh.

“Mỗi ngày mình đi làm từ 9h sáng đến 7h tối, sau giờ làm thì tranh thủ nấu cơm, dọn dẹp, đến cuối tuần đôi khi cũng không có thời gian cho bản thân nên trừ việc khám sức khoẻ định kỳ theo chế độ của công ty, mình cũng không nghĩ đến việc thực hiện thêm các xét nghiệm, kiểm tra nào khác”, chị Mỹ Ngọc (36 tuổi, TPHCM) chia sẻ. Không chỉ chị Ngọc, đây cũng là suy nghĩ và thói quen sống của đa số phụ nữ Việt.

Tầm soát và phòng tránh UTCTC: Nhanh và gọn hơn nhiều người nghĩ

“Tôi nghĩ việc xét nghiệm sàng lọc UTCTC sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí rất cao”, chị Ngọc cho biết thêm về lý do không chủ động khám sàng lọc bệnh. Khác với những lầm tưởng này, việc làm các xét nghiệm sàng lọc UTCTC có thể được thực hiện ở các cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân có chuyên khoa phụ sản một cách nhanh chóng và dễ dàng với chi phí phải chăng.

Ung thư cổ tử cung tại Việt Nam: Vì đâu tỷ lệ mắc trung bình, tỷ lệ tử vong cao? - 2
Đừng xem nhẹ các biểu hiện bất thường, phụ nữ hãy định kỳ tầm soát UTCTC.

Hiểu biết rõ về các phương pháp xét nghiệm tầm soát ung thư, chị em phụ nữ mới có thể nâng cao ý thức về việc phòng ngừa UTCTC. Theo PGS. TS. Vũ Thị Nhung - Chủ tịch Hội Sản Phụ Khoa Tp. HCM, tiêm vắc xin có thể đẩy lùi 90% nguy cơ UTCTC, nhưng không phải là “lá chắn hoàn hảo" bảo vệ phụ nữ khỏi căn bệnh này. Để phát hiện sớm các nguy cơ và có kế hoạch phòng ngừa hoặc điều trị hiệu quả, phụ nữ cần làm thêm các xét nghiệm sàng lọc chuyên môn.

Hiện nay, có hai phương pháp xét nghiệm UTCTC đang được ứng dụng phổ biến là xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV DNA. PAP cho biết người phụ nữ có biến đổi tế bào cổ tử cung hay chưa, trong khi xét nghiệm HPV DNA cho biết người phụ nữ có nhiễm vi-rút HPV và nguyên nhân gây UTCTC hay không. Nếu so sánh với PAP, xét nghiệm HPV DNA được đánh giá là có độ nhạy cao hơn (92%) thậm chí, có đến 1/3 phụ nữ thực sự bị UTCTC mặc dù xét nghiệm PAP trước đó hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HPV DNA cũng được FDA công nhận là xét nghiệm đầu tay cho sàng lọc UTCTC.

“Nếu phát hiện sớm UTCTC, 9/10 phụ nữ sống trên 5 năm. Nếu phát hiện muộn, thì chỉ có 2/10 phụ nữ sống trên 5 năm. Phụ nữ cần sàng lọc định kỳ và chọn phương pháp sàng lọc tối ưu để phát hiện sớm nguy cơ UTCTC, ngay cả khi chưa có tổn thương tiền ung thư để có kế hoạch phòng ngừa và theo dõi chặt chẽ”, BS. Lê Quang Thanh nhấn mạnh.

Tìm hiểu thêm về UTCTC và phương pháp xét nghiệm HPV DNA tại: http://bit.ly/UnGtHuCtc