Tràn lan "thông tin bẩn" về thực phẩm sạch

Trong thời gian gần đây, không ít vụ vì vội tin vào thông tin bẩn về thực phẩm mà người tiêu dùng đã tự đẩy chính mình cùng nhà sản xuất vào vai nạn nhân.

Bởi khi hoang mang về thông tin sai lệch mà không qua kiểm chứng đối chiếu người tiêu dùng đã tự tẩy chay sản phẩm yêu thích và gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Làm sao để chặn đứng thực trạng thông tin bẩn sai lệch thiếu kiểm chứng gây hoang mang e ngại đối với người tiêu dùng? Đây đang là câu hỏi gây đau đầu cho nhiều cơ quan ban ngành cấp quản lý nhà nước. Nhưng trước tiên, trách nhiệm này cần thẳng thắn nhìn nhận đó chính là người tiêu dùng Việt chưa thật sự dành thời gian kiểm chứng đối chiếu khi tiếp nhận thông tin bẩn.

Việc tự bảo vệ chính nhu cầu tiêu dùng của mình và gia đình là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Vì bằng cách sàng lọc thông tin, đối chứng chéo hoặc trao đổi với người thân, bạn bè hay thậm chí là chuyên gia, cơ quan có chuyên môn…, ít ra người tiêu dùng sẽ có cái nhìn chuẩn xác hơn để ra quyết định “mua hay không mua”. Nhu cầu tiêu dùng của cả nhà là một nhu cầu thiết thực và chính đáng, nhưng đôi khi chỉ vì quá bận không kiểm chứng, bởi tình cờ lướt qua một trang báo mạng, nhiều chị em nội trợ đã “cấm vận” một số chủng loại hàng hoá đang là “sản phẩm yêu thích nhất” đối với con trẻ hay cả gia đình. Đơn cử như các thông tin có đỉa trong gói bánh bim bim - món ăn vặt yêu thích của trẻ nhỏ, hoá chất gây ung thư có trong sản phẩm vệ sinh phụ nữ, gà rán gây tổn thương thần kinh, hay nghiêm trọng đến mức báo động đỏ buộc chính phủ và các cơ quan chức năng phải vào cuộc đó là thông tin nước mắm truyền thống có lượng Arsen vượt ngưỡng có khả năng gây ung thư.

Đơn cử như các thông tin có đỉa trong bim bim…
Đơn cử như các thông tin có đỉa trong bim bim…

Tự bảo vệ quyền tiêu dùng của chính mình

Sự thật là có một số thành phần lợi dụng các trang mạng thuyền thông để gây hoang mang dư luận, thị trường và không ai khác nạn nhân chính là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đáng lên án khi đó là những tin đồn thất thiệt, sai sự thật. Những nguồn tin vô căn cứ như thế vô tình tác động mạnh đến lòng tin của người dùng, khiến họ có những suy nghĩ sai lệch về sản phẩm, thậm chí hoang mang… dù thực chất, sản phẩm đó lại đảm bảo chất lượng và có uy tín.

Tuy nhiên, trước tiên để tự bảo vệ quyền được lựa chọn của chính mình, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chờ thông tin chính thức, minh bạch từ cơ quan chức năng, tránh bị dao động bởi những tin đồn thất thiệt khiến bị hoang mang về tâm lý dẫn đến ảnh hưởng cả thể chất (lo lắng, bất an) và cuộc sống (thay đổi khẩu vị, cách sống...).

Ngoài ra, cần phải kể thêm có những sự việc gây hiểu lầm oan uổng cho sản phẩm, thực phẩm an toàn sức khoẻ đến từ việc người tiêu dùng đọc hiểu sai về các thông số “an toàn” và “bất thường”. Nhiều người tiêu dùng, vì không hiểu rõ về các thông số, đã quy chụp và hiểu sai về chất lượng sản phẩm, dẫn tới những hành vi tiêu dùng sai lệch.

Việc tự bảo vệ chính nhu cầu tiêu dùng của mình và gia đình là trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Việc tự bảo vệ chính nhu cầu tiêu dùng của mình và gia đình là trách nhiệm của mỗi cá nhân.

Người tiêu dùng muốn đánh giá chất lượng một sản phẩm nào đó thì cần phải so sánh kết quả xét nghiệm với tiêu chuẩn do Luật quy định. Chỉ số MDL - viết tắt của “Method Detection Limit” không phải là giới hạn hàm lượng cho phép được luật quy định mà là giới hạn phát hiện của phương pháp đo lường mà phòng xét nghiệm sử dụng để có thể phát hiện và báo cáo về hàm lượng của một chất nhất định.

Ví dụ: MDL của Chì trong kết quả thí nghiệm của SGS là 0,005 mg/kg nghĩa là Giới hạn phát hiện của phòng thí nghiệm SGS chỉ phát hiện Chì khi hàm lượng chì trong mẫu kiểm lớn hơn hoặc bằng 0,005 mg/kg. Hay nói cách khác, MDL và kết quả xét nghiệm là 2 chỉ số trong 2 lĩnh vực khác nhau, không dùng để so sánh với nhau được. Tuy nhiên, chỉ số này lại bị mang ra so sánh một cách gượng ép, không phù hợp, từ đó quy chụp rằng chất lượng sản phẩm không đảm bảo và gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Nguyên liệu nhập khẩu luôn chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của Cơ quan Kiểm định chất lượng an toàn theo quy định hiện hành của Bộ Y tế Việt Nam

Từ thực trạng xuất hiện các tin đồn bẩn trong ngành chế biến thực phẩm thực phẩm tiêu dùng hằng ngày được bán công khai ở chợ, siêu thị... Người tiêu dùng thông minh cần cập nhật thường xuyên cổng thông tin của Bộ Y Tế Việt Nam về các Văn bản quy định hàm lượng chì, thạch tín, dư lượng thuốc trừ sâu cho phép có trong thực phẩm…

Vì không chỉ riêng tại Việt Nam mà ngay cả trên thế giới những quy định về an toàn sức khoẻ các chất cho phép có trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, ngư nghiệp… luôn có những thay đổi theo sát tình hình thực trạng của môi trường & phát triển khoa học kỹ thuật.

Ngoài ra, người tiêu dùng nên chọn những nhà cung cấp, sản xuất có uy tín toàn cầu. Bởi nếu sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, đến từ công ty, tập đoàn toàn cầu thì quy trình sản xuất của họ luôn bắt buộc tuân thủ 100% nghiêm ngặt những quy định chuẩn chất lượng của pháp luật hiện hành và cam kết đặt sức khoẻ người tiêu dùng ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần biết bất kỳ lô nguyên liệu nào cho sản xuất thực phẩm khi nhập vào Việt Nam đều chịu sự kiểm tra kỹ lưỡng bắt buộc theo đúng quy định an toàn thực phẩm của pháp luật Việt Nam. Hải Quan Việt Nam và các Cơ quan Kiểm định Chất lượng có thẩm quyền của nhà nước Việt Nam phải cấp phép đồng ý đạt chuẩn an toàn nhập khẩu theo quy định hiện hành của Pháp luật Việt Nam tại thời điểm nhập khẩu thì nguyên liệu đó mới được đưa vào nhà máy để sản xuất.