Tỷ phú 8X lập nghiệp từ chiếc xe đạp điện và mối tình xuyên biên giới
Chỉ trong vòng 6 năm, từ cử nhân “tay trắng”, đến nay Hoàng Văn Tuyến đang có một gia đình hạnh phúc với người vợ Trung Quốc và có trong tay khối tài sản cả trăm tỷ đồng…
Chàng cử nhân "nhìn đâu cũng thấy tiền"
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng khi mới tốt nghiệp Đại học sư phạm Quế Lâm, Quảng Tây (Trung Quốc), chỉ trong gần 6 năm, Hoàng Văn Tuyến (sinh năm 1981) đã có trong tay khối tài sản mà nhiều người mơ ước: ngoài 2 xưởng gỗ lớn ở Nam Ninh trị giá cả trăm tỷ, Tuyến còn mua biệt thự ở Nha Trang, Hà Nội, Quảng Ninh… Hiện tại Tuyến còn đang đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực như: nông sản, thủy sản và cây xanh…
Trước năm 2006, Tuyến từng là sinh viên Đại học Ngoại thương, nhưng với Tuyến, học ở đó chỉ là để làm vui lòng gia đình chứ thực sự “tôi không tìm thấy niềm vui trong học tập và không xác định được định hướng tương lai”. Khi nghe tin Tuyến quyết định nghỉ học vào giữa năm thứ 3, gia đình đã rất “sốc”.
Năm 2006, Hoàng Văn Tuyến đi du học tại Đại học sư phạm Quế Lâm, Quảng Tây. Tốt nghiệp Đại học vào cuối năm 2011 thì đầu năm 2012, Hoàng Văn Tuyến quyết định sang Nam Ninh (Trung Quốc) lập nghiệp. Tất cả số tiền Tuyến có được đủ mua một chiếc xe đạp điện.
“Thời gian đầu, chưa quen biết ai và chưa định hình được làm gì, tôi cứ thế chạy xe đạp điện khắp thành phố Nam Ninh để quan sát. Một hôm, tôi tình cờ đi qua khu chợ hoa quả khi mọi người đang chuyển sang chợ mới. Tôi liền đi theo sang chợ mới và chợt nghĩ, sao mình không đem hoa quả Việt Nam sang đây để tiêu thụ”- Tuyến nhớ lại.
Sau đó, Tuyến quyết định vay vốn để gom dưa hấu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Nhưng mỗi khi hết mùa dưa hấu, Tuyến lại phải nghỉ khá dài ngày, có khi cả vài tháng trời để chờ đến vụ mới. Thấy nếu “ngồi không” như thế quá lãng phí thời gian, Tuyến nghĩ phải có phương án mới để lấp thời gian nhàn rỗi.
Hoàng Văn Tuyến lại lặn lội vào Long An, Tiền Giang để tìm hiểu về trái thanh long và tìm kiếm các mối hàng để vận chuyển thanh long sang Trung Quốc. “Tôi cầm tiền về Việt Nam đóng hàng rồi thuê xe lạnh từ Việt Nam sang cửa khẩu, từ cửa khẩu lại thuê xe về chợ Trung Quốc. Thời gian đầu chưa có nhiều mối mua hàng nên tôi bị thua lỗ khá nhiều. Một công hàng chuyển từ Việt Nam sang cả nghìn thùng thanh long mà mỗi ngày chỉ bán được hơn chục thùng, có khi cả tháng cũng chưa hết hàng. Hàng hoa quả không để lâu được nên nhiều khi phải đổ đi cả nửa công hàng hoa quả hỏng”.
Sau một thời gian, Tuyến đã có một lượng khách hàng tương đối. Một số đối tác tin tưởng cho vay tiền để làm ăn nên công việc của Tuyến thuận lợi hơn. “Ở Trung Quốc, vào mùa lạnh rất ít hoa quả, trong khi miền Nam Việt Nam lại nắng ấm nên hoa quả phong phú nên đưa các loại hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc rất phù hợp”.
Một lần, trong lúc ngồi ăn với một số đối tác người Trung Quốc, họ khen đồ gỗ Việt Nam rất đẹp và ngỏ ý muốn Tuyến đưa về Việt Nam để mua một số bộ đồ gỗ về trang trí trong nhà. Ý tưởng kinh doanh đồ gỗ lại bắt đầu lóe lên trong đầu Tuyến.
“Lúc đó tôi nghĩ, ở Việt Nam có địa chỉ đồ gỗ nổi tiếng, sao mình lại không thử sức với mặt hàng này. Tôi vay thêm tiền các bạn hàng và quay sang kinh doanh thêm mặt hàng đồ gỗ. Tôi về Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và đặt hàng các gia đình làm gỗ trong làng với nhiều mẫu mã. Sau khi vận chuyển sang Trung Quốc, tôi thuê thợ gia công lại cho phù hợp với thị hiếu của người Trung Quốc. Mặt hàng gỗ của Đồng Kỵ được người Trung Quốc khá ưa chuộng vì chủ yếu làm thủ công, khá độc đáo và không trùng với các mặt hàng sản xuất hàng loạt ở đây”.
Không chỉ dừng lại ở kinh doanh mặt hàng đồ gỗ và hoa quả, Tuyến cho biết, sắp tới sẽ đầu tư vào mặt hàng thủy sản, nhất là cá basa. “Thị trường Trung Quốc khá rộng lớn, nên có rất nhiều lợi thế để đưa các mặt hàng của Việt Nam sang. Sau khi khảo sát thị trường thủy sản, tôi thấy cá basa là một mặt hàng tiềm năng có thể tiêu thụ rất tốt ở Trung Quốc. Đặc biệt là vào mùa lạnh, người Trung Quốc rất thích loại cá này”.
… và mối tình xuyên biên giới
Để tiếp thêm động lực cho chàng cử nhân mới ra trường quyết tâm kinh doanh kể từ khi còn hai bàn tay trắng hay trong những lúc thua lỗ đến “trắng tay”, không thể không nhắc đến Tào Hy Văn-người vợ người Trung Quốc của Tuyến.
Chuyện tình của họ cũng khá đặc biệt mà theo Tuyến là duyên trời định. Hai người học cùng Đại học và nhiều lần đến trường gặp nhau thì bắt đầu để ý đến nhau. Hồi đó tiếng Trung Quốc của Tuyến cũng khá hạn chế, nhưng chàng sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm Quế Lâm vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng cô bạn người Trung Quốc. “Có lần nhắn tin cho người yêu, tôi một tay cầm điện thoại, một tay tra từ điển. Nhiều khi thông tin đến người yêu khác hẳn với những gì mình muốn nói, nhưng may là cô ấy hiểu tình cảm của tôi”.
Văn hiện đang làm trong một cơ quan hành chính tại một quận của Nam Ninh. Công việc khá bận, nhưng cô vẫn dành thời gian chăm sóc gia đình và hỗ trợ công việc của chồng. Hỗ trợ không có nghĩa là Văn can thiệp vào công việc kinh doanh của chồng, mà là cách cô quan tâm đến chồng.
Cô sẵn sàng lái xe cả ngày để dẫn những người bạn của chồng đi tham quan Trung Quốc, cô vui vẻ ngồi cùng bàn tiệc với chồng khi có công việc để chở anh về khi công việc bắt buộc Tuyến phải uống rượu… Có lần Tuyến kinh doanh bị bạn hàng lừa cả gần chục tỷ, Văn sẵn sàng vay nợ để cùng chồng khắc phục hậu quả, động viên chồng tiếp tục vượt qua khó khăn mà không một lời than vãn…
Dù sinh sống ở Trung Quốc, nhưng căn hộ Tuyến và Văn vẫn mang đậm truyền thống của Việt Nam. Hầu hết các gia đình ở Trung Quốc không lập bàn thờ, nhưng ở nhà Tuyến, bàn thờ tổ tiên được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Văn cố gắng nấu những món ăn Việt Nam mà chồng yêu thích, cô học tiếng Việt và cho 2 con cùng học để hiểu chồng và quê hương của chồng hơn…
“Tôi là con gái duy nhất trong gia đình bố mẹ tôi, nhưng bố mẹ rất tin tưởng vào tình yêu của chúng tôi, nên kể cả sau này tôi về Việt Nam ở hẳn với chồng, bố mẹ tôi cũng ủng hộ”- Tào Hy Văn tâm sự.
Văn kể, Tết nào cả gia đình cô cũng về Việt Nam ăn Tết và cô rất thích không khí ấm áp ở Việt Nam. Cả gia đình nhà chồng ai cũng yêu quý cô và cô không thấy có khoảng cách dù nhiều khi ngôn ngữ bất đồng. “Trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ lấy chồng Việt Nam. Nhưng giờ đây, tình yêu đối với chồng sẽ giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”./.
Theo VOV