Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ nguyên tắc tuyệt đối phải nhớ

Minh Nhân

(Dân trí) - Trong quá trình di chuyển, Trung mua bánh mì nhưng bé trai không ăn vì sợ bị tẩm độc. Khi khát nước, đứa trẻ xin kẻ bắt cóc uống nước nhưng hắn không đồng ý.

Bé trai không ăn bánh mì của kẻ bắt cóc vì sợ tẩm độc

Chiều 15/8, Công an TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi đòi tiền chuộc 15 tỷ đồng, xảy ra tại phường Việt Hưng (quận Long Biên). 

Theo đó, chiều tối 14/8, Nguyễn Đức Trung (31 tuổi, quê Vĩnh Phúc) điều khiển xe Kia Morning đi nhiều vòng quanh khu đô thị Việt Hưng ý định trộm cắp tài sản. 

Phát hiện bé trai 7 tuổi đang đạp xe ở đường nội bộ trong dãy biệt thự, Trung mở cửa ô tô chặn lối đi. Hắn kéo bé lên xe, buộc tay, quấn băng dính đen quanh miệng, chở qua nhiều tỉnh. Nghi phạm sau đó gọi điện yêu cầu gia đình nạn nhân đưa 15 tỷ đồng tiền chuộc.

Trong quá trình di chuyển, Trung mua bánh mì nhưng bé trai không ăn vì sợ bị tẩm độc. Khi khát nước, đứa trẻ xin kẻ bắt cóc uống nước nhưng hắn không đồng ý. 

"Tôi hỏi con tại sao không ăn bánh mì lại dám uống nước, con nói nhìn thấy chú ấy uống được thì mình cũng uống được", anh Nguyễn Xuân Chiến (bố cháu bé) kể.

Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ nguyên tắc tuyệt đối phải nhớ - 1

Bé trai 7 tuổi và bố (Ảnh: Hải Nam).

Chia sẻ về việc dạy kỹ năng mềm cho con, anh Chiến cho biết, từ khi con trai biết nói, gia đình đã dạy con bắt buộc nhớ số điện thoại bố mẹ, học cách tự lập, gặp người lạ phải có phương án đề phòng. 

Đứa trẻ cũng kể lại lúc trên xe rất sợ hãi, song không muốn kẻ bắt cóc bị kích động hay bực tức nên chỉ ngồi im. 

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhận định, việc cháu bé sợ bị đầu độc nên không ăn bánh mì, chỉ uống nước vì cho rằng đối tượng cũng uống nên an toàn, là điều đáng khen ngợi. 

"Đây là suy nghĩ khá ngây thơ nhưng cũng là kỹ năng của trẻ em để đảm bảo an toàn", ông Cường nói. 

Theo ông Cường, trong hoàn cảnh bị bắt cóc và ở độ tuổi lên 7, đứa trẻ đã nhận thức được nguy hiểm rình rập, có thể bị sát hại hoặc đầu độc, nên bản năng sinh tồn giúp trẻ cảnh giác hơn. 

Luật sư đánh giá sự bình tĩnh, ngoan ngoãn nghe lời đối tượng và chờ cơ hội được giải cứu là một trong những kỹ năng tốt. Bé trai đã chọn cách ngồi im, không kích động đối tượng. 

Nếu trẻ phản kháng hoặc có những hành vi ứng xử không phù hợp, thì rất dễ gặp nguy hiểm sức khỏe, thậm chí tính mạng. 

"Cháu bé thông minh, bình tĩnh và xử trí phù hợp. Trung tỏ ra yên tâm vì đã khống chế được nạn nhân, nên không làm hại cháu trong hơn 10 tiếng bắt cóc", ông Cường phân tích. 

Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ nguyên tắc tuyệt đối phải nhớ - 2

Khoảnh khắc Nguyễn Đức Trung khống chế, bắt cóc cháu bé (Ảnh cắt từ video).

PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng đây là hành động tự phát của trẻ, vì sợ hãi không dám ăn bánh mì của người lạ. Nhưng nếu đói hoặc mệt, trẻ dễ dàng "đầu hàng", sử dụng bất kỳ thức ăn, nước uống mà đối tượng cung cấp. 

Theo ông Nam, trong chương trình tiểu học, trẻ đã được giới thiệu những kỹ năng cơ bản, trong số đó là kỹ năng phòng, chống bắt cóc. Tuy nhiên, đây là những kiến thức lý thuyết, trẻ chưa có cơ hội ứng dụng trong cuộc sống.

"Đôi lúc trẻ nhớ đến các kỹ năng nên ứng xử phù hợp. Đôi lúc trẻ lại quên mất, do bị chi phối bởi cảm xúc hoặc các trạng thái tâm lý, bỏ qua hết mọi nguyên tắc", ông Nam nói. 

Chuyên gia cho hay, nhà trường và phụ huynh cần quan tâm các khía cạnh trong cuộc sống, không phải khi rộ lên một sự việc nào đó, mới hoảng hốt dạy kỹ năng mềm cho trẻ. 

Ngoài kỹ năng về phòng, chống bắt cóc, trẻ cần được trang bị kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống xâm hại tình dục...

"Kịch tính như phim hành động"

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định vụ việc bắt cóc bé trai 7 tuổi tống tiền 15 tỷ đồng "kịch tính như phim hành động".

Nguyễn Đức Trung đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mang theo súng bắn đạn cao su, găng tay, băng dính, dây chun..., thực hiện hành vi bắt cóc với mục đích rất rõ ràng, ấn định số tiền chuộc chứ không cho mặc cả, quá trình liên lạc tống tiền "bài bản".

Từ vụ việc này, ông Cường khuyến cáo nhà trường, các cơ sở giáo dục đào tạo, phụ huynh tăng cường những chương trình tập huấn, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em trong tình huống nguy hiểm.

Tùy thuộc từng tình huống cụ thể sẽ có cách ứng xử phù hợp với từng cháu bé, ở từng độ tuổi và nhận thức khác nhau.

Tuy nhiên, một số nguyên tắc chung đảm bảo an toàn cho trẻ, như giữ bình tĩnh, tỉnh táo, nghe lời đối tượng. Nếu có thể, trẻ tìm cách tạo ra dấu vết và cơ hội kêu cứu.

"Do nhỏ tuổi, sức yếu nên trẻ không thể chống trả đối tượng. Hơn nữa, các đối tượng bắt cóc thường có hung khí, nên mọi hành vi phản kháng đều vô ích. Trẻ cần được rèn luyện kỹ năng bình tĩnh, xử lý tình huống", ông Cường nói.

Từ vụ bắt cóc đòi 15 tỷ đồng: Chuyên gia chỉ nguyên tắc tuyệt đối phải nhớ - 3

Chiếc xe đối tượng dùng để gây án (Ảnh: Hải Nam).

PGS.TS Trần Thành Nam khuyến cáo trẻ nên tự biết chơi trong khu vực an toàn (không có nguy cơ bị ngã, đuối nước, điện giật...). Đó cũng là nơi mà trẻ có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ người lớn. 

Bố mẹ cần dạy con các nguyên tắc như: chơi ở đâu; nhận diện vấn đề... Khi có người lạ mặt đến gần chỗ mình, có những hành động lạ hoặc lôi kéo, dụ dỗ, bắt ép... trẻ phải hét lên, gây chú ý cho người khác hoặc thể hiện chống cự theo cách thức cụ thể.

Phụ huynh cũng cần dạy con bình tĩnh để tìm cơ hội thoát nạn, nhờ sự giúp đỡ của người lớn khác. Muốn làm được điều này, bản thân bố mẹ rất cần có kiến thức và kỹ năng để giáo dục con.

Ngoài ra, ông Nam cho rằng cần nâng cao trách nhiệm các thành viên trong khu dân cư, tinh thần và ý thức cảnh báo, sẵn sàng giúp đỡ. Vấn đề này liên quan đến nội lực của từng khu dân cư và công tác quy hoạch.

"Nếu được như vậy thì khi gặp sự cố, trẻ em sẵn sàng kêu gọi sự giúp đỡ từ người lớn, tránh những tình huống xấu", ông Nam chia sẻ.

PGS.TS Trần Thành Nam cho hay vấn đề quan trọng là xây dựng ý thức cộng đồng. Mỗi người cần tự nhận thấy trách nhiệm phát hiện nguy cơ bất ổn, trường hợp không bình thường, phải có trách nhiệm tố cáo bắt buộc. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm