Tổ chức đối thoại, lắng nghe tiếng nói của phụ nữ dân tộc

Hồng Anh Hoàng Vân

(Dân trí) - Chị em phụ nữ dân tộc có dịp giải đáp các thắc mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, an toàn cho trẻ em, các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Hoa, Mông… trên địa bàn, nhiều năm qua, huyện vùng cao Tràng Định (Lạng Sơn) đã duy trì hoạt động đối thoại giữa phụ nữ với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hoạt động này còn nhằm tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị, quan tâm công tác phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ các cấp trong huyện, giới thiệu quần chúng là hội viên ưu tú vào Đảng.

Tổ chức đối thoại, lắng nghe tiếng nói của phụ nữ dân tộc - 1

Một buổi đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với phụ nữ dân tộc ở Tràng Định (Ảnh: H. Y).

Theo bà Hoàng Hải Yến, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện Tràng Định, chị em phụ nữ dân tộc trên địa bàn rất hào hứng tham gia các hoạt động đối thoại. Ở mỗi địa bàn, các nội dung được triển khai, thảo luận phù hợp với tình hình địa phương.

Khi được vận động tham gia các diễn đàn tại cơ sở như diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, các hội nghị, hội thảo chương trình đối thoại với người đứng đầu các cấp, nhiều chị em phụ nữ đã tham gia phát biểu ý kiến. Không ít người đã bày tỏ quan điểm về các vấn đề liên quan đến phụ nữ dân tộc, trẻ em gái.

Chị em phụ nữ dân tộc cũng có dịp giải đáp các thắc mắc liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường; an toàn thực phẩm; quản lý đất đai; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Các vấn đề như nước sạch cho nông thôn; an toàn giao thông; an toàn cho trẻ em; các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới - nâng cao quyền năng của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế - cũng được thảo luận sôi nổi.

"Đây là một minh chứng điển hình cho việc lắng nghe, tôn trọng phụ nữ các dân tộc trên địa bàn, góp phần thực hiện bình đẳng giới", bà Yến nói.

Tổ chức đối thoại, lắng nghe tiếng nói của phụ nữ dân tộc - 2

Chị Triệu Thị Xuân (áo hồng) thường xuyên tham gia các buổi đối thoại, truyền thông về bình đẳng giới (Ảnh: Hồng Anh).

 Chị Triệu Thị Xuân (35 tuổi, dân tộc Dao, xã Tri Phương) cho biết, phụ nữ tại thôn bản của chị thường xuyên được tham gia các hoạt động đối thoại, tuyên truyền do các ban ngành trong xã, huyện tổ chức.

Mỗi dịp như thế chị và các chị em trong bản có cơ hội chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống, cập nhật thêm các kiến thức mới về đời sống, xã hội, hỏi đáp những điều chưa rõ về chính sách, pháp luật.

Trong những năm qua, các ban ngành huyện Tràng Định còn phối hợp với xã trong huyện thực hiện có hiệu quả các hội nghị tập huấn, tuyên truyền, chương trình truyền thông, thực hiện đối thoại, rà soát thành lập các câu lạc bộ cộng đồng với mục đích xóa bỏ định kiến về giới; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ngăn ngừa tình trạng bạo lực gia đình...

Huyện vùng biên này cũng hướng tới nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ, trẻ em; tăng cường lấy ý kiến hội viên, phụ nữ vào các dự án luật bằng nhiều hình.

Tổ chức đối thoại, lắng nghe tiếng nói của phụ nữ dân tộc - 3

Bà Hoàng Hải Yến cho biết địa phương có nhiều hoạt động thiết thực lắng nghe ý kiến của chị em phụ nữ (Ảnh: Hồng Anh).

Các ban ngành liên quan có nhiệm vụ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của phụ nữ trên các lĩnh vực, phản ánh tại các kỳ họp hội đồng nhân dân các cấp; chủ động, kịp thời lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các trường hợp, vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp.

Bà Hoàng Hải Yến còn cho biết, nhiều hoạt động được thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức theo phương châm "Trung ương định hướng chiến lược, Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ".