Tìm thấy loài cá "máu nóng" đầu tiên ở California
(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết, cá opah là loài cá đầu tiên được phát hiện có máu nóng nuôi cơ thể giống như động vật có vú hay chim. Máu nóng tuần hoàn khắp cơ thể giúp cá opah tự làm ấm được dù có ở trong môi trường thẳm sâu dưới đại dương.
Cá ngừ hay một số loại cá mập có khả năng làm ấm một vài khu vực nhất định trên cơ thể như vùng cơ vận động để bơi, não và mắt trong lúc đang ở dưới độ sâu giá lạnh nhưng chúng vẫn buộc phải quay lại bề mặt nước để bảo vệ các cơ quan sống như trái tim trước những ảnh hưởng của nhiệt độ thấp.
Song cá opah lại có khả năng tự sản sinh ra nhiệt qua hoạt động "vỗ" liên tục của vây, với nhiệt độ cơ trung bình cao hơn nhiệt độ môi trường nước 4-5 độ C. Và cá opah có cấu trúc đặc biệt có thể ngăn cho nhiệt không thoát từ cơ thể ra môi trường.
Động vật máu nóng như chim, động vật có vú được biết đến là có khả năng tự sản sinh nhiệt và giữ ấm cơ thể độc lập với môi trường. Trong khi đó, các động vật máu lạnh như bò sát, động vật lưỡng cư, động vật không xương sống và hầu hết các loài cá phải hấp thụ nhiệt từ môi trường để giữ ấm.
Không cần quay về mặt nước
Nhà sinh học Nicholas Wegner giải thích: "Do có khả năng tự giữ nhiệt, cá opah không cần phải quay về mặt nước lấy hơi ấm, nó có thể ở liên tục sâu dưới lòng đại dương nơi luôn gần nguồn thức ăn".
Nhà sinh học Nick Wegner đang giữ cá opah đánh bắt được trong một nghiên cứu trên eo biển California.
Cá opah có màu đỏ sắt với những chấm trắng trên nền da sáng. Con cá nặng 90kg và có kích cỡ ngang lốp xe, thân hình oval. Nó có thể xuất hiện ở khắp các đại dương trên thế giới. Hầu hết thời gian, opah sống ở độ sâu 50-400 mét để săn mồi.
Huyền Anh
Theo CBC