Tranh cãi món cơm nắm giá cao gấp 10 lần thông thường
(Dân trí) - Cơm nắm thấm mồ hôi nách của các cô gái trẻ Nhật Bản, giá cao gấp 10 lần thông thường, hiện là món ăn gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Theo SCMP, với sự kết hợp thơm ngon giữa rau và thịt, cơm nắm thường được tạo hình bằng tay và bọc trong một lớp rong biển. Đây là một trong những món ăn nhẹ lâu đời nhất ở Nhật Bản.
Cơm nắm Onigiri - món ăn tiếp sức đường xa ở Nhật Bản - đã xuất hiện ngay cả trước khi các samurai (võ sĩ) mang chúng ra chiến trường. Ngày nay, món ăn nhẹ có tuổi đời hàng thế kỷ này đã mang một hình thức mới lạ.
Theo đó, những cô gái trẻ dùng nách để nặn cơm nắm. Trước đó, tất cả nguyên liệu và bộ phận cơ thể tiếp xúc với cơm nắm đều được khử trùng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau đó, các cô gái tập thể dục để tiết ra mồ hôi và dùng nách thay vì lòng bàn tay để nhào và tạo hình những viên cơm. Thành phẩm được bán với giá cao ở một số nhà hàng - gấp 10 lần giá cơm nắm thông thường.
Một thực khách đã thử cơm nắm nặn bằng nách và cho biết hương vị của chúng "không có gì khác biệt".
Một số nhà hàng đã công khai quy trình làm cơm nắm bằng nách, tự hào quảng bá các đầu bếp ngôi sao và kỹ thuật độc đáo, đồng thời cho phép khách hàng ghé thăm gian bếp để tận mắt chứng kiến kiểu nắm cơm bằng nách.
Trào lưu cơm nắm "mồ hôi" nặn bằng nách đã gây tranh cãi trên mạng xã hội.
"Những nắm cơm này có thể thỏa mãn những ham muốn cấm kỵ của một số người, miễn là hợp vệ sinh, không có hại gì", một người bình luận.
"Thật không thể chấp nhận được. Lỡ đầu bếp mắc bệnh hiểm nghèo thì sao? Tôi thà ăn cơm nắm thông thường còn hơn", một người khác viết.
Ngoài cơm nắm nặn bằng nách, Nhật Bản còn có rất nhiều món ăn thú vị khác.
Natto là một món ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ đậu nành lên men và nổi tiếng với mùi đặc biệt, kết cấu dính và hương vị đậm đà.
Bánh giọt mưa, không giống như món tráng miệng gelatin thông thường, là một sản phẩm chủ yếu bao gồm nước, sẽ mất hình dáng giọt mưa trong vòng 30 phút ở nhiệt độ phòng.
Ngoài ra, bánh mì kẹp phô mai cầu vồng đã trở nên phổ biến cách đây vài năm tại một nhà hàng ở Tokyo. Khi thực khách cắt đôi chiếc bánh, phô mai sẽ chảy ra tạo thành cầu vồng.