Thót tim sự cố mắc kẹt, chặn cửa thang máy: 4 nguyên tắc thoát hiểm cần nhớ
(Dân trí) - Trong cuộc sống hàng ngày, người dân từng gặp không ít sự cố khi sử dụng thang máy như mất điện, kẹt cửa, thang dừng đột ngột, rơi tự do...
Sự việc nữ lao công dùng tấm kính chặn cửa thang máy chung cư ở TPHCM hồi cuối tháng 6 một lần nữa làm dấy lên những vấn đề an toàn khi sử dụng thang máy trong cuộc sống hàng ngày.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu sự cố thang máy khiến nhiều người "một phen thót tim".
Giải cứu 2 người mắc kẹt
Khoảng 9h ngày 30/5, cô gái 28 tuổi cùng cháu bé 2 tuổi bị mắc kẹt trong thang máy nhà dân ở đường Lê Thị Hoa (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TPHCM).
Nhận tin báo, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP Thủ Đức nhanh chóng có mặt tại hiện trường, giải cứu hai người gặp nạn.
Tại hiện trường, cảnh sát trấn an, động viên các nạn nhân giữ bình tĩnh. Sau đó, họ dùng máy banh cắt thủy lực, tách 2 cánh cửa thang máy, tạo khoảng trống, giải cứu các nạn nhân ra ngoài an toàn.
Bé gái bị kẹt trong thang máy, bà bất lực giải cứu
Tháng 4/2023, mạng xã hội lan truyền đoạn video hai bà cháu bị kẹt thang máy tại một chung cư ở phường La Khê (quận Hà Đông, Hà Nội).
Bé gái vừa bước vào thang máy thì cửa bất ngờ đóng lại. Sự việc khiến cô bé vô cùng hoảng sợ, liên tục ấn nút mở và nút gọi cứu hộ.
Từ bên ngoài, người bà cố luồn tay, chân vào để giữ thang, nỗ lực giải cứu cháu gái nhưng bất thành.
Ngay sau khi nhận thông tin, kỹ thuật tòa nhà đã có mặt xử lý, giải cứu bé gái ra ngoài an toàn sau 10 phút mắc kẹt. Cả hai bà cháu không bị thương tích.
"Sự cố xảy ra do lỗi kỹ thuật, đã được lập biên bản giữa các bên. Chúng tôi cũng đã yêu cầu Ban quản lý chung cư kiểm tra và khắc phục, tránh để sự việc tương tự xảy ra", lãnh đạo Công an phường La Khê nói.
4 lần dừng thang máy vì mất điện
Tháng 6/2023, một tòa nhà văn phòng trên địa bàn phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị cắt điện đột ngột. Một số thang máy của tòa nhà bị dừng 4 lần do sự cố điện.
30 phút sau, tòa nhà thông báo cấp điện nhưng thang máy chưa hoạt động. Người dân mắc kẹt bên trong cabin ấn nút khẩn cấp và gọi theo số đường dây nóng để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Một lúc sau, nhân viên kỹ thuật trấn an nạn nhân, hỗ trợ thang di chuyển chậm xuống tầng một để mọi người thoát ra ngoài an toàn.
Lãnh đạo UBND phường Mễ Trì xác nhận một trong các sự cố thang máy xảy ra tại tầng 17 do mất điện đột ngột, tòa nhà không được báo trước.
Bộ phận kỹ thuật của Ban Quản lý tòa nhà đã xử lý kịp thời, giải cứu an toàn các nạn nhân mắc kẹt.
"Sự việc không có thiệt hại về người. Tòa nhà đã chạy máy phát điện, người dân đi lại, sinh hoạt bình thường", lãnh đạo phường Mễ Trì cho hay.
4 nguyên tắc an toàn cần nhớ
Trên thực tế, một số sự cố thang máy thường gặp như mất điện, ngừng hoạt động, chạy vượt tốc độ, lỗi hệ thống điều khiển, kẹt cửa thang, rơi tự do...
Ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam, khuyến cáo người dân không tự ý cạy cửa để thoát ra ngoài khi thang máy gặp sự cố. Hành động này làm kết cấu cửa bị bung ra khiến công tác cứu hộ gặp khó khăn.
"Khi lực lượng dùng các biện pháp kỹ thuật để cứu hộ thì không thể đưa cabin về bằng tầng do cửa thang máy đã bị tác động, xô đẩy hoặc lệch so với hiện trạng ban đầu", ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, với những tòa nhà có lực lượng cứu hộ được đào tạo bài bản, đúng quy trình thì họ sẽ xử lý nhanh, đưa nạn nhân mắc kẹt ra ngoài nhanh chóng trong bất kỳ sự cố nào.
Về nguyên tắc cứu hộ, bộ phận kỹ thuật sẽ đưa cabin thang máy về vùng an toàn, thấp hoặc cao hơn sàn tầng khoảng 20cm. Nếu sàn nhà quá cao, gây hở hố thang, sẽ tiềm ẩn nguy hiểm người bị rơi, ngã xuống hố.
Ông khuyến cáo người dân nếu không may mắc kẹt trong thang máy, điều đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là phải giữ bình tĩnh, không la hét, không gào khóc, không hoạt động mạnh.
Lượng oxy trong thang máy kín rất ít, không gian chật hẹp, nên càng hoảng loạn càng tiêu tốn oxy, dễ ngất xỉu và gặp nguy hiểm.
"Để gọi cứu hộ, người dân ấn các nút khẩn cấp trên thang máy để liên hệ bộ phận trực, sau đó bình tĩnh chờ người tới giải cứu", Chủ tịch Hiệp hội thang máy Việt Nam nói.
Liên quan sự cố dùng tấm kính chắn cửa thang máy, đại diện Ban Quản lý một chung cư ở Hà Nội cho biết cảm biến cửa thang không nhận diện được một số vật liệu như kính, nhựa (dạng trong suốt), dẫn đến cửa đóng lại gây nên sự cố đáng tiếc.
Cảm biến cửa thang máy vốn được ví von như "con mắt của thang", có khả năng nhận biết người hoặc vật cản tại vị trí cửa ra vào thang máy để ngăn cửa thang đóng lại.
Về nguyên tắc, việc chặn cửa thang máy bằng một vật dụng được xem là sai kỹ thuật, sai quy trình. Nếu cư dân sử dụng các vật dụng để chặn cửa thang máy sẽ bị lập biên bản xử phạt.
"Chúng tôi luôn khuyến cáo cư dân không cố tình giữ cửa bằng cách đặt bất kỳ vật cản hay cơ thể vào giữa khe cửa vì có thể dẫn đến kẹt tay, chân, đồ vật... hoặc làm kẹt thang máy", đại diện BQL nói.
Để giảm thiểu những tác động nguy hiểm khi gặp các sự cố trong thang máy, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo người dân thực hiện 4 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Giữ bình tĩnh, không la hét, hoảng loạn
Nếu người dân càng la hét và hoạt động mạnh sẽ nhanh chóng làm không khí trở nên ngột ngạt, khó thở vì khi đó lượng oxy trong khu vực thang sẽ giảm nhanh.
Điều đó khiến trẻ nhỏ, người già hoặc những người có bệnh lý về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu và nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên tắc 2: Bấm các nút chức năng của thang
Khi thang máy đã ở trạng thái ổn định, hãy thử bấm nút mở cửa, nếu cửa thang mở thì mọi người có thể lần lượt thoát ra ngoài.
Tuy nhiên, trước khi bước ra ngoài, người gặp nạn cần quan sát cẩn thận, tránh trường hợp thang dừng lại ở vị trí không khớp với mặt sàn của các tầng.
Nếu bấm nút mở cửa nhưng thang không mở, người dân cần bình tĩnh suy xét và bấm các nút khẩn cấp khác (hình cái chuông hoặc hình ống nghe điện thoại) để báo động cho bên ngoài đến hỗ trợ.
Nguyên tắc 3: Chèn cửa tạo khe thoáng để bổ sung không khí vào thang
Trong quá trình đợi người bên ngoài đến cứu, để ngăn ngừa tình trạng ngột ngạt, khó thở do thiếu không khí, người trong thang có thể dùng các vật cứng như chìa khóa để lách vào khe cửa thang máy, sau đó kết hợp dùng các vật dụng khác có kích thước lớn hơn để chèn vào khe cửa thang.
Nếu trong thang máy có sóng điện thoại, người dân nhanh chóng gọi theo số đường dây nóng để thông báo cho bộ phận kỹ thuật kịp thời đến hỗ trợ, hoặc gọi lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114.
Ngoài ra, người dân có thể liên hệ bộ phận trực thang máy hoặc liên lạc những người bên ngoài bằng cách gọi to, gõ vào thành thang máy để phát tín hiệu.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng không nên đập mạnh hoặc đạp vào thành hoặc cửa thang vì những tác động đó có thể làm thang bị trượt, đứt cáp tời dẫn đến thang rơi tự do.
Nguyên tắc 4: Không thoát nạn qua cửa nóc thang máy
Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, người gặp nạn không nên tìm cách mở cửa trên nóc thang và thoát nạn qua đó.
Hành động này rất dễ bị trượt, ngã dẫn đến những chấn thương hoặc bị rơi xuống giếng thang nguy hiểm đến tính mạng.