Từ thiện đang có nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hoạt động từ thiện đang chuyển mình từ tự phát sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình…

Ngày 29/10, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp cùng với Quỹ Hoà bình và Phát triển TPHCM (HPDF), Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live&Learn) và Trung tâm Sức khoẻ gia đình & Phát triển cộng đồng (CFC Vietnam) tổ chức Hội thảo “Từ thiện phát triển – Xu hướng trong và sau Covid-19”.

Từ thiện đang có nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp - 1
Hội thảo có sự tham dự của hơn 70 đại biểu từ nhiều đơn vị và ngành nghề

Theo ban tổ chức, trong năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với những xáo trộn, thay đổi và cả khó khăn kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Đặc biệt, tại Việt Nam trong thời gian gần đây khi dịch bệnh tạm thời được kiểm soát, chúng ta lại gánh chịu hàng loạt các thiên tai gây ra thiệt hại cả về người và tài sản. Các hoạt động từ thiện thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” đang lan rộng trên cả nước và dường như chưa bao giờ cần thiết hơn trong khoảng thời gian này.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD cho rằng: ”Hơn bao giờ hết, chúng ta cảm nhận dòng chảy của các hoạt động nhân đạo và từ thiện phát triển đang mạnh mẽ cuộn trào, làm thay đổi các quan niệm, các cách tiếp cận và phương pháp từ thiện”.

Theo bà, trong suốt một thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong hoạt động từ thiện trên toàn thế giới và Việt Nam. Một lớp các nhà tỷ phú mới xuất hiện, các quỹ cộng đồng tăng vọt, các cá nhân tích cực đứng lên dùng uy tín quyên góp cộng đồng, tham gia các hội nhóm, các phong trào từ thiện, sự ra đời của các doanh nghiệp xã hội và xu hướng thành lập các quỹ từ thiện hoặc lồng ghép công việc từ thiện trong việc thực hành trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp,…

Từ thiện đang có nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp - 2
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD chia sẻ tại hội thảo

Bà Phương Linh chia sẻ: “Từ thiện cá nhân không chỉ còn là việc “cho đi” từ cảm xúc cảm động nhất thời, Covid-19 đã kích hoạt trách nhiệm của cộng đồng và sự đoàn kết, sự an toàn hay sự phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng. Đó là khi doanh nghiệp không chỉ tham gia từ thiện như một trách nhiệm xã hội, có thể là một việc phụ thêm đóng góp cộng đồng, mà cần nhìn nhận lại đó là chiến lược để phát triển”.

“Đại dịch Covid-19 và các thiên tai địch hoạ 2020 này cũng là khi các cá nhân và tổ chức xã hội nhìn nhận lại công việc từ thiện phát triển để đáp ứng những nhu cầu biến đổi của cộng đồng. Các hoạt động chuyển mình từ tự phát, sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình, ứng dụng công nghệ và là sự chung sức đồng lòng của nhiều bên liên quan, không thể là hoạt động độc quyền", bà Phương Linh nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Tôn Nữ Thị Ninh – Chủ tịch Quỹ Hoà Bình và Phát triển TPHCM nhấn mạnh: “Từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội, và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội”.

“Hệ sinh thái từ thiện phát triển rất rộng lớn, có thể xem như một ngôi nhà lớn, một ngôi nhà chung mà trong đó mỗi chúng ta là một chủ thể cần chung tay, chung sức để giúp hệ sinh thái ấy phát triển cao hơn, phức hợp hơn”, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ thêm.

Từ thiện đang có nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp - 3
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ về khái niệm và văn hoá từ thiện phát triển

Bà Nguyễn Hoàng Anh - Giám đốc hoạt động, Trung tâm CFC Việt Nam, cũng đồng tình với ý kiến các hoạt động từ thiện cần được thực hiện chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Bà Hoàng Anh nói: “Đại dịch Covid-19 và một chuỗi những thiên tai gần đây khiến chúng ta giật mình về những kĩ năng, khả năng ứng phó, đặc biệt là của nhóm những người yếu thế, những người mà khả năng tiếp cận còn giới hạn”.

“Về dài hạn, những hoạt động từ thiện phát triển cần được đẩy mạnh để nâng cao khả năng ứng phó cho nhóm yếu thế song song với những hoạt động từ thiện nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp”, bà Hoàng Anh nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm