Từ câu chuyện nữ MC nhiễm độc chì: Chị em cần loại bỏ ngay những thói quen nguy hiểm này

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, để tránh việc ngộ độc chì từ son môi, phụ nữ cần hạn chế dùng các loại son đậm màu, giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi đánh son cần hạn chế liếm môi, trước khi ăn phải lau son thật sạch…

Sử dụng các loại son rẻ, không rõ nguồn gốc có nguy cơ ngộ độc chì cao

PGS.TS Phạm Duệ , nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong vài chục năm làm việc thì trường hợp nữ MC bị nhiễm chì do thói quen sử dụng son môi màu đậm là trường hợp đầu tiên. Theo TS Duệ, vào một lần rất tình cờ khi ông đến ghi hình tại đài truyền hình thì được nữ MC hỏi bên lề rằng mình có bị nhiễm độc chì vì thường xuyên có những biểu hiện mất ngủ, táo bón, hay quên…

Sau khi kiểm tra răng, BS Phạm Duệ phát hiện viền lợi của nữ MC đã chuyển sang màu đen xám với ánh kim loại lấp lánh. Sau khi thăm hỏi, PGS.TS Phạm Duệ cho biết nữ MC không có thói quen nào liên quan đến việc nhiễm chì, ngoại trừ việc tô son môi màu đậm như đỏ, đỏ cam hàng ngày.

Trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Phạm Duệ cho hay, ngoài trường hợp nữ MC này, ông cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào về việc nhiễm độc chì có liên quan đến việc thường xuyên dùng son môi nhiễm chì. Tuy nhiên, ngày nay việc dùng son môi của phụ nữ là khá phổ biến. Trong đó, những loại son có màu rực rỡ, giá thành quá rẻ với những thành phần không đảm bảo thì có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc chì cho cơ thể.“Phụ nữ nên hạn chế dùng những loại son đỏ đậm màu. Nên thay đổi màu son. Khi đánh son cần hạn chế liếm môi, trước khi ăn phải lau son thật sạch”, PGS.TS Phạm Duệ nói.

Các loại son siêu rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có nguy cơ ngộ độc chì cao
Các loại son siêu rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ có nguy cơ ngộ độc chì cao

Chuyên gia này cũng cho hay, chì là một kim loại nặng, là nguyên tố có độc tính cao với sức khỏe con người. Ngoài việc dùng ngộ độc chì từ son môi, chì có thể xâm nhập vào cơ thể chúng ta do hít bụi từ các loại sơn cũ có chứa chất chì, hay tiếp xúc với nguồn nước, nguồn đất bị ô nhiễm chì, hít thở không khí từ hoạt động công nghiệp có chì...

Bên cạnh đó, sử dụng các loại thực phẩm có chứa chì, hoặc đưa tay dính chì, sản phẩm có chứa chì đưa lên miệng cũng là cách gián tiếp đưa chì vào cơ thể chúng ta. “Chì gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương gây sút giảm trí nhớ, mất ngủ, đau đầu, co giật, hôn mê; ảnh hưởng thần kinh ngoại biên gây liệt cơ, ảnh hưởng lên hệ huyết học gây thiếu máu nhiều khi rất nặng nề”.

Phụ nữ mang thai ngộ độc chì sẽ sinh ra con chậm lớn, còi cọc

Các triệu chứng nhiễm độc chì cho người lớn thường gặp là đau đầu, mất ngủ, hay quên, đau bụng, táo bón… Với trẻ em, PGS.TS Duệ cho biết ngoài những triệu chứng ngộ độc chì cấp tính, nặng như kể trên có thể dẫn đến từ vong thì ngộ độc chì còn khiến trẻ em chậm lớn, còi cọc, chậm phát triển nhận thức, trí tuệ, giảm chỉ số thông minh. Bản thân chuyên gia này cũng đã từng điều trị và gặp nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc chì dẫn đến việc chậm phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

“Có em đã 17 tuổi nhưng bị ngộ độc chì từ nhỏ nên mất khả năng học tập, chỉ biết viết duy nhất 1 chứ O như bánh xe răng cưa méo và khả năng tự vệ sinh cá nhân cho bản thân cũng kém…”. Đặc biệt theo PGS.TS Phạm Duệ, phụ nữ mang thai ngộ độc chì sẽ khiến trẻ sinh ra chậm lớn, chậm phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần thậm chí tàn tật, bại não tùy theo nồng độ chì trong máu mẹ và thai nhi.

Để tránh ngộ độc chì mọi người phải cảnh giác, có những hiểu biết cơ bản để nhận biết và tránh nguy cơ nhiễm độc chì. Tuyệt đối không dùng các thuốc nam từ các thầy lang dạo, nguồn trôi nổi không có giấy đăng ký cấp phép. Ngoài ra, cần chú ý đến môi trường sống, lựa chọn nghề nghiệp… tránh những công việc thường xuyên phải tiếp xúc với chì.

Khi tô son cần hạn tiếp xúc với thức ăn
Khi tô son cần hạn tiếp xúc với thức ăn

Riêng đối với son môi, PGS.TS Phạm Duệ cũng cho rằng, cần tìm hiểu các loại son có chì để hạn chế dùng. Trong quá trình sử dụng son môi nên hạn chế việc tiếp xúc với thức ăn hoặc bôi son nhiều lần trong ngày. Khi nghi ngờ nhiễm chì thì phải nhanh chóng tiến hành xét nghiệm chì máu và chì niệu để có cách điều trị phù hợp.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho biết, theo đúng nguyên tắc trong son môi không được phép sử dụng chì cũng như các chất gây độc hại cho cơ thể. Ở các thương hiệu son uy tín thường sẽ phải trải qua quá trình kiểm nghiệm lượng chì nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất trôi nổi sử dụng chì như một vi lượng, giúp son bền màu, lâu phai và giúp sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Việc sử dụng son siêu rẻ có chứa chì tuy không biểu hiện ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

“Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hóa. Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Về lâu dài người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích lũy lâu ngày có thể ảnh hưởng đến các cơ quan thần kinh, máu, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận”, PGS. TS Côn khẳng định. Chuyên gia này cũng cho biết, cơ thể nhiễm chì nặng thể hiện rất rõ ở lợi, mắt của con người, lúc này các bộ phận này sẽ chuyển dần sang màu xám. Để chắc chắn có bị “ngộ độc” chì hay không thì phải tiến hành xét nghiệm máu.

Cũng theo PGS.TS Trần Hồng Côn, kim loại chì không màu, không mùi nên bằng mắt thường rất khó nhận biết trong sản phẩm. Việc lấy vàng bạc, đồng thiếc để thử chì trong son theo PGS.TS Côn là “không có tác dụng” do đó không phải là phản ứng đặc trưng của chì.

“Để kết luận được sản phẩm đó có nhiễm chì hay không phải tiến hành các xét nghiệm khoa học nghiêm ngặt không thể dùng mẹo hoặc mắt thường mà nhận biết được. Để phòng chống việc ngộ độc chì từ son môi thì người tiêu dùng cần phải chọn lựa các loại mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tem kiểm định của cơ quan chức năng. Tuyệt đối không mua đồ rẻ, trôi nổi ngoài thị trường”, PGS.TS Trần Hồng Côn khẳng định.

Hà Trang