Tiệm cầm đồ từng "sống khỏe" mùa dịch nay phải "khóc" vì giãn cách
(Dân trí) - Các tiệm cầm đồ từng "sống khỏe" trong mùa dịch vì nhiều người gặp khó khăn phải cầm cố tài sản. Nhưng khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội thì thần tài đã không còn "mỉm cười" với dịch vụ này nữa.
Đã từng "sống khỏe" trong mùa dịch
Tháng 1/2020, Việt Nam xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Và rồi suốt hơn 18 tháng qua, TPHCM đã trải qua đến 4 đợt giãn cách. Điều này khiến đa số các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, nhiều người thất nghiệp, giảm thu nhập, nhiều công ty đã hoặc đang đứng bên bờ vực phá sản.
Không ít người đã phải đi đến phương án cầm cố tài sản để xoay sở những khó khăn. Có lẽ vì vậy mà các tiệm cầm đồ vẫn có thể duy trì nguồn thu, thậm chí là có thể "sống khỏe" trong mùa dịch.
Anh Cao Ngọc Điền (27 tuổi), đang sinh sống tại quận 12, TPHCM khẳng định, dịch vụ cầm đồ của gia đình anh vẫn có thể "sống khỏe" trong mùa dịch bệnh khi lượng khách tìm đến không những không giảm mà còn tăng nhiều hơn 15-20%.
Được biết, dịch vụ cầm đồ của anh Ngọc Điền được kết hợp cùng tiệm vàng của gia đình đã hoạt động được 4 năm và chủ yếu nhận cầm cố vàng, bạc, các món đồ trang sức có giá trị.
"Vì dịch Covid-19 nên công việc của mọi người bị ảnh hưởng, dẫn đến thu nhập không ổn định. Vì vậy mà nhiều người có xu hướng đem một số món đồ có giá trị đi cầm cố. Từ đó mà lượng khách cầm đồ của tiệm mình cũng tăng lên", anh Ngọc Điền chia sẻ.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện mùa dịch trong những ngày TPHCM không giãn cách, còn từ khi dịch bùng phát và ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi một trong những giải pháp khống chế dịch lan rộng là thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 thì câu chuyện "sống khỏe" của nghề cầm đồ cũng đã không còn nữa.
Tiệm cầm đồ phải "đóng băng" dù nhu cầu của khách tăng cao
Tình hình kinh doanh dịch vụ cầm đồ của anh Vũ Mạnh Hùng (26 tuổi), ngụ quận Tân Bình cũng sụt giảm đáng kể vì giãn cách xã hội.
Theo chia sẻ của anh Mạnh Hùng, anh chủ yếu cầm cố các loại tài sản có giá trị cao như bất động sản, ô tô, mô tô… Tất cả những tài sản này thường cần anh phải đến tận nơi để thẩm định. Nhưng suốt gần một tháng qua, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tụ tập đông người nên anh Hùng cũng chỉ ở nhà để tuân thủ theo chỉ thị của thành phố.
Do đó, dù nhu cầu cầm đồ tăng cao, nhiều khách hàng liên hệ, nhưng vì không thể đi thẩm định tài sản, nên số lượng giao dịch của anh Hùng cũng giảm hẳn.
"Mong là hết dịch, mọi người ổn định, quay lại làm ăn sản xuất bình thường, cần lượng tiền, vốn thì các tiệm làm cầm đồ như mình mới làm ăn lên được", anh Mạnh Hùng chia sẻ thêm.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Mạnh Hùng, tình hình tiệm cầm đồ chuyên cầm xe máy và đồ điện tử của anh Minh Hiếu (31 tuổi), ngụ tại quận Tân Phú cũng đang bị ảnh hưởng nhiều.
Theo anh Hiếu, trước khi TPHCM thực hiện giãn cách, khách đến đóng lãi và cầm cố dễ dàng hơn. Còn hiện tại, theo chỉ thị của nhà nước, tiệm cầm đồ của anh cũng giống như nhiều cơ sở kinh doanh khác phải đóng cửa tạm ngưng hoạt động.
Tuy biết giãn cách để phòng chống dịch bệnh là điều cần thiết và vẫn luôn nghiêm túc tuân thủ theo các quy định của nhà nước, nhưng anh Hiếu vẫn không khỏi chạnh lòng khi phải "đóng băng" trong mùa Euro.
"Mùa của các giải bóng đá là lúc ăn nên làm ra của các tiệm cầm đồ, nhưng với tình hình giãn cách này, mình không thể mở tiệm nên không có ai cầm cố gì được hết", anh Hiếu nói trong tiếc nuối.
Chia sẻ thêm với PV Dân trí, anh Minh Hiếu hy vọng dịch bệnh có thể nhanh chóng được kiểm soát, không còn giãn cách nữa để anh có thể hoạt động lại và giải quyết nhu cầu tài chính cho các khách hàng của mình.
Theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Đức Chánh, dịch vụ cầm đồ là một trong những hoạt động tài chính hợp pháp khi tuân thủ các điều kiện chặt chẽ. Cụ thể, các cơ sở này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có giấy phép an ninh, trật tự
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
- Có giấy phép đăng ký kinh doanh.
Cơ sở kinh doanh cần đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Bên cạnh đó, người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đối với người Việt Nam: Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự theo quyết định của Tòa án.