Tìm thấy dấu chân người 120.000 năm tuổi ở Ả Rập Xê Út
(Dân trí) - Dấu chân của người, voi và các loài động vật khác được tìm thấy xung quanh một hồ nước khô cổ ở Ả Rập Xê Út.
Bộ bảy dấu chân người, được tìm thấy xung quanh một hồ nước khô cổ ở khu vực phía bắc Tabuk, là bằng chứng sớm nhất về con người ở bán đảo Ả Rập.
Các chuyên gia tin rằng họ thu được dấu chân của ít nhất hai người, và nói rằng chúng có thể giúp tìm hiểu các tuyến đường mà con người thực hiện ra khỏi châu Phi.
Nghiên cứu mới cho thấy "các tuyến đường nội địa, theo các hồ và sông, có thể đặc biệt quan trọng đối với con người đang rời khỏi lục địa", Mathew Stewart từ Viện Sinh thái Hóa học Max Planck cho biết.
Ông nói thêm: "Dấu chân là một dạng bằng chứng hóa thạch độc đáo ở chỗ chúng cung cấp ảnh chụp nhanh trong 1 khoảng thời gian, thường là một vài giờ hoặc vài ngày, một bằng chứng mà chúng tôi khó có thể nhận được từ các hồ sơ khác".
Dựa trên tầm vóc và khối lượng cơ thể được suy ra, các nhà nghiên cứu cho rằng dấu chân thuộc về con người hiện đại chứ không phải người Neanderthal - những người không được biết là đã ở trong khu vực vào thời điểm đó.
"Có vẻ như những người này đến hồ để tìm nguồn nước và kiếm ăn cùng lúc với các loài động vật", Mathew cho biết.
Dấu chân của voi và các động vật khác cũng được xác định cùng với 233 hóa thạch.
Ngày nay, bán đảo Ả Rập bao gồm những sa mạc rộng lớn, nơi mà con người sơ khai và những loài động vật mà họ săn bắt không thể ở được.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khu vực này từng trải qua điều kiện ẩm ướt và xanh hơn nhiều do sự biến đổi tự nhiên của khí hậu.
Richard Clark-Wilson, từ Royal Holloway, Đại học London, cho biết: "Vào một số thời điểm nhất định trong quá khứ, các sa mạc chiếm ưu thế bên trong bán đảo từng là đồng cỏ rộng lớn với các sông và hồ nước ngọt vĩnh viễn”.
“Sự có mặt của các động vật to lớn như voi, hà mã, cùng với đồng cỏ rộng mở và nguồn nước lớn, có thể đã khiến miền bắc Ả Rập trở thành một nơi đặc biệt hấp dẫn đối với con người di chuyển giữa châu Phi và Á-Âu", Michael Petraglia, từ Viện nghiên cứu Khoa học Lịch sử Nhân loại Max Planck cho biết thêm.