Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Tự thương lượng với kẻ xấu hay báo công an?

Minh Nhân

(Dân trí) - Phụ huynh nên ứng xử thế nào trong tình huống trẻ bị bắt cóc tống tiền: Tự thương lượng với đối tượng hay báo công an?

Ngày 17/8, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Việt Trung (31 tuổi, cựu Thượng úy cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc), để điều tra về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, Trung khai nhận do nợ nần, không có khả năng chi trả nên nảy ý định trộm cắp tài sản tại các khu đô thị cao cấp ở Hà Nội.

Ngày 14/8, đối tượng điều khiển ô tô lắp biển số giả di chuyển nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên, Hà Nội). Khoảng 19h tối cùng ngày, phát hiện bé trai 7 tuổi đang đạp xe ở đường nội bộ trong dãy biệt thự, Trung mở cửa ô tô chặn lối đi.

Hắn kéo bé lên xe, buộc tay, quấn băng dính đen quanh miệng, chở qua nhiều tỉnh. Nghi phạm sau đó gọi điện yêu cầu gia đình nạn nhân đưa 15 tỷ đồng tiền chuộc.

Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Tự thương lượng với kẻ xấu hay báo công an? - 1

Nguyễn Việt Trung mở cửa ô tô chặn lối đi, bắt cóc bé trai (Ảnh cắt từ video).

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định thủ đoạn của Nguyễn Việt Trung rất tinh vi và chuyên nghiệp, thể hiện sự liều lĩnh, nguy hiểm và bất chấp để gây án. 

Hắn đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mang theo súng bắn đạn cao su, găng tay, băng dính, dây chun..., thực hiện hành vi bắt cóc với mục đích rõ ràng, ấn định số tiền chuộc không cho mặc cả, quá trình liên lạc tống tiền "bài bản".

"Đối tượng đã có thời gian khảo sát địa hình, theo dõi, tìm hiểu thông tin và lên kế hoạch từ trước. Xuất thân từ lực lượng công an, Trung có đủ nhận thức, đánh giá mức độ nguy hiểm, hậu quả hành vi, nhưng vẫn ra tay bắt cóc trẻ em, cần phải xử lý nghiêm minh", ông Tiền nói. 

Theo luật sư, trẻ em là đối tượng yếu thế, chưa hoàn thiện trí tuệ và thể chất, nên dễ trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu. 

Đặc biệt, những kẻ có mục đích bắt cóc trẻ em thường lựa chọn gia đình khá giả rồi lên kế hoạch theo dõi, nắm bắt thói quen sinh hoạt, hành trình di chuyển của các thành viên. 

Sau đó, đối tượng chờ thời cơ bố mẹ buông lỏng, không theo dõi con, để thực hiện hành vi phạm tội. 

Ông Tiền cho biết thủ đoạn bắt cóc tống tiền ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp và nguy hiểm. Trẻ thường dễ dàng bị dụ dỗ bằng đồ ăn (bánh, kẹo…), rủ đi chơi, đi công viên,... hoặc lợi dụng lòng tốt giúp đỡ người khác (nhờ trẻ xách đồ, giả vờ đi lạc hỏi đường).

Để phòng tránh các vụ việc tương tự, luật sư khuyến cáo phụ huynh có biện pháp bảo vệ, không để trẻ vui chơi "ngoài tầm mắt mình".

Ngoài ra, bố mẹ cần dạy con các kỹ năng xử lý khi gặp người lạ, như từ chối, không nhận bất kỳ món quà nào, dạy con cách gọi bố mẹ, nhờ sự giúp đỡ của người quen để tránh bị người lạ dụ dỗ. Khi bị người lạ tiếp cận, trẻ cần kêu khóc thật to để người xung quanh biết và giúp đỡ.

"Dạy con nhớ số điện thoại của bố mẹ cũng là điều quan trọng", ông Tiền nói. 

Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Tự thương lượng với kẻ xấu hay báo công an? - 2

Gần 200 cảnh sát vây bắt kẻ bắt cóc bé trai 7 tuổi (Ảnh: Hải Nam).

Nếu không may trẻ bị bắt cóc, luật sư khuyến cáo phụ huynh cần bình tĩnh, trình báo ngay với cơ quan công an để kịp thời phối hợp giải quyết. Việc gia đình nêu chính xác diễn biến sự việc sẽ giúp lực lượng chức năng nắm rõ tình hình và hoạch định phương án. 

Bố mẹ cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin của con như đặc điểm nhận dạng (độ tuổi, giới tính, chiều cao, quần áo,…) cũng như thời gian, địa điểm trẻ bị bắt cóc.

Gia đình có thể nhờ các hộ dân xung quanh trích xuất camera nhà riêng và hệ thống camera an ninh quanh khu vực để khoanh vùng đối tượng.

Nếu nhận được điện thoại của các đối tượng, bố mẹ nên ghi âm cuộc gọi, rồi thông báo với lực lượng chức năng. 

"Phụ huynh cần tích cực phối hợp với công an, tuyệt đối không tự thương lượng với đối tượng, không tự ý làm những việc ngoài kế hoạch, tránh hậu quả khôn lường", luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh. 

Trước đó, tại hội nghị thông tin báo chí chiều 15/8, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, chuyên án thành công, ngoài sự mưu trí, quyết liệt và chủ động của lực lượng công an, còn có sự bình tĩnh, tin tưởng tuyệt đối của bố mẹ bé trai 7 tuổi.

"Bố mẹ tin tưởng, làm theo hướng dẫn của lực lượng công an, đã giúp giải cứu cháu bé an toàn trong thời gian nhanh nhất", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên cho hay, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trang bị các kỹ năng sống cho trẻ em.

Đồng thời, quận sẽ rà soát lắp đặt thêm camera an ninh tại các tuyến phố, lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đến từng người dân, từng khu phố.

"Đó là việc làm hiệu quả, thiết thực chung tay với lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn quận nói riêng và toàn thành phố nói chung", ông Hà nhấn mạnh. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm