Tỷ lệ nghèo khu vực vùng cao giảm còn 12%

(Dân trí) - Chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giúp giảm tỷ lệ nghèo tại 5 tỉnh vùng cao Việt Nam từ 25% năm 2007 xuống còn 10-12% hiện nay.

Đại sứ quán Đan Mạch công bố hôm nay, 16/12, là ngày kết thúc Chương trình Hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ARD SPS) với tổng kinh phí 42 triệu USD sau 6 năm thực hiện tại 5 tỉnh vùng cao ở Việt Nam.

T
Tỷ lệ nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn còn cao (Ảnh minh họa)

Dự án được triển khai theo một thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch đã giúp giảm tỷ lệ nghèo tại vùng cao Việt Nam từ trên 25% năm 2007 xuống còn khoảng 10-12% như hiện nay.

“Trên một triệu nông dân và gia đình của họ đã được hưởng lợi thông qua các hoạt động của chương trình tại 5 tỉnh, và trong tương lai người dân nông thôn sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng và các mô hình thí điểm đã được khởi xướng với sự tài trợ của chương trình”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen phát biệu tãi hội nghị tổng kết diễn ra sáng 16/12 tại Hà Nội.

Chương trình kéo dài 6 năm (2007-2013) đã được triển khai tại 5 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Đắk Lắk và Đắk Nông, đồng thời hỗ trợ cho hai cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhằm hỗ trợ đẩy mạnh giảm nghèo tại các khu vực vùng cao của Việt Nam, đặc biệt là cho các dân tộc thiểu số.

Chương trình gồm hai hợp phần: Hợp phần cấp tỉnh tập trun hỗ trợ các kế hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn tại 5 tỉnh nói trên; Hợp phần trung ương hỗ trợ nghiên cứu và chiến lược sinh kế nông thôn tại 5 tỉnh này hướng tới mục tiêu giảm nghèo.

Sau 6 năm triển khai chương trình, đến nay có ít nhất 70.000 hộ nghèo vũng cao trong các huyện được chọn của 5 tỉnh đã cải thiện tình hình an ninh lương thực và có mức thu nhập cao và ổn định hơn. Có ít nhất 50.000 hộ nghèo vùng cao đã có thu nhập cao hơn 30% từ các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm khác.

Tại Đắc Lắk và Đắk Nông, ít nhất 10.000ha đất rừng được phân bố đến các hộ nông thôn hoặc các cộng đồng và được quản lý tốt theo hệ thống pháp luật.

Chương trình đã hỗ trợ hình thành mô hình trồng mây tre đan giúp phát triển khu sản xuất mây tre đan tại xã Na Tấu (Điện Biên) với tổng diện tích 12 ha và 27 hộ tham gia, tạo thu nhập trung bình 33 triệu đồng/năm/ha.

Mô hình sản xuất thanh long đã được xây dựng tại Thanh Minh, Tà Lẻng, Noong Bua, và Thanh Trường với diện tích 4ha có sự tham gia của 30 hộ, trong đó 90% là người dân tộc thiểu số, 30-40% là hộ nghèo, 85% là phụ nữ.

Mô hình trồng chè tại các xã Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sin Thàng và Sin Chải có diện tích 4,44ha với sự tham gia của 8 hộ trong đó có 3 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 1 hộ có chủ hộ là nữ.

Mô hình trồng lúa chuyên canh cho người dân di cư lên các thôn Huối Lực, Tả Huổi Tráng có diên tích 8ha với sự tham gia của 2.140 hộm, trong đó có 40 hộ nghèo, 90 hộ cận nghèo, 100% là người dân tộc thiểu số với 30 chủ hộ là nữ. Mô hình dự kiến năng suất sẽ đạt 60 tạ/ha, tạo thu nhập khoảng 2,3 triệu đồng/hộ và giúp 40 hộ thoát nghèo.

Mô hình đào tạo liên kết trồng cà phê tại xã Mường Bảng có diện tích 2,99ha với 32 hộ tham gia, trong đó có 11 hộ nghèo, 21 hộ cận nghèo, 100% là người dân tộc thiểu số với 4 chủ hộ là nữ.

Theo kết quả khảo sát của Dự án Sinh Kế Vùng Cao do Chương trình ARD SPS tài trợ, năm 2012, 22% dân cư nông thôn bị xếp hạng nghèo theo tiêu chí mới của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Trong khi tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn vùng đồng bằng chỉ là 10% thì ở miền núi là trên 50%.
 
Các tỉnh Tây Nguyên có tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và tăng trưởng trong nông nghiệp cao hơn trung bình cả nước, tỷ lệ nghèo của người Kinh giảm từ 30% xuống còn 5%, nhưng tỷ lệ nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn từ 60%-70%. Tỷ lệ nghèo ở vùng Đông Nam Bộ là 11.9%, vùng châu thổ Sông Hồng là 13,6%, Tây Nguyên 41,6%, miền núi phía Bắc 50,4%.
 
Thảo Nguyên