Thói quen vô tình gây ngộ độc chì mà nhiều bà nội trợ mắc phải
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, một vài thói quen hàng ngày như: việc sử dụng giấy báo bọc thực phẩm chín, sử dụng các loại gốm sứ rẻ tiền có hoa văn sặc sỡ hay các loại thuốc cam trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ… là cách gián tiếp đưa chì vào cơ thể chúng ta.
Chì là một kim loại nặng, là nguyên tố có độc tính cao với sức khỏe con người. Ngoài việc ngộ độc chì từ son môi, chì có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta do hít bụi từ các loại sơn cũ có chứa chất chì, hay tiếp xúc với nguồn nước, nguồn đất bị ô nhiễm chì, hít thở không khí từ hoạt động công nghiệp có chì...
Bên cạnh đó, một vài thói quen hàng ngày như: việc sử dụng giấy báo bọc thực phẩm chín, sử dụng các loại gốm sứ có hoa văn sặc sỡ hay các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ… cũng là cách gián tiếp đưa chì vào cơ thể chúng ta.
Gói thức ăn chín bằng giấy báo
Việc sử dụng giấy báo để bọc thức ăn khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt tại những hàng quán bán rong bên đường. Cách làm này vừa tiện lợi lại giúp nhiều người tiết kiệm được một khoản chi phí khi không phải mua các hộp đựng hoặc giấy gói chuyên dụng cho thực phẩm. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, hành vi này không tốt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, tất cả các mực in có màu từ màu: xanh, đỏ, đen… đều có chứa kim loại chì và nhiều hợp tố kim loại khác. Các kim loại này dễ hòa tan trong dung môi nước hay các chất béo (dầu, mỡ) trong quá trình gói thực phẩm.
Nếu sử dụng các loại giấy báo để bọc thức ăn đặc biệt là các thực phẩm đã nấu chín thì nguy cơ ngộ độc chì cũng cao hơn. Mặt khác,PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, các món ăn được gói bằng giấy báo trông có vẻ sạch sẽ nhưng ít ai biết được nguy cơ nhiễm khuẩn từ những tờ giấy này.
“Chúng được đưa từ nhà máy in đến các quầy sạp, báo, đến tay người dùng, rồi lại được tập kết thu mua ở các cửa hàng phế liệu đồng nát. Thông thường, tính thấm hút, của báo khá mạnh nên vi khuẩn dễ lưu lại trên bề mặt tờ báo. Người xem càng nhiều thì vi khuẩn bám vào bề mặt tờ báo càng nhiều”, chuyên gia này cho biết.
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các loại hộp đựng thức ăn, các loại lá cây để gói, bọc thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. “Chúng ta có thể dùng báo để bọc, gói thực phẩm khô như gạo, đỗ, lạc… còn đối với các sản phẩm đã nấu chín, có tính dầu mỡ thì nên hạn chế. Tốt nhất nên sử dụng các loại lá cây để gói. Về lâu dài nếu duy trì thói quen không tốt này thì chắc chắn cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Dùng thuốc cam trôi nổi trên thị trường
Thuốc cam đang được nhiều bà mẹ truyền tai nhau là loại thuốc thần dược trong việc chữa lở loét, chứng biếng ăn, hay khóc ở trẻ em. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều loại thuốc cam trôi nổi hiện nay chứa hàm lượng chì rất cao, dùng lâu dài có thể gây ngộ độc. Trong khi đó, việc chẩn đoán ngộ độc chì do dùng thuốc cam rất khó khăn. Nhiều trẻ đã phải qua các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, huyết học... mới xác định được ngộ độc chì.
PGS. TS Trần Hồng Côn giảng viên Khoa Hoá học trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, trong thuốc cam người ta hay cho vào “thần sa” – một vị thuốc Đông y có công dụng chữa bệnh an thần, mất ngủ, ác mộng, dùng ngoài trị mụn nhọt. Đây là một loại khoáng thạch có màu đỏ chứa sunfua thủy ngân và sunfua selen, thường được lấy trong mỏ quặng. Ngày nay nhiều người mua “thần sa” trôi nổi ngoài tự nhiên có hàm lượng lẫn chì lớn, chưa được qua xử lý nên có thể gây ngộ độc cho cơ thể, nhẹ thì dẫn đến thâm lợi, sưng lợi… nặng có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nhiễm độc chì ở trẻ em nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn. “Chì đặc biệt độc với hệ thần kinh của trẻ em, gây chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển thể chất. Nồng độ chì máu càng cao thì càng ảnh hưởng xấu tới phát triển trí tuệ của trẻ”, chuyên gia này cho biết.
PGS.TS Trần Hồng Côn cũng khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua thuốc, điều trị cho con khi mắc bệnh mà nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và có hướng điều trị phù hợp. Tuyệt đối không dùng các bài thuốc trôi nổi của các thầy lang, các cơ sở chưa được cấp phép, quản lý.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua nguy cơ ngộ độc chì từ các hoạt động đời sống hàng ngày chứ không chỉ do uống thuốc cam.Trẻ em cũng có thể bị ngộ độc chì do ngậm đồ chơi có pha chì, sơn tường nhà...
Nguy cơ độc hại từ bát đĩa rẻ tiền nhiều hoa văn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trong công nghệ sản xuất đồ sành sứ người ta dùng chì như một hợp tố kim loại có trong thành phần của men, hoặc dùng chì để bề mặt thủy tinh trở nên trong suốt, sáng bóng. Chì cũng là thành phần chính trong nguyên liệu để vẽ lên sản phẩm bát đĩa. Thông thường sản phẩm đồ sứ đạt chuẩn phải trải qua quá trình nung kỹ ở nhiệt độ trên 1200 độ C, điều này sẽ giúp loại bỏ hết các tạp chất kim loại như chì trong sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi nhuận, một số cơ sở chỉ nung ở mức 800- 1.000 độ. Những sản phẩm gốm sứ nhiễm chì trên có khả năng gây nhiễm độc cao cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm gốm sứ càng nhiều hoa văn sặc sỡ thì có hàm lượng chì càng cao.
Để hạn chế nguy cơ nhiễm độc chì, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm đồ sứ trơn một màu, ít hoa văn và không quá bóng loáng. Trong trường hợp sản phẩm có nhiều hoa văn thì có thể kiểm tra bằng cách dùng tay sờ vào hoa văn, hàng tốt và an toàn cho sức khỏe thì hoa văn chìm dưới men, sờ vào không bị cộm, nhám. Hạn chế dùng bát đĩa tráng men màu trong lòng bát. Không nên dùng những chiếc bát đĩa gốm sứ để nấu chín các loại thức ăn trong lò vi sóng và không dùng đựng thức ăn có chứa axit…
“Ví dụ, chúng ta dùng để đựng nước thì không vấn đề gì, tuy nhiên khi đựng các chất chứa axit như dưa chua, cà muối… thì có thể làm thôi nhiễm, hòa tan chất kim loại đặc biệt là chì ra thực phẩm. Do chì là kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong cơ thể người và ít bị thải loại, nên dù lượng chì nhiễm độc từ bát đĩa trong mỗi bữa ăn là rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu sử dụng lâu dài cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe….”, chuyên gia này cho hay.
Hà Trang