Tục cúng đưa ông bà ngày mùng 3 Tết ở Huế

(Dân trí) - Sau khi mời Tổ tiên về dự ba ngày Tết với con cháu (mùng 1 đến mùng 3 Tết), mỗi người dân ở Huế lại có phong tục cáo lễ để tiễn đưa tổ tiên về với âm cảnh vào ngày mùng 3 Tết.

Tục cúng đưa ông bà ở Huế thường diễn ra vào mùng 3 Tết. Tuy nhiên tùy vào tín ngưỡng của mỗi nhà mà người ta chọn ngày tốt để cúng (thường từ mùng 4-6 Tết ). Ý nghĩa của lễ cúng này là thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà tổ tiên đã khuất.

Dân gian có mấy câu thơ:

“Mùng một Tết Cha,

Mùng hai Tết mẹ,

Mùng 3 Tết Thầy”

Thế nên theo phong tục, ông bà tổ tiên sau khi ăn Tết với con cháu xong thì được tiễn đưa về với cõi vĩnh hằng và cầu mong con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, sức khỏe trong năm mới.

Trong ngày này, mọi người thường làm mâm cơm truyền thống với nhiều món ăn như: gà luộc, bánh chưng, bánh tét, thịt kho,… lễ vật gồm có: cau trầu, rượu, giấy tiền vàng mã,… để dâng lên cúng ông bà, tổ tiên. Có người đã chuẩn bị từ những ngày trước Tết để đảm bảo mọi thứ vẫn đẩy đủ dâng lên ông bà, tổ tiên.

Tục cúng đưa ông bà ngày mùng 3 Tết ở Huế - 1

Sau khi cúng xong, gia chủ tiến hành tục “hóa vàng” (hay còn gọi là đốt vàng mã). Phần tiền vàng sẽ được hóa trước, đồ dùng của tổ tiên (như vali, dù, áo quần,…) hóa sau. Đốt xong, người ta phải đổ chén rượu vào đống tro để các cụ mang đồ đi không bị thất lạc.

Chị Nguyễn Thị Gái (đường Nhật Lệ, TP Huế) cho biết: “Năm nào cũng thế, sau ba ngày rước ông bà về nhà ăn Tết cùng gia đình thì tôi đã đi chợ từ rất sớm để nấu một mâm cơm cúng tiễn ông bà tổ tiên”.

Phong tục cúng đưa ông bà là một trong những nét đẹp truyền thống, ẩn chứa đạo lý sâu xa của dân tộc về việc giáo dục chữ Hiếu, nguồn cội cho con cháu, nhắc nhở những ai còn sống phải luôn ghi nhớ về những kỉ niệm, công đức của ông bà.

Với ước mong một năm mới an lành, gặp nhiều may mắn cho dù bình dân hay khá giả, gia đình nào cũng cố gắng sắm sửa cho nhà mình một mâm cơm cúng thật tươm tất.

Bàn cúng đưa ông bà đang được chuẩn bị
Bàn cúng đưa ông bà đang được chuẩn bị

“Hóa vàng” là một trong những phong tục quan trọng trong lễ cúng đưa ông bà nhằm gửi gắm tiền bạc, vật dụng thường ngày
“Hóa vàng” là một trong những phong tục quan trọng trong lễ cúng đưa ông bà nhằm gửi gắm tiền bạc, vật dụng thường ngày

Phần tiền vàng sẽ được hóa trước, đồ dùng của tổ tiên (như vali, dù, áo quần,…) hóa sau
Phần tiền vàng sẽ được hóa trước, đồ dùng của tổ tiên (như vali, dù, áo quần,…) hóa sau

Một người dân đang đốt vàng mã sau khi làm lễ cúng đưa ông bà
Một người dân đang đốt vàng mã sau khi làm lễ cúng đưa ông bà

Mâm cơm truyền thống trong ngày lễ cúng đưa của người Huế được chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon
Mâm cơm truyền thống trong ngày lễ cúng đưa của người Huế được chuẩn bị rất nhiều món ăn ngon

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (đường Chi Lăng, Huế) đang dọn mâm cơm cúng để cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị cho bữa trưa mùng 3 Tết Đinh Dậu
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (đường Chi Lăng, Huế) đang dọn mâm cơm cúng để cả nhà quây quần bên nhau chuẩn bị cho bữa trưa mùng 3 Tết Đinh Dậu

Nga - Nhật - Dương