Tình người nơi ‘bến tạm’
Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, cùng chung một bi kịch khi lầm lỡ trót mang thai, bị người yêu chối bỏ, phải sống trốn tránh gia đình. Mỗi con người một số phận, nhưng họ sống hoà thuận tại nhà tạm lánh Mai Tiến, khu phố 4, phường Hố Nai, thành phố Biên Hoà, Đồng Nai dưới sự đùm bọc, yêu thương của những người sáng lập ra ngôi nhà này.
Có người may mắn tìm được hạnh phúc sau khi sinh con, được gia đình đón nhận, cũng không ít người phải tự bươn chải để nuôi con khôn lớn, nhưng quan trọng hơn cả trong lúc đau khổ, tuyệt vọng nhất, họ đã tìm được chỗ dựa vững chắc để đón những sinh linh bé nhỏ chào đời.
"Bến tạm" của những phụ nữ lỡ làng
Nhà tạm lánh Mai Tiến nằm khuất sau khu nghĩa trang Công giáo của khu phố 4. Dù đến vào buổi chiều tối mưa như trút nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ấm cúng, không hề lạnh lẽo, ghê sợ như ở những nghĩa trang khác bởi tình yêu thương, đùm bọc của những mảnh đời bất hạnh cùng sống nương tựa dưới mái nhà này. Trong gian bếp rộng rãi, khang trang và sạch sẽ, một nhóm thai phụ vừa nấu cơm tối, vừa trò chuyện vui vẻ. Đã thành thông lệ, hằng ngày, các chị tự phân công nhau đi chợ, nấu cơm, rửa bát, vệ sinh chung.
11 rưỡi trưa và 6 rưỡi tối, mọi người lại tụ tập ăn uống đông đủ trong tiếng cười nói rôm rả. Ở ngôi nhà này, họ coi nhau như chị em gái và những đứa nhỏ mới chào đời lại được những cô gái trẻ hơn mẹ chúng âu yếm gọi con xưng dì. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng đa phần họ đều là những công nhân, học sinh sống xa nhà, vì lầm lỡ mà trót mang thai, bị người yêu chối bỏ, phải giấu giếm gia đình. Bởi thế, họ hiểu và cảm thông cho nhau, cùng giúp đỡ nhau vượt qua những ngày tháng gian khó nhất để những đứa trẻ vô tội được chào đời bình an.
Mọi người ở nhà tạm lánh Mai Tiến vẫn nhắc đến câu chuyện của chị N. mới rời khỏi đây không lâu. N. sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, ngoan hiền và học giỏi, là niềm hi vọng lớn của cả nhà. Nhưng tình yêu tuổi học trò đã dẫn chị đi quá xa. Biết chị có thai, người bạn trai dần xa lánh vì không dám chịu trách nhiệm, còn N. không dám nói cho gia đình biết vì sợ tai tiếng.
Một lần đi lễ nhà thờ về, chị bị tai nạn khi cái thai đã được 5 tháng. May mắn thay thai nhi không bị ảnh hưởng, nhưng chị bị gẫy đùi. Không thể giấu gia đình, chị buộc phải đứng trước lựa chọn, nếu mổ luôn thì phải bỏ thai, còn muốn giữ phải chấp nhận khoan một lỗ ở xương ống chân, đưa một cây inox vào lấy điểm tựa kéo tạ và phải kéo trong khoảng một tháng.
Giải pháp này rủi ro nhiều, vì sau đó phải đi chụp phim xem xương đã kéo ra được hay chưa. Hơn nữa phần khoan xương bắt inox có thể bị nhiễm trùng nếu không được vệ sinh tốt. Cuối cùng chị quyết định lựa chọn phương án thứ hai và gia đình chị đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của nhà tạm lánh Mai Tiến.
Suốt thời gian N. nằm trên giường cho đến lúc sinh nở, gia đình chị neo đơn, chỉ xuống được khi cần, phần còn lại các chị em trong nhà tạm lánh Mai Tiến giúp sức. Người bạn trai mấy ngày đầu còn đến bệnh viện thăm, sau đó chỉ gọi điện thoại rồi cuối cùng biến mất hẳn. Dù đau khổ nhưng N. vẫn không chịu thua số phận, chị nhận việc làm thêm để có chi phí cho mình khi sinh nở.
Một trường hợp khác: H. là một cô bé không biết chữ. 17 tuổi, H trót dại đã mang thai. Vì không biết chữ, H. chẳng thể đọc được sách vở cũng như học được những kiến thức về thai nghén nên có thai H. cũng không biết. Chỉ đến khi đứa bé đạp mạnh trong bụng H .mới tá hỏa, nhưng cô vẫn quyết tâm sinh bằng được đứa bé và giữ lại để nuôi nấng dù không biết ngày mai sẽ ra sao. Giấu gia đình, cô bé tìm đến nhà tạm lánh Mai Tiến để nhận được sự giúp đỡ của mọi người nơi đây.
Chị K. vốn làm công nhân ở Đồng Nai. Khi biết chị có thai, người yêu đã quất ngựa truy phong. Chị tìm đến nhà tạm lánh Mai Tiến để nương tựa khi cái thai đã 5 tháng. Được sự giúp đỡ của linh mục Nguyễn Văn Tịch và những người quản lý nơi đây, chị tìm được một công việc phù hợp để kiếm tiền chờ ngày sinh nở. Mẹ tròn con vuông, sau ba tháng, chị lại được linh mục giữ lại giúp việc cho nhà tạm lánh, khiến chị phần nào vơi đi nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần mà những người phụ nữ lầm lỡ như chị phải chịu đựng.
Những tấm lòng thiện nguyện
Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng khi đến với nhà tạm lánh Mai Tiến, họ đều nhận được sự yêu thương, đùm bọc, cảm thông của những con người nơi đây. Là người gắn bó với nhà tạm lánh từ những ngày đầu, quản lý Phạm Quốc Cường đã chứng kiến bao câu chuyện cảm động về những thân phận người nơi đây.
Anh Phạm Quốc Cường chia sẻ những câu chuyện cảm động về nhà tạm lánh.
Những người phụ nữ lầm lỡ tìm đến nhà tạm lánh vì muốn giấu gia đình và mong tìm được sự giúp đỡ của người khác, người quản lý như anh không chỉ giúp đỡ họ về vật chất, việc làm, mà quan trọng hơn là tạo cho họ niềm tin, sự dũng cảm để thú nhận với gia đình, để trở về trong vòng tay của bố mẹ, người thân. "Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để thuyết phục các em gọi điện, báo tin về cho gia đình. Đúng như cái tên gọi, nhà tạm lánh chỉ giúp các em giai đoạn khó khăn nhất, còn mục đích cuối cùng của chúng tôi vẫn là đưa các em trở về với gia đình", anh Cường chia sẻ.
Nhà tạm lánh Mai Tiến do linh mục Nguyễn Văn Tịch, chánh xứ Nhà thờ Tây Hải (phường Hố Nai, TP. Biên Hòa), lập nên từ năm 2011. Vì không muốn các cô gái lầm lỡ bỏ đi những sinh linh tội nghiệp mà vị linh mục đã xây dựng nên ngôi nhà này để giúp đỡ họ "mẹ tròn con vuông". Ban đầu chỉ là một ngôi nhà cấp 4 bình thường có 7 phòng, nhưng rồi tiếng tăm về ngôi nhà tạm lánh lan xa và ngày càng có nhiều thai phụ đến nhờ vả tìm nơi nương tựa.
Bằng sự góp sức, chung tay của những giáo dân có tấm lòng hành thiện, linh mục Tịch đã xây dựng, nâng cấp và tu bổ thành một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, diện tích 750m², với 12 phòng. Mỗi phòng đủ cho từ 3 - 4 người ở chung và được cung cấp đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt tối thiểu. Hiện tại, ngôi nhà tạm lánh này đang che chở và đùm bọc cho 20 cô gái độ tuổi từ 14 đến 30.
Những người phụ nữ lầm lỡ đến nhà tạm lánh này đều nhận sự giúp đỡ tận tình của linh mục Nguyễn Văn Tịch và quản lý Phạm Quốc Cường. Trong thời kỳ thai nghén, linh mục Tịch và anh Cường sẽ là người lo tìm việc làm thêm cho chị em để kiếm tiền dành khi sinh nở.
Vốn là chủ một cơ sở sản xuất bánh kẹo nên hằng ngày, cơ sở của anh Cường còn tạo thêm công ăn việc làm cho các bà mẹ trẻ nơi đây. Trong suốt 3 tháng 10 ngày sau sinh, linh mục Nguyễn Văn Tịch hoàn toàn lo viện phí, thuốc thang cho các sản phụ. Khi đứa trẻ cứng cáp, linh mục Nguyễn Văn Tịch lại lo tìm việc làm ổn định cho chị em, giúp họ tách ra khỏi mái nhà tạm lánh để tự vững bước trên đôi chân của mình.
Bữa cơm đầm ấm của các thành viên nhà tạm lánh.
Với tấm lòng nhân ái ấy, hằng ngày linh mục Nguyễn Văn Tịch và những người như anh Cường vẫn đi khắp nơi để xin tài trợ từ những nhà hảo tâm làm kinh phí cho nhà tạm lánh hoạt động và thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện. Được biết, linh mục Nguyễn Văn Tịch còn lập nên một nhà trẻ đầy đủ tiện nghi nhận trông con em của những công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn với học phí thấp nhất, một quán cơm từ thiện 5.000 đồng dành cho người nghèo và thực hiện nhiều hoạt động xã hội từ thiện, như: chén cháo tình thương cho người bệnh tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai; chén cơm tình thương cho bệnh nhân tại khu điều trị ung thư cơ sở 2 - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai…
Nhiều người may mắn sau khi đến nhà tạm lánh được gia đình đón nhận, được người yêu tìm đến, nhưng cũng không ít cô gái không thể tìm được bến đỗ của mình, phải tự bươn chải, nuôi con khôn lớn. Những trường hợp ấy đều được mọi người trong nhà tạm lánh dang tay đón nhận và giúp đỡ tận tình, để họ thấy được rằng, vẫn còn nhiều người yêu thương xung quanh và không bỏ rơi họ. Lúc ấy, tình cảm mẹ con sẽ trỗi dậy và họ sẽ đón nhận đứa trẻ bằng tất cả tình thương.
Và chẳng phải ngẫu nhiên mà linh mục Nguyễn Văn Tịch xây dựng nghĩa trang hài nhi ngay đầu lối vào khu nhà tạm lánh. Nơi đây chôn cất hơn 20.000 hài nhi bị bỏ rơi, như một lời nhắc nhở những người phụ nữ đã, đang và sẽ làm mẹ hãy biết trân trọng những sinh linh bé bỏng, đừng lầm lỡ để sau này phải sống trong ăn năn, hối hận.
Theo Ngọc Mai
Công an nhân dân