(Dân trí) - Các tình nguyện viên tạm gác việc cá nhân, chẳng ngại cực khổ, xông vào hiểm nguy để góp sức bảo vệ an toàn chung cho cộng đồng.
Tình nguyện viên ở tâm dịch Gò Vấp: "Chúng tôi sẽ về khi Sài Gòn hết dịch"
Mới chập tối, nhiều tuyến đường chính của quận Gò Vấp đã chìm vào bầu không khí tĩnh mịch. Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngoài những điểm nóng của dịch Covid-19, sự gấp gáp, vội vã gần như không còn hiện hữu trên địa bàn của quận đông dân thứ nhì của thành phố.
Tiếng chuông vang lên trong căn lều dựng tạm. Như một phản xạ tự nhiên, anh Hoàng Anh bật dậy, nghe điện thoại với trạng thái tỉnh táo nhất khi vừa lim dim chợp mắt. Một sự cố nhỏ từ chốt tình nguyện viên nơi cửa ngõ quận Gò Vấp báo về. Lần này, anh gặp may mắn vì không phải trực tiếp xuống hiện trường. Sau khi đưa ra phương án xử lý cho các thành viên trong đội, anh tiếp tục nghỉ ngơi, nhưng vẫn chuẩn bị sẵn tâm lý cho những cuộc gọi tiếp theo.
Anh Hoàng Anh (38 tuổi) là người sáng lập kiêm đội trưởng của đội SOS Hướng Nam - đội tình nguyện đang túc trực tại các chốt kiểm soát trên địa bàn quận Gò Vấp. Trong vùng dịch của thành phố, nếu lực lượng y, bác sĩ là những chiến sĩ tuyến đầu đang lăn xả tại những điểm nóng, thì những tình nguyện viên như anh chính là người lính trẻ ở phòng tuyến phía sau, ngăn chặn từ xa nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 vào địa bàn.
Chỉ về nhà khi đẩy lùi dịch Covid-19
Đội quân của anh Hoàng Anh gồm 200 nhân sự ưu tú nhất, được chọn lọc từ 400 hồ sơ ứng tuyển. Họ tác chiến tại các chốt kiểm soát dịch đặt ở khu vực cửa ngõ quận Gò Vấp. Anh Hoàng Anh làm nhiệm vụ của một người chỉ huy trưởng, tiếp nhận thông tin, đề ra phương án xử lý hay trực tiếp ra trận địa nếu tình hình phức tạp.
Theo Hoàng Anh, các tình nguyện viên trong đội được phân chia khắp các chốt kiểm soát, hoạt động 3 ca trong ngày. Riêng cá nhân anh sẽ túc trực suốt 24/24 để quản lý, giám sát và hỗ trợ cho tất cả các chốt.
"Gia đình từng phản đối quyết liệt, vợ tôi cũng từng khóc rất nhiều vì lo lắng cho sự an toàn của chồng. Rồi khi nghe giải thích, cô ấy cũng bằng lòng để tôi đi vì sự an toàn của cộng đồng", người chỉ huy trưởng tâm sự.
Ngày nhìn vợ sắp xếp balo quần áo, tư trang để mình vào "trận địa", anh Hoàng Anh xác định, chỉ quay lại nhà khi TPHCM chính thức đẩy lùi được dịch bệnh. Một phần vì trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng, phần riêng tư còn lại, anh muốn gia đình nhỏ bé của mình an toàn tuyệt đối bởi mình từng tiếp xúc nhiều người có nguy cơ.
Đêm cũng là thời khắc người đàn ông ấy cần vững tâm nhất. Nhớ vợ, nhớ con, những cảm xúc bình dị cũng khiến anh đôi lúc yếu lòng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh (29 tuổi) - một người mẹ đơn thân đang làm công tác tình nguyện tại chốt kiểm soát đường Nguyễn Kiệm. Nhà chị ở phường 17, quận Gò Vấp, rất gần nơi chị đang trực, nhưng Oanh… cũng chẳng dám về.
Suốt hơn một tuần làm tình nguyện viên, Thúy Oanh luôn đăng ký trực hết cả 3 ca mỗi ngày. Hai ca sáng và chiều chị trực tại chốt trọng điểm. Còn ca tối chị xin trực tại một chốt nhỏ, ít xe qua lại để vừa trực, vừa có chỗ ngả lưng, chợp mắt.
"Nhiều lúc nhớ con khủng khiếp mà phải ráng chịu. Nhớ nhà lắm! Mà đâu dám về. Mỗi ngày tiếp xúc với rất nhiều người, chính bản thân mình cũng không chắc có an toàn hay không, lỡ không may trên người mang vi rút về nhà lây cho gia đình còn khổ nữa", chị Oanh khóc.
Nơi cảm xúc cá nhân cần gác lại
Trời vừa tờ mờ sáng, một cô gái trẻ trùm kín mít cả người, lẳng lặng rời khỏi nhà. Cô cố gắng dắt chiếc xe máy của mình đi thật nhẹ nhàng qua từng căn nhà trong con hẻm mình sống để không làm phiền đến hàng xóm. Cô gái trẻ ấy là Nguyễn Phương Trâm (sinh năm 1993), hiện đang là giáo viên tại một trường mầm non ở quận 12, TPHCM.
Dù gặp phải sự phản đối từ bố mẹ khi đăng ký tham gia đội tình nguyện viên, nhưng với sự kiên trì, cô giáo trẻ vẫn quyết tâm khoác lên người chiếc áo xanh, tham gia phòng tuyến chống Covid-19.
"Cả cuộc đời mình luôn nhất nhất nghe lời ba mẹ. Đây là lần đầu tiên mình dám đứng lên phản kháng và bảo vệ quan điểm của bản thân. Mình hiểu ba mẹ lo lắng, nhưng nếu ai cũng sợ hãi và lo lắng thì ai là người xông vào những khó khăn đây?", Phương Trâm chia sẻ với ánh mắt đầy sự tự hào.
Với những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết này, khó khăn duy nhất của họ khi đứng chốt là có nhiều người dân không hợp tác khai báo y tế. Đã không ít lần họ phải nghe những lời la mắng, trách móc, thậm chí có tình nguyện viên bị thương bởi sự nóng giận của người dân khi phải chờ đợi khai báo.
Cô giáo trẻ Phương Trâm kể lại, có lần bị một người say xỉn lái xe tông thẳng vào người, cũng may là né được nên cô chỉ bị bánh xe cán qua bàn chân. Hay có lần khác, cô suýt nữa bị một người giao hàng đánh vì yêu cầu người đó lại khai báo y tế lúc đang vội. Phải nhờ đến công an trực cùng can thiệp mọi việc mới được giải quyết ổn thỏa.
Bạn Nguyễn Thị Thúy Oanh (29 tuổi), chia sẻ rằng bản thân cũng thường phải hứng chịu cơn giận của nhiều người dân đi ngang chốt kiểm soát. Thúy Oanh kéo chiếc găng tay y tế xuống, chỉ vào vết thương còn ửng đỏ trên mu bàn tay kể: "Hôm nay mình bị xe quẹt 3 lần rồi đó! Không phải riêng mình đâu, làm tình nguyện ở đây ai cũng từng bị chửi, bị la hết! Có bạn còn bị nguyên cái nón bảo hiểm vô đầu luôn!".
Những lúc gặp phải tình huống như vậy, đa phần các tình nguyện viên đều chỉ mỉm cười với nhau, lắc đầu cho qua. Với những người nhạy cảm như Phương Trâm hay Thúy Oanh, thỉnh thoảng tủi thân quá, không chịu nổi, sẽ xin phép vào lều, khóc một trận thật đã, uống ngụm nước lấy lại bình tĩnh rồi ra ngoài tiếp tục công việc.
"Mình hiểu rằng không thể kiểm soát cảm xúc của mọi người, cũng không thể đòi hỏi tất cả họ đều nhẹ nhàng với mình. Đã chấp nhận làm công việc này nên mở rộng tấm lòng và suy nghĩ tích cực hơn, tình nguyện viên tụi mình chẳng ngại cực khổ, chỉ cầu được mọi người thấu hiểu là vui lắm rồi!", Phương Trâm chia sẻ.
Họ không cô đơn
Một ngày đầu tháng 6, cơn mưa rào ập đến khiến chiếc mái che lợp tạm tại chốt kiểm soát dịch đặt ở đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) bị cuốn bay. Nơi làm nhiệm vụ cũng là chỗ trú tạm của các tình nguyện viên gần như biến mất.
Trong đợt mưa nặng hạt, tiếng hô hào, những bước chân dồn dập xuất hiện, những bóng người không mặc áo xanh xuất hiện. Người dân sinh sống cạnh chốt chặn đã kịp tới hỗ trợ, chung tay cùng các tình nguyện viên dựng lại mái, cố định lại lều. Mỗi người một tay, chiếc lều tạm được gia cố vững chãi hơn ngay khi mưa chưa dứt.
"Có nhà hỗ trợ nước uống, có cô bác cho mượn tạm nhà tắm, khu vệ sinh. Những lúc cấp bách, lực lượng tình nguyện viên đều nhận được sự hỗ trợ tận tình từ người dân trong vùng dịch", cô giáo Phương Trâm chia sẻ.
Từ lúc chốt chặn được dựng lên, đã có rất nhiều người dân ghé thăm và tiếp sức bằng đồ ăn, nước uống. Có lúc các tình nguyện viên sẽ nhận được cơm, bánh mì, có khi được cho bánh ngọt, trái cây, nước uống. Có lần, các chị công nhân nghèo tìm đến tặng sữa đậu nành khiến Trâm cùng các bạn cảm động rơi nước mắt.
Đôi lúc, tình cảm người dân gửi gắm qua thức ăn quá nhiều, các bạn tình nguyện viên sẽ cẩn thận gói kỹ, sắp xếp ngăn nắp để cuối ngày đem phát cho người vô gia cư trên đường. Chỉ cần như vậy thôi, bao nhiêu vất vả của cả ngày sẽ tan biến hết.
Không chỉ ấm lòng nhờ sự thấu hiểu và yêu thương của nhiều người dân, các tình nguyện viên còn xây dựng được tình đồng đội, tình bạn đẹp qua những ngày kề vai sát cánh trong gian khó.
Hơn một tuần "đóng quân" ở Gò Vấp, đội đã tổ chức sinh nhật cho 3 thành viên. Tuy không có thời gian và điều kiện để mua bánh kem hay tổ chức tiệc tùng, nhưng bài hát chúc mừng sinh nhật được cả đội hát vang cùng hàng trăm lời chúc qua tin nhắn, cũng trở thành món quà ý nghĩa nhất đối với mỗi người.
Giờ cao điểm qua đi, đường sá lại yên ắng, vắng vẻ, các tình nguyện viên xịt khử khuẩn cho nhau rồi vào trong lều ngồi nghỉ. Tuy phải ngồi xa nhau để giữ khoảng cách an toàn nhưng cách họ cười nói với nhau, chia nhau từng chai nước suối, bánh ngọt vô cùng gần gũi và tình cảm.
Khi được hỏi làm công việc tình nguyện này bao lâu, tất cả họ đều có cùng một câu trả lời: "Sẽ làm đến khi Sài Gòn hết dịch".
Tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM trong 2 tuần giãn cách xã hội vẫn còn nhiều phức tạp và khó đoán. Các cấp chính quyền chưa đưa ra quyết định giãn cách tiếp hay nới lỏng tại quận Gò Vấp và những địa bàn khác.
Nhưng với sự chia sẻ, hỗ trợ ấm lòng từ cộng đồng, lực lượng tình nguyện viên tham gia chốt chặn phía ngoài điểm nóng dịch bệnh hiểu rằng, họ không cô đơn trong trận chiến này. Sự giúp sức ấy khiến họ vững tâm hơn cho lời hứa, lời cam kết của mình khi tham gia mặt trận trong thời bình: "Chúng tôi chỉ về khi dịch Covid-19 tại TPHCM được đẩy lùi".